Ninh Bình: Liên kết các sản phẩm du lịch - Giải pháp để níu chân du khách
10/06/2022 | 08:14Những năm gần đây, ngành Du lịch Ninh Bình đã có những bước phát triển mạnh mẽ, lượng du khách đến Ninh Bình và doanh thu từ du lịch tăng. Du lịch Ninh Bình đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam, nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước. Bên cạnh kết quả đáng được ghi nhận thì một trong những hạn chế là sản phẩm du lịch, dịch vụ còn đơn điệu, thiếu sức hút để "níu chân" du khách ở lại lâu hơn với Ninh Bình.
Sản phẩm du lịch chưa đa dạng
Ninh Bình vốn nổi tiếng là vùng đất giàu tài nguyên du lịch với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đẹp và môi trường sinh thái tự nhiên có giá trị. Dựa trên lợi thế sẵn có, Ninh Bình đã hình thành các loại hình sản phẩm độc đáo như: Du lịch văn hóa-lịch sử, tâm linh; du lịch sinh thái - cảnh quan.
Ngoài ra, các sản phẩm du lịch gắn với khảo cổ, lễ hội, làng nghề truyền thống, du lịch làng quê và du lịch ẩm thực cũng phát triển, góp phần làm phong phú hoạt động du lịch và tạo hình ảnh đặc trưng cho du lịch Ninh Bình. Phát huy tiềm năng và lợi thế, trong những năm qua, ngành du lịch đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt kể từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới đã mở ra cơ hội lớn, đưa du lịch Ninh Bình từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia và cơ quan chuyên môn lĩnh vực du lịch, bên cạnh kết quả đáng ghi nhận thì sự tăng trưởng du lịch chủ yếu về lượng, phần lớn là khách tham quan trong ngày, khách đi lễ và số lượng khách lưu trú thấp.
Nghiên cứu của Vụ thị trường (Tổng cục Du lịch) cho thấy trong giai đoạn 2010 - 2019, khách du lịch quốc tế đến Ninh Bình tăng gần gấp đôi, từ 600.000 lượt lên gần 1,1 triệu lượt, chiếm 6% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam. Khách du lịch nội địa tăng từ 861.000 lượt năm 2010 lên gần 7,3 triệu lượt năm 2019, chiếm 8,6% tổng số khách du lịch nội địa của cả nước. Nhưng tổng doanh thu từ du lịch của Ninh Bình năm 2019 đạt 3,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,5% tổng doanh thu từ du lịch của cả nước. Điều này thể hiện khả năng thu hút chi tiêu của Ninh Bình còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước.
Một trong những nguyên nhân khách lưu lại Ninh Bình ngắn, chi tiêu ít được các chuyên gia lĩnh vực du lịch chỉ ra là do sản phẩm, dịch vụ du lịch còn đơn điệu, chưa phong phú, đa dạng, còn thiếu các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, chưa có nhiều sản phẩm, dịch vụ đặc sắc mang dấu ấn văn hóa đậm nét của địa phương, chưa đáp ứng nhu cầu của du khách.
Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm du lịch vẫn còn trùng lặp, đơn điệu, thiếu tính liên kết. Ví dụ như các khu du lịch Vân Long, Tam Cốc, Tràng An, Thạch Bích - Thung Nắng, Kênh Gà đều có dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng thuyền. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy lợi thế so sánh, nâng cao tính cạnh tranh của Ninh Bình so với các điểm đến khác trong cả nước.
Tại hội thảo xúc tiến và phát triển sản phẩm du lịch Ninh Bình, ông Douglas Hainsworth, Trưởng nhóm chuyên gia chương trình du lịch bền vững Thụy Sỹ nói: Tôi rất ấn tượng về cảnh quan và con người của Ninh Bình. Các bạn được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam thắng cảnh đẹp. Nhiều khu, điểm du lịch còn bảo tồn và lưu giữ được tính nguyên vẹn của tự nhiên như: Tràng An, Vân Long, Tam Cốc... Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch bền vững.
Tuy nhiên, điểm trừ của các bạn là bên cạnh một số sản phẩm tốt, Ninh Bình vẫn có những sản phẩm chưa thực sự thu hút khách, chưa có tính đa dạng và thiếu tính cạnh tranh để khách du lịch quyết định ở lại thêm một vài ngày.
