Ninh Bình phát huy thế mạnh du lịch địa phương
09/02/2023 | 08:07Ninh Bình có cảnh quan đa dạng về rừng, núi, sông, biển, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển thế giới, khu du lịch quốc gia và di sản văn hóa thế giới. Đáng chú ý, với dấu ấn "Eco" (sinh thái) và nhịp sống chậm êm đềm, du lịch Ninh Bình thực sự hấp dẫn du khách đặc biệt là khách quốc tế.
Du lịch của Ninh Bình đang đứng trước giai đoạn phát triển mạnh với nhiều cơ chế, chính sách đầu tư lớn, là địa bàn đầu tư hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư với các dự án về khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng cao cấp, khu vui chơi, giải trí… Sự chuyển mình của ngành du lịch địa phương thực sự diễn ra mạnh mẽ kể từ khi quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân giai đoạn 2010 - 2019 đạt 12%/năm; doanh thu tăng bình quân 23,6%/năm. Giai đoạn 2020 - 2021 do ảnh hưởng của đại dịch, du lịch Ninh Bình bị thiệt hại nặng nề, tuy nhiên với những biện pháp đầu tư, xúc tiến, quảng bá, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, hoạt động du lịch của tỉnh năm 2022 đã nhanh chóng phục hồi trở lại; ước đón 3,7 triệu lượt khách du lịch, trong đó có gần 60.000 khách quốc tế.
Đặc biệt, trong những ngày đầu năm mới Quý Mão 2023, các khu, điểm du lịch trên địa bàn đón lượng lớn khách du lịch. Thống kê từ Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, tính trong 4 ngày, từ 29 Tết đến mồng 2 Tết, Ninh Bình đón khoảng 85.000 lượt khách, tăng gấp 7 lần so với dịp 2022, trong đó có 12.825 lượt khách quốc tế. Một số khu, điểm du lịch tiêu biểu đón đông du khách như: Khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính 19.340 lượt khách, khu du lịch Tràng An 12.910 lượt khách, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động đón 4.144 lượt khách; vườn chim Thung Nham 5.765 lượt khách; Hang Múa đón 3.500 lượt khách; nhà thờ đá Phát Diệm đón 5.222 lượt khách. Lượng khách đông nhất phải kể đến phố cổ Hoa Lư (thành phố Ninh Bình) với 36.835 khách. Công suất phòng bình quân đạt từ 35% đến 40%.
Vừa mới đây, chuyên trang đặt phòng nổi tiếng thế giới Booking.com công bố top 10 “Điểm đến thân thiện nhất thế giới 2023”, trong đó Ninh Bình đã lọt vào danh sách này, xếp vị trí thứ 7. Danh sách dựa trên hơn 240 triệu đánh giá đã được kiểm chứng từ khách hàng trên nền tảng của chuyên trang này. Giải thưởng “Những điểm đến thân thiện nhất thế giới” năm nay bao gồm 10 địa danh trải dài trên 5 lục địa, bao gồm những bờ biển ngọc ít được biết đến, các vùng nông thôn sở hữu cảnh quan tự nhiên đẹp mê mẩn và có cả các thành phố lớn ở châu Mỹ La tinh.
Theo đó, Ninh Bình được ví như một Việt Nam thu nhỏ với cảnh quan đa dạng về rừng, núi, sông, biển, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển thế giới, khu du lịch quốc gia và di sản văn hóa thế giới. Ninh Bình cũng từng được chọn làm bối cảnh quay của một số bộ phim nổi tiếng của Hollywood như: “Pan và Neverland”, “Người Mỹ trầm lặng”, “Kong: Đảo đầu lâu”... Đáng chú ý, với dấu ấn "Eco" (sinh thái) và nhịp sống chậm êm đềm, du lịch Ninh Bình thực sự hấp dẫn du khách đặc biệt là khách quốc tế.
Hình ảnh du lịch Ninh Bình được tuyên truyền, quảng bá rộng rãi; các đơn vị kinh doanh du lịch chấp hành nghiêm quy định trong lĩnh vực kinh doanh du lịch; việc niêm yết, bán theo giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ được thực hiện nghiêm túc.
Mặc dầu vậy, trong quá trình phát triển, tính liên kết vùng vẫn còn tồn tại những hạn chế. Một số tài nguyên hấp dẫn mới được phát hiện chưa được tổ chức quản lý, khai thác hiệu quả, sản phẩm du lịch chưa phong phú; còn ít tour du lịch liên tỉnh, thành phố trong và ngoài vùng; quảng bá xúc tiến còn rời rạc, chưa chuyên nghiệp, nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu… Do đó, khách chủ yếu đi tham quan trong ngày, chưa lưu đêm nhiều, dù giá khách sạn, dịch vụ ăn uống rẻ và chi tiêu ngoài tour của khách cũng không cao.
Xuất phát từ thực tế trên, hiện nay, Ninh Bình đang triển khai những biện pháp khai thác tài nguyên tại các điểm du lịch theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá thành sản phẩm, tăng cường xúc tiến, quảng bá, không để bị “thương mại hóa” hoặc bị lạm dụng cho các mục đích khác khi đầu tư, đặc biệt là trong bảo vệ môi trường, cảnh quan du lịch… để sớm tạo ra các sản phẩm du lịch mới, độc đáo mang đặc trưng riêng của địa phương.
Đặc biệt, tập trung vào quy hoạch, phát triển thương hiệu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng các sản phẩm du lịch mới mang hàm lượng văn hóa độc đáo riêng có của vùng; tăng cường kết nối các sản phẩm du lịch như du lịch khoa học, du lịch tâm linh… để đưa ngành du lịch tỉnh phát triển ngày càng hiệu quả và bền vững./.