Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Ninh Bình: Khắc phục những hạn chế để phát triển du lịch bền vững

24/11/2022 | 10:24

Ninh Bình đang là địa danh được nhắc đến nhiều trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới những năm gần đây. Sự phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng đã khẳng định những chính sách đúng đắn của tỉnh đối với ngành "công nghiệp không khói". Tuy nhiên, sau một giai đoạn tập trung khai thác, hiện du lịch đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, cần có các giải pháp chiến lược để phát triển lâu dài.

Ninh Bình: Khắc phục những hạn chế để phát triển du lịch bền vững - Ảnh 1.

Du khách tham quan Khu du lịch sinh thái Tràng An. Ảnh: Minh Đường

Cơ hội và thách thức

Trong những năm qua, du lịch Ninh Bình ngày càng phát triển mạnh, từng bước đổi mới, góp phần không nhỏ trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh, góp phần tích cực vào bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên.

Thương hiệu du lịch Ninh Bình từng bước được khẳng định trên trường quốc tế, có nhiều danh hiệu nổi tiếng đã được những tạp chí du lịch hàng đầu thế giới bình chọn như danh hiệu "điểm đến hấp dẫn"; top 15 điểm đến hàng đầu quốc gia; 1 trong 5 cánh đồng lúa đẹp nhất Việt Nam. Một số sản phẩm du lịch mới hấp dẫn tạo được dấu ấn đối với du khách trong và ngoài nước. Hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng tốt nhu cầu phát triển du lịch, nhất là hệ thống giao thông đường bộ, hệ thống chiếu sáng, hệ thống y tế, hệ thống nước sạch,…

Để đạt được những kết quả nêu trên, trong những năm qua ngành Du lịch đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, sự phối kết hợp chặt chẽ, hiệu quả của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; sự đoàn kết, nhất trí của tập thể công chức, viên chức và người lao động trong ngành Du lịch; sự cố gắng nỗ lực của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cũng như sự thân thiện, hài hòa của người dân Ninh Bình. Sự đồng lòng đó đã từng bước khẳng định Ninh Bình là điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện, mến khách, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Du lịch Ninh Bình vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, khiến du lịch chưa thể bứt phá mạnh. Vừa qua, một nhóm tác giả gồm 29 thành viên là các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách Việt Nam cùng đại diện một số sở, ban, ngành và những người có chuyên môn giỏi trong tỉnh đã dày công nghiên cứu đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh với chủ đề "Nghiên cứu đề xuất giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp và du lịch tỉnh Ninh Bình". Đây là công trình nghiên cứu rất tỉ mỉ, công phu, tâm huyết, thể hiện mong muốn của nhóm tác giả được góp công, hiến kế trong việc phát triển ngành du lịch bền vững, hiệu quả hơn.

PGS.TS Đỗ Văn Dung, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Nhóm tác giả đã cùng nhau nghiên cứu, phân tích các vấn đề mà du lịch Ninh Bình hiện nay đang gặp phải. Với việc chỉ ra đầy đủ các tồn tại, hạn chế giúp mỗi chúng ta nhìn thấy trách nhiệm của mình trong việc phát triển du lịch bền vững hơn, từ đó đưa ra các chính sách kịp thời, hiệu quả.

Theo ông Dung, một số vấn đề mà du lịch Ninh Bình đang gặp phải như số lượng khách đến tương đối nhanh và đều, song lượng khách lưu trú còn thấp, số lượng khách chọn ở lại qua đêm cũng chỉ trong thời ngắn từ 1-2 ngày, tổng thu chưa tương xứng với số lượng khách đến hàng năm. Ngoài ra, sản phẩm du lịch còn đang đơn điệu, nghèo nàn, chủ yếu là hoạt động ngồi thuyền ngắm cảnh, chưa có các sản phẩm du lịch đặc trưng, thiếu tính đột phá.

Du lịch Ninh Bình cũng chưa định vị được thị trường khách du lịch tiềm năng để tổ chức xúc tiến, quảng bá đúng trọng tâm, trọng điểm. Ngoài ra chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, chủ yếu là lao động phổ thông; việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở kinh doanh còn hạn chế; việc đầu tư kết cấu hạ tầng các khu du lịch chưa đồng bộ, chưa tạo được động lực và sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư lớn có uy tín…

Tập trung vào những giải pháp trọng tâm

PGS.TS Đỗ Văn Dung, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Chủ nhiệm đề tài chia sẻ: Muốn khắc phục các tồn tại, khó khăn, đưa ngành Du lịch Ninh Bình phát triển trong tương lai, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó cần quan tâm đến các giải pháp ưu tiên. Đầu tiên là cần đẩy mạnh đầu tư, chuyển giao ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Chuyển đổi số trong ngành du lịch là sự chuyển dịch từ mô hình kinh doanh truyền thống sang hình thức kinh doanh tập trung vào khách hàng theo mô hình chuỗi giá trị dựa trên dữ liệu sẵn có. Chuyển đổi số ngành du lịch thành công sẽ góp phần vào việc nâng cao thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tăng doanh thu và sự hài lòng của du khách. Muốn thực hiện công tác chuyển đổi số ngành du lịch cần tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo về nội dung này; nâng cao kỹ năng trình bày, kỹ năng quảng bá du lịch trên nền tảng số cho các khu điểm du lịch, các doanh nghiệp du lịch. Đồng thời quan tâm phát triển các hạ tầng nền tảng số thông minh như hạ tầng băng thông rộng, internet vạn vật, điện toán đám mây, trung tâm điều hành thông minh, trung tâm giám sát an toàn…

Giải pháp thứ hai mà ngành cần quan tâm là đẩy mạnh phát triển thị trường du lịch. Hiện nay du lịch Ninh Bình chưa định vị được thị trường khách du lịch mục tiêu. Việc xác định này mới chỉ được nêu trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên những nhóm thị trường quốc tế, khách nội địa chưa được chỉ rõ, còn chung chung. Trong thời gian trước mắt (2-3 năm tới) hoặc trung hạn (5 năm) cần tập trung vào thị trường khách nội địa như khách từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và mở rộng thị trường khu vực Tây Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh. Đối với thị trường khách quốc tế nên ưu tiên thị trường khách có mức chi trả cao, lưu trú dài ngày như Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc.

Muốn thu hút được khách du lịch, cần nghiên cứu xây dựng các sản phẩm đặc trưng tạo sự mới mẻ, hấp dẫn cho du khách. Ninh Bình cần tập trung nghiên cứu các sản phẩm du lịch chủ đạo, có lợi thế của tỉnh như du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh gắn với di sản, lễ hội, làng nghề, tham quan và tìm hiểu văn hóa, lối sống và phong tục tập quán của địa phương. Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trên sông gắn với trải nghiệm nông nghiệp, chữa bệnh, mua sắm, du lịch trực tuyến. Ví dụ: Kêu gọi đầu tư phát triển khu vực hồ Yên Thắng, hồ Đồng Thái, hồ Yên Quang và các khu vực hồ chứa nước với mô hình nhà nổi trên mặt hồ, chèo thuyền, cắm trại, câu cá, vui chơi giải trí…

Bên cạnh đó, giải pháp rất quan trọng cần phải làm ngay đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trước tiên cần điều tra, đánh giá nguồn nhân lực, nhu cầu sử dụng. Sau đó chú trọng bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cả người quản lý, người làm trực tiếp trong lĩnh vực du lịch, phối hợp với các cơ sở đào tạo không ngừng nâng cao các kỹ năng cho nguồn nhân lực hiện nay. Ngoài ra cần xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch; nâng cấp hệ thống cơ sở lưu trú; đầu tư các công trình vui chơi, giải trí, thể thao ban đêm; chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến du lịch…

Theo bà Tô Thị Thanh Mai, Ban Quản lý Danh thắng Tràng An cũng là một trong những tác giả đóng góp tích cực vào quá trình nghiên cứu các giải pháp phát triển du lịch Ninh Bình: "Ngoài những giải pháp trên, tôi quan tâm lớn đến sự tương quan giữa phát triển công nghiệp và du lịch. Hiện nay ở Việt Nam phát triển kinh tế vẫn đang nằm trong quá trình tăng trưởng nâu, vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn là bài toán rất nan giải. Công nghiệp và du lịch rất khó để cùng phát triển.

Muốn xử lý xung đột này cần có chiến lược quy hoạch cụ thể, đặc biệt quy hoạch các khu, cụm công nghiệp xa khu dân cư, xa các điểm du lịch. Việc này tỉnh Ninh Bình đã và đang thực hiện. Tuy nhiên cần kiểm soát chặt vấn đề xả thải, bảo vệ môi trường, phát triển công nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, thu hút đầu tư các dự án sản xuất an toàn. Bên cạnh đó, cần có chính sách chia sẻ trách nhiệm bảo vệ môi trường, phục hồi tài nguyên du lịch đã khai thác với khách du lịch."

Để thực hiện những mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đã đề ra, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là trung tâm du lịch của khu vực và cả nước, việc nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển du lịch bền vững là điều rất quan trọng, cấp thiết. Có những giải pháp mang tầm chiến lược, cũng có những giải pháp có thể thực hiện được ngay. Song dù là giải pháp nào cũng cần sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và nhân dân. Có như vậy mới tạo sự đoàn kết, thống nhất, cùng nhau sớm thực hiện được các mục tiêu đã đề ra; đồng thời khai thác và phát huy hiệu quả các giá trị bền vững mà du lịch mang lại.

Theo Báo Ninh Bình

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×