Ninh Bình: Phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể trong xây dựng thương hiệu địa phương
13/10/2023 | 10:07Di sản văn hóa vật thể được định nghĩa là các sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học. Đây là những đối tượng, hiện vật, công trình, cảnh quan, địa điểm, di tích lịch sử, kiến trúc, tài liệu và những đại diện khác của con người và xã hội từ quá khứ đến hiện tại.
Mỗi một di sản văn hóa vật thể là một câu chuyện tuyệt vời về quá khứ và mang lại sự kiêu hãnh và nhận thức sâu sắc về lịch sử và văn hóa của chúng ta. Vì vậy, di sản văn hóa vật thể đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và truyền tải di sản lịch sử và văn hóa cho thế hệ sau. Luật di sản văn hóa quy định việc quản lý, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa trong quốc gia với mục đích bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị của di sản văn hóa.
Tại Ninh Bình, vốn là nơi chứa đựng hệ thống các di sản văn hóa vật thể phong phú, gồm các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, các di vật, cổ vật, hệ thống đình, đền, chùa, công trình văn hóa... đa dạng và đặc sắc, được tạo dựng và gìn giữ qua hàng nghìn năm lịch sử, thể hiện bề dày và chiều sâu văn hóa của vùng đất nghìn năm văn hiến.
Thời gian qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản này không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương mà còn góp phần khẳng định thương hiệu, bản sắc riêng có của vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử.
GS.TS Từ Thị Loan, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: Vùng đất Cố đô Hoa Lư-Ninh Bình là nơi ken dầy những dấu tích lịch sử dân tộc Việt. Nơi đây đã được lịch sử chọn để đặt những dấu mốc quan trọng của đất nước, với một nền văn hóa kinh kỳ - đô hội còn tiếp nối đến ngày nay.
Trong suốt chiều dài lịch sử, thời kỳ nào cũng ghi nhận những dấu ấn quan trọng, thể hiện trong hàng ngàn những di tích lịch sử, văn hóa, những danh nhân, huyền tích, truyền thuyết gắn với từng ngọn núi, con sông. Những giá trị văn hóa vật thể tiêu biểu của vùng đất Cố đô Hoa Lư đã thể hiện bề dày lịch sử, văn hóa của mảnh đất này, là minh chứng khoa học cho lịch sử phát triển của vùng đất Cố đô xưa…
Việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể nói riêng, di sản văn hóa nói chung không chỉ thể hiện niềm tự hào của đất và người Cố đô mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện, bền vững, mang bản sắc và thương hiệu riêng có của Ninh Bình. Hiện nay, người dân trong nước và một bộ phận du khách nước ngoài không còn xa lạ với các di tích lịch sử, văn hóa độc đáo, riêng có khi đến tham quan Ninh Bình.
Ngoài giá trị lịch sử, nhiều di tích còn có giá trị cao về kiến trúc và nghệ thuật chạm khắc trên gỗ, trên đá, mang nét đặc trưng của vùng đất Cố đô Hoa Lư. Tiêu biểu như: Đền thờ vua Đinh và vua Lê; Đền thờ Đức Thánh Nguyễn; Nhà thờ đá Phát Diệm... Riêng khu di tích Cố đô Hoa Lư, là điểm đến mang đậm giá trị văn hóa và lịch sử dân tộc. Cùng với những giá trị về nghệ thuật kiến trúc, nhiều di tích còn lưu giữ được khá nhiều di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có giá trị tiêu biểu về nghệ thuật, lịch sử, văn hóa, khoa học.
Như tại Khu di tích Cố đô Hoa Lư, nổi bật là 5 hiện vật đã được công nhận là Bảo vật quốc gia (đó là: Cột kinh phật chùa Nhất Trụ; Long sàng trước Bái đường đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng; Long sàng trước Nghi môn ngoại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng; Bộ Phủ Việt đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng; Bộ Phủ Việt đền thờ vua Lê Đại Hành).
Cùng với đó, tại nhiều di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, cơ quan chuyên môn đã khai quật được gần 40.000 tài liệu, hiện vật với nhiều chất liệu khác nhau như sành sứ, đất nung, kim loại, vải, giấy, da, gỗ… đang được trưng bày và bảo quản tại Bảo tàng Ninh Bình; hệ thống văn bia Hán Nôm có lịch sử nối tiếp, liên tục kéo dài hàng nghìn năm, hiện còn tồn tại, lưu giữ trong các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh tại nhiều địa phương…
Hệ thống di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đã và đang được tỉnh Ninh Bình bảo tồn khá tốt. Đây là bằng chứng khẳng định mạch nguồn lịch sử và văn hóa lâu đời, đồng thời, là cơ sở và nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội có bản sắc và mang thương hiệu địa phương của tỉnh.
Đền đức Thánh Nguyễn Minh Không là một ngôi đền cổ thuộc địa phận 2 xã Gia Thắng và Gia Tiến (huyện Gia Viễn). Đền thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không, Quốc sư thời Lý. Thánh Nguyễn Minh Không tên thật là Nguyễn Chí Thành người làng Điềm Xá, thuộc phủ Tràng An xưa. Theo truyền thuyết để lại, ông là vị cao tăng đứng đầu của triều đại nhà Lý trong lịch sử Việt Nam, cũng là người đầu tiên áp dụng phương pháp chữa bệnh bằng thuốc Nam và châm cứu.
Ông Đỗ Đình Đinh, Ban Quản lý Đền thờ Đức Thánh Nguyễn cho biết: Ngôi đền được xây dựng thể hiện bàn tay khéo léo, tài hoa của người nghệ nhân xưa. Nơi đây, ngoài các hiện vật cổ quý báu còn lưu giữ 50 bản sắc phong thời Lê và Nguyễn. Di tích được công nhận là kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1989, được chính quyền huyện Gia Viễn và người dân địa phương quan tâm gìn giữ, bảo tồn.
Ngoài việc thường xuyên tu bổ, sửa chữa, không để di tích xuống cấp, hàng năm, UBND huyện Gia Viễn tổ chức các hoạt động lễ hội, gắn với giới thiệu các nghề truyền thống, giới thiệu các món ăn, sản vật của quê hương... Qua đó tạo nên nét đặc thù riêng có của địa phương, thu hút, hấp dẫn nhân dân và du khách đến tham quan, chiêm bái.
Theo kết quả tổng kiểm kê di tích năm 2022, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.821 di tích được phân bố đều khắp 143 xã, phường, thị trấn. Trong đó, đã có 395 di tích được xếp hạng, gồm 1 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới là Quần thể danh thắng Tràng An, 3 di tích quốc gia đặc biệt là Cố đô Hoa Lư; khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và núi Non Nước; 78 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 314 di tích xếp hạng cấp tỉnh.
Đó là những di tích ghi dấu các sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương, của dân tộc, đồng thời phản ánh đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân qua các giai đoạn lịch sử. Những năm qua, các di sản văn hóa vật thể trên địa bàn tỉnh thường xuyên được tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương quan tâm đầu tư, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị.
Bên cạnh những giải pháp lâu dài, mang tính chuyên môn, ngành Văn hóa với vai trò là cơ quan thường trực trong công tác quản lý đã phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương trong việc giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Trong đó, chú trọng đến công tác tuyên truyền cho cộng đồng tại nơi có di tích thấy được tầm quan trọng và giá trị của các di tích, ủng hộ nguồn kinh phí xã hội hóa để bảo vệ, tu bổ, khai thác, phát huy giá trị di tích.
Để các giá trị văn hóa vật thể không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, tinh thần ý nghĩa của người dân địa phương mà còn góp phần thu hút khách du lịch. Đó chính là thế mạnh để Ninh Bình xây dựng thương hiệu địa phương gắn với hình ảnh và bản sắc riêng so với các địa phương khác, dần khẳng định thương hiệu của vùng đất di sản khu vực Đồng bằng sông Hồng.