Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Ninh Bình: Nỗ lực phục hồi và phát triển du lịch

17/05/2022 | 09:40

Sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thời gian gần đây, hoạt động du lịch đang dần khởi sắc. Đặc biệt, kể từ khi Chính phủ đồng ý mở cửa hoàn toàn du lịch, cùng với cả nước, du lịch Ninh Bình đang trên đà phục hồi, góp phần tích cực thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển.

Ninh Bình: Nỗ lực phục hồi và phát triển du lịch - Ảnh 1.

Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động. Ảnh: PV

Để kích cầu du lịch và vực dậy ngành "công nghiệp không khói", thời gian qua các cấp, các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Tỉnh đã sớm ban hành các kế hoạch, giải pháp về phục hồi và phát triển ngành Du lịch, đảm bảo an toàn, linh hoạt, thích ứng với đại dịch COVID-19. Cùng với đó tập trung chỉ đạo ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương; vận động các doanh nghiệp kinh doanh du lịch nâng cao chất lượng dịch vụ, nghiên cứu bổ sung sản phẩm du lịch mới và chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ du khách.

Sở Du lịch phối hợp với các ngành, địa phương tập trung tăng cường quản lý và đổi mới công tác quản lý nhà nước về du lịch, chỉ đạo các đơn vị kinh doanh du lịch thực hiện nhiệm vụ vừa đảm bảo các điều kiện an toàn phòng chống dịch COVID-19, vừa phát triển các hoạt động kinh doanh; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và ý thức cộng đồng địa phương về phát triển du lịch.

Với các giải pháp đồng bộ, những tháng đầu năm 2022, du lịch Ninh Bình đã có nhiều khởi sắc. Theo đó, 4 tháng đẩu năm 2022, toàn tỉnh ước đón 1,018 triệu lượt khách, đạt 121,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: khách nội địa đón 1,013 triệu lượt khách, khách quốc tế: 5 nghìn lượt khách. Doanh thu ước đạt gần 594 tỷ đồng, đạt 110,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính riêng dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, toàn tỉnh đã đón trên 210 nghìn lượt khách, tăng 220% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có trên 8 nghìn khách quốc tế, lượng khách đạt top 5 của cả nước. Kết quả trên là tín hiệu vui, đồng thời là động lực để Ninh Bình quyết tâm phục hồi, phát triển du lịch.

Trong thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, theo dõi các đơn vị kinh doanh du lịch đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, văn minh du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ phục vụ khách du lịch và thực hiện mục tiêu: vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh doanh.

Tiếp tục xây dựng các kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch; phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các chương trình quảng bá du lịch; đẩy mạnh quảng bá du lịch Ninh Bình trên nền tảng số; tiếp tục cung cấp thông tin, ấn phẩm giới thiệu du lịch Ninh Bình tại các phòng thông tin du lịch và Trạm hỗ trợ khách du lịch; nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ khách du lịch; tham gia các hội chợ Du lịch; tổ chức tốt Tuần Du lịch Ninh Bình năm 2022 với chủ đề "Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An"…

Về lâu dài, để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của khu vực và cả nước, trở thành điểm đến du lịch bốn mùa "An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn", tỉnh cần tiếp tục tập trung vào công tác đầu tư phát triển kết cấu và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ, phát triển du lịch; nâng cấp và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch có chất lượng cao; tổ chức cơ cấu lại nguồn nhân lực theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Cùng với đó, tập trung đổi mới phương pháp xúc tiến, quảng bá và phát triển thương hiệu du lịch Ninh Bình theo hướng dài hạn, chuyên nghiệp và hiệu quả. Tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Bình thông qua các hội chợ, triển lãm, tổ chức các sự kiện lễ hội, giao lưu văn hóa, thể thao và các kênh truyền hình trong nước, quốc tế.

Đẩy mạnh quảng bá du lịch qua các sản phẩm văn hóa truyền thống và hiện đại. Tăng cường liên kết, hợp tác du lịch với các tỉnh, thành phố lớn, các trọng điểm du lịch quốc gia. Đẩy mạnh chuyển số ngành du lịch kết hợp với truyền thông, quảng bá, tiếp thị trên các nền tảng số, mạng xã hội. Phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Ninh Bình gắn với hình ảnh, giá trị lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư và Di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.

Với những giải pháp đồng bộ, tin tưởng rằng du lịch Ninh Bình sẽ phục hồi mạnh mẽ để chuyển sang một giai đoạn phát triển mới và du lịch sẽ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực cùng phát triển.

Theo Báo Ninh Bình

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×