Ninh Bình phát triển sản phẩm du lịch từ đặc trưng văn hóa địa phương
16/07/2024 | 09:38Với bề dày văn hóa lịch sử lâu đời cùng hệ thống các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, trong đó có hàng trăm di sản đã được xếp hạng, Ninh Bình sở hữu nguồn tài nguyên nhân văn dồi dào để phát triển du lịch văn hóa. Đây vừa là hướng đi để du lịch và văn hóa được khai thác, phát triển hài hòa theo hướng bền vững, đồng thời tạo nên tính độc đáo, khác biệt, hấp dẫn cho sản phẩm du lịch.
Trong chuyến thăm và biểu diễn tại Việt Nam vừa qua, đoàn nghệ sỹ của Dàn nhạc thính phòng Rentaro Kyushu, thành phố Saiki, tỉnh Oita, Nhật Bản đã có dịp khám phá các khu, điểm du lịch nổi tiếng của Ninh Bình. Trong đó, khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư đã thực sự cuốn hút các nghệ sỹ khi được khám phá nét kiến trúc nghệ thuật trên gỗ và đá cùng câu chuyện văn hóa, lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam thế kỷ thứ X.
Cùng với Cố đô Hoa Lư, nhiều địa điểm khác trong Quần thể Danh thắng Tràng An đã trở thành điểm nhấn quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Nhằm góp phần đa dạng hóa, tạo nên dấu ấn riêng cho hành trình khám phá các điểm đến, nhiều sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc đã được xây dựng, như tour khám phá cánh đồng lúa nghệ thuật ở Tam Cốc, không gian văn hóa Khê Cốc, hay theo dấu chân vua Đinh, tìm về cội nguồn Đức Thánh Nguyễn… Những năm gần đây, những thương hiệu danh giá như: top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới, 1 trong 23 điểm nghỉ dưỡng tuyệt vời nhất thế giới, tốp 10 trải nghiệm cuốn hút nhất năm 2024… Đó là bằng chứng khẳng định sức lôi cuốn của du lịch văn hóa Ninh Bình đối với du khách trong nước, quốc tế.
Thực tế cho thấy, xu hướng hiện nay du khách ngày càng đòi hỏi nhiều hơn về nội dung của chuyến du lịch chứ không chỉ đơn thuần là cảnh đẹp ở điểm đến. Trong khi đó, chất liệu văn hóa của tỉnh rất dồi dào với 3 di tích quốc gia đặc biệt, hơn 200 lễ hội dân gian, trên 50 làng nghề cấp tỉnh, cùng những danh nhân, bậc hiền tài đã làm rạng danh đất nước, dân tộc. Theo đó, các ngành, đơn vị đã và đang tiếp tục xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa, kể những câu chuyện gắn với điểm đến, hay kết nối nhiều câu chuyện của nhiều điểm đến trong hành trình để mang lại những trải nghiệm hấp dẫn cho du khách.
Xây dựng các sản phẩm du lịch dựa trên đặc trưng văn hóa địa phương luôn tạo ra sức hấp dẫn và thế mạnh riêng cho điểm đến. Đặc thù loại hình này luôn cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, chuyên gia văn hóa lịch sử, những người làm du lịch, lữ hành và nhất là cư dân địa phương. Từ đó, góp phần phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa một cách bền vững, hiệu quả./.