Ninh Bình: Di sản Tràng An - nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa
05/04/2024 | 13:43Ninh Bình là vùng đất địa linh nhân kiệt, với truyền thống văn hóa trải dài hàng nghìn năm. Đặc biệt, nơi đây là địa phương duy nhất ở Đông Nam Á sở hữu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An. Đây là nguồn lực quan trọng để tỉnh khai thác phát triển công nghiệp văn hóa bền vững, hiệu quả trong thời gian tới.
Hơn 30 năm trước, khung cảnh thơ mộng, yên bình của vùng non nước Tràng An đã lọt vào ống kính của đạo diễn nổi tiếng người Pháp trong bộ phim Indochine. Bộ phim đã đạt giải Oscar cho hạng mục phim ngoại ngữ hay nhất năm 1992. Sau bộ phim đó, Ninh Bình bắt đầu đón nhiều hơn những du khách nước ngoài. Họ đến để nghe những câu chuyện xúc động về tình yêu được đề cập trong phim và hòa mình trong không gian làng quê yên bình xứ Đông Dương.
Đến năm 2017, hình ảnh non nước tráng lệ của Ninh Bình một lần nữa được lan tỏa với tốc độ "chóng mặt" trên toàn thế giới khi xuất hiện trong bộ phim bom tấn Skull Island. Tại Việt Nam, Đoàn làm phim đã chọn nhiều bối cảnh quay ở Tam Cốc, Tràng An, Vân Long với những phân đoạn hấp dẫn. Ngay sau khi bộ phim được công chiếu, hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp, kỳ thú của Ninh Bình xuất hiện dày đặc, tạo thành một "làn sóng" trên các phương tiện truyền thông. Đó là hai trong số rất nhiều những minh chứng cho thấy sức hấp dẫn, tiềm năng của Quần thể Danh thắng Tràng An. Đây không chỉ là nơi để nghỉ dưỡng, du lịch, ngắm cảnh đơn thuần mà còn là tài sản quý giá, là động lực, trung tâm để tỉnh khai thác và phát triển ngành công nghiệp văn hóa mà lĩnh vực điện ảnh như trên là một ví dụ tiêu biểu.
Tiến sĩ Đinh Xuân Nghiêm, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết: Phát triển công nghiệp văn hóa đã và đang trở thành xu hướng của nhiều quốc gia, vùng, miền trong chiến lược phát triển toàn diện và bền vững. Ở nước ta, "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/10/2016 cũng khẳng định: Công nghiệp văn hóa là một bộ phận quan trọng cấu thành nền kinh tế, bao gồm nhiều lĩnh vực: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật-nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.
Ninh Bình là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng bao gồm cả du lịch tự nhiên và nhân văn, nơi sở hữu những cảnh quan, sông nước, núi non, hang động, thung lũng kỳ thú, độc đáo. Đặc biệt, Quần thể Danh thắng Tràng An là Di sản hỗn hợp thế giới đầu tiên của Đông Nam Á, nơi mang vẻ đẹp tự nhiên đặc biệt, một bảo tàng địa chất ngoài trời. Tràng An được đánh giá là một trong những nơi có cảnh quan tháp karst đẹp và ngoạn mục nhất trên thế giới. Cảnh quan nơi đây còn được tô điểm thêm bởi những ngôi chùa, đền, miếu cổ và những cánh đồng lúa và làng mạc tạo nên sự giao thoa hài hòa giữa thiên nhiên và con người.
Với những giá trị cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng, Quần thể Danh thắng Tràng An từ lâu đã trở thành điểm đến của các đoàn làm phim, hãng truyền hình thông tấn, nhiếp ảnh gia, họa sĩ… trong nước và quốc tế. Qua đó đã góp phần thúc đẩy du lịch phát triển, quảng bá hình ảnh địa phương, phát triển ngành công nghiệp văn hóa.
Nhìn lại những hoạt động, sự kiện trong những năm qua, có thể nhận thấy những nỗ lực, cố gắng của các ngành, lĩnh vực trong việc khai thác và phát triển công nghiệp văn hóa của Ninh Bình. Tiêu biểu như tổ chức đa dạng các đêm ca nhạc, show trình diễn thời trang, các tour chụp ảnh "Mùa vàng Tam Cốc", các hoạt động trưng bày, xuất bản, lễ hội, các hoạt động du lịch trải nghiệm làng nghề, du lịch văn hóa…
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: Nhận thức sâu sắc việc xây dựng ngành công nghiệp văn hóa có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án và tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó xác định lấy di sản văn hóa làm nền tảng, làm cơ sở để phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển du lịch. Hướng đến xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa của vùng đồng bằng Sông Hồng và của cả nước.
Với định hướng như vậy, thời gian vừa qua, tỉnh đã đầu tư phát triển văn hóa-xã hội ngang tầm với kinh tế. Giai đoạn 2015- 2020, chi đầu tư cho sự nghiệp văn hóa chiếm 3,37% tổng chi ngân sách của tỉnh; giai đoạn 2021-2025, chi đầu tư cho các công trình, dự án văn hóa chiếm 20% tổng nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh, đạt mức cao trong cả nước. Nhờ vậy, các di sản văn hóa phi vật thể được nghiên cứu, nhận diện, làm rõ, được người dân tự nguyện, tự giác giữ gìn và phát huy trong đời sống xã hội. Đặc biệt, các giá trị của Quần thể Danh thắng Tràng An được bảo tồn, phát huy, trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Di sản Tràng An được xem là nền tảng, là động lực để Ninh Bình có thể khai thác hơn nữa thế mạnh của vùng đất từng được xem là kinh kỳ, đô hội từ hơn một nghìn năm trước. Từ đó dần hiện thực hóa mục tiêu đưa Ninh Bình trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp văn hóa, trung tâm tổ chức sự kiện của quốc gia, mang tầm quốc tế, điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới.