Ninh Bình: Kiến tạo Đô thị di sản thiên niên kỷ từ môi trường du lịch văn hóa, văn minh
15/05/2024 | 09:20Nếu ví Di sản Tràng An như "trái tim" của Đô thị di sản thiên niên kỷ thì các xã trong vùng lõi chính là "hạt nhân" để hiện thực hóa mục tiêu này. Nhận thức được vai trò quan trọng của mình, các địa phương đang nỗ lực xây dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh nhằm kiến tạo Đô thị di sản trong tương lai.
Xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư là địa phương có bề dày lịch sử, văn hóa và giàu truyền thống cách mạng. Đặc biệt nơi đây được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan nổi tiếng như Tam Cốc-Bích Động, Thạch Bích, Thung Nắng, Hang Chùa, Hang Bụt, Thung Nham đều thuộc Quần thể danh thắng Tràng An. Nhận thức việc xây dựng Ninh Hải trở thành điểm sáng về văn minh, văn hóa và an toàn có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, thời gian qua, Ninh Hải đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, người dân xây dựng môi trường văn hóa, văn minh du lịch. Đặc biệt trong bối cảnh tỉnh đang nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ, việc xây dựng môi trường văn hóa, văn minh du lịch càng được địa phương này quan tâm.
Bà Chu Thị Hoài Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hải cho biết: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản hướng tới xây dựng Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ là mục tiêu đang được các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm. Để hoàn thành mục tiêu này có vai trò của những địa phương trong vùng lõi di sản, vì vậy một mặt xã Ninh Hải tích cực tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, Nhân dân trong xã về định hướng của tỉnh đồng thời tiếp tục tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức văn hóa trong việc gìn giữ tài nguyên di sản, ứng xử văn minh, văn hóa du lịch.
Thuận lợi của Ninh Hải là thời gian qua địa phương đã tập trung đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng môi trường văn hóa, văn minh du lịch. Theo đó để mỗi người dân thực sự hiểu được thông điệp "Sống trong di sản, bảo vệ di sản, hưởng lợi từ di sản", địa phương đã nỗ lực tuyên truyền để người dân hiểu được giá trị các di sản của vùng, của địa phương. Khi cảnh quan thiên nhiên, giá trị di sản, văn hóa được gìn giữ sẽ thu hút khách đến Ninh Hải nhiều hơn. Từ đó tạo công ăn việc làm, nâng cao cả đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Từ việc nhận thức được vai trò, trách nhiệm đó, mỗi cư dân sẽ tích cực hưởng ứng, tự nguyện bảo vệ và phát triển giá trị di sản một cách bền vững.
Bên cạnh môi trường tự nhiên thì môi trường văn hóa có vai trò quan trọng để gìn giữ và phát huy giá trị di sản. Môi trường này chứa đựng những giá trị do cộng đồng dân cư sáng tạo trong suốt tiến trình lịch sử từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Đây cũng là nơi diễn ra các hoạt động sáng tạo, lưu giữ, bảo quản, lan tỏa, truyền bá, thưởng thức nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Trước yêu cầu của thời kỳ đổi mới với mục tiêu cao hơn đó là xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ, đòi hỏi các địa phương nhất là các xã trong vùng lõi của di sản Tràng An cần tiếp tục xây dựng môi trường du lịch ngày càng văn hóa, văn minh.
Đồng chí Hoàng Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Yên, huyện Hoa Lư cho hay: Là kinh đô đầu tiên của nhà nước Đại Cồ Việt với 26 di tích được xếp hạng, trong đó có 16 di tích cấp quốc gia, ngoài ra còn nhiều đền, chùa, miếu, phủ, xã Trường Yên xác định đây là tài nguyên vô giá để Nhân dân trong xã cùng với tỉnh hướng tới mục tiêu xây dựng Đô thị di sản. Bên cạnh việc lưu trữ, bảo quản, lan tỏa, truyền bá các giá trị và sản phẩm văn hóa, xã cũng chú trọng đến việc xây dựng môi trường văn hóa, văn minh du lịch nhằm giữ gìn và phát huy giá trị di sản. Trong đó, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền Bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch; thực hiện hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", Kế hoạch 39/KH-UBND ngày 5/7/2021 về phát triển du lịch gắn với phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa trên địa bàn xã Trường Yên giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.
"Xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ là mục tiêu mới, còn khá trừu tượng với người dân. Tuy nhiên chúng tôi tin với đích đến cuối cùng là bảo vệ giá trị trường tồn của di sản và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân thì mục tiêu này sẽ luôn nhận được sự ủng hộ, đoàn kết của Nhân dân. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm xây dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh để người dân nơi đây tiếp tục bảo tồn, gìn giữ giá trị di sản, đồng thời sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu mới về con người Cố đô văn hóa, văn minh, hiện đại và giàu bản sắc trong hành trình xây dựng Đô thị di sản trong tương lai" -đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Trường Yên chia sẻ thêm.
Quần thể danh thắng Tràng An là một di sản "sống" với hơn 44.000 người dân đang sinh sống, trong đó vùng lõi có hơn 14.000 người. Riêng huyện Hoa Lư có 5 xã nằm trong vùng lõi của di sản gồm Ninh Xuân, Ninh Hải, Trường Yên, Ninh Hòa và Ninh Thắng. Việc phát huy vai trò của dân cư vùng lõi trong xây dựng văn hóa, văn minh du lịch sẽ góp phần tạo nên môi trường nhân văn với nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh; làm tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, kiến tạo một Đô thị di sản giàu giá trị về mặt cảnh quan, văn hóa, lịch sử trong tương lai.
Có thể nói, xây dựng Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ là mục tiêu mà Nhân dân trong tỉnh đặc biệt là cộng đồng, chính quyền địa phương các xã vùng lõi đang rất quan tâm, ủng hộ và kỳ vọng. Việc mỗi người dân đang nỗ lực xây dựng môi trường văn minh, văn hóa du lịch không chỉ khẳng định Tràng An là mảnh đất nghìn năm văn hiến, văn hóa mà còn góp phần kiến tạo một đô thị rực rỡ, giàu trầm tích và không kém phần hiện đại, văn minh trong tương lai. Ở nơi đó người dân sẽ được thụ hưởng những điều kiện tốt nhất, được sống trong hạnh phúc, ấm no, tiến bộ còn thiên nhiên, di sản sẽ được trân trọng, bảo vệ và trao truyền cho muôn đời sau.