Tăng tính hấp dẫn cho du khách
Để du lịch Ninh Bình thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực vào quá trình chuyển đổi cơ cấu, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, một trong những "mắt xích" quan trọng nhất là tập trung phát triển sản phẩm du lịch dựa trên việc khai thác các giá trị di sản, văn hóa truyền thống một cách bền vững nhằm tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn riêng của địa phương và phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của các thị trường khách du lịch.
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, để giữ chân du khách lâu hơn, sản phẩm du lịch phải đáp ứng được tiêu chí "hấp dẫn". Chúng ta không thể ăn mãi một món và du lịch cũng vậy phải có tính đa dạng, tạo cảm xúc mới lạ cho khách du lịch. Tôi thấy rằng các sản phẩm du lịch của Ninh Bình tương đối phong phú nhưng cần phải thiết kế và sâu chuỗi lại, tạo ra các hoạt động bổ sung cho nhau, khơi dậy cảm xúc, nuôi dưỡng cảm xúc cho khách du lịch. Thêm một gợi ý nữa đối với Ninh Bình là nên phát triển thêm các chuỗi sản phẩm về đêm, tạo ra nhiều sự lựa chọn cho du khách, tránh đơn điệu dễ dẫn tới nhàm chán, chỉ trải nghiệm 1 lần và không muốn quay lại.
Ông Douglas Hainsworth, Trưởng nhóm chuyên gia chương trình du lịch bền vững Thụy Sỹ cho rằng, Ninh Bình nên thiết kế sản phẩm theo hướng phát triển du lịch bền vững. Quá trình xây dựng và quảng bá sản phẩm du lịch phải tiến hành theo nhiều bước, trong đó cần đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm, chỉ ra các thế mạnh, điểm yếu và các chủ thể chính cần xây dựng và quảng bá.
Bên cạnh đó, cần tập trung nghiên cứu, định hướng thị trường, nhóm khách, phân khúc thị trường và cập nhật xu hướng mới trong du lịch để xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, mang những nét đặc trưng riêng có của địa phương. Qua nghiên cứu chúng tôi thấy rằng, Ninh Bình nên kết hợp hài hòa 4 sản phẩm du lịch (Tràng An-Di sản Thiên nhiên và Văn hóa thế giới; Du lịch tâm linh và tín ngưỡng; Du lịch lịch sử và văn hóa; Du lịch sinh thái - dựa vào thiên nhiên) tạo ra chuỗi liên kết mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho du khách.
Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng Ban Văn hóa UNESCO Hà Nội nêu ý kiến: Với tính hấp dẫn sẵn có, Ninh Bình có thể chú trọng đa dạng hóa sản phẩm du lịch, xây dựng các chương trình du lịch theo chủ đề để kết nối các điểm đến, tạo ra các trải nghiệm đặc biệt mang đến nhiều hứng thú cho du khách như: tour du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử - tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, các tour thưởng thức ẩm thực trong ngày, các tour tham quan các làng nghề thủ công truyền thống, tạo cơ hội để du khách tham gia và hiểu về đời sống và sản phẩm của người dân bản địa...
Ngoài ra, việc thiết kế các ấn phẩm du lịch một cách súc tích và đẹp mắt đóng góp một phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh của địa phương cũng như giới thiệu các "đặc sản" của Ninh Bình.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Du lịch, trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết số 07/ NQ-TU ngày 29/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045 và qua các ý kiến tham vấn của các chuyên gia lĩnh vực du lịch, các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài nước, Ninh Bình sẽ tập trung thiết kế sản phẩm du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu hiện nay của du khách.
Trong đó, sẽ nghiên cứu thị trường trước để định dạng sản phẩm với nhiều hoạt động, tạo thành chuỗi như: tham quan, giải trí, tâm linh, tìm hiểu lối sống, văn hóa cộng đồng, nghỉ dưỡng núi, biển, khoáng nóng, ẩm thực… Tất cả những yếu tố đó được sâu chuỗi, sắp xếp phù hợp để tạo ra sản phẩm có tính độc đáo, hấp dẫn và mang dấu ấn riêng.