Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Ninh Bình cần có cơ chế, chính sách đặc thù, tăng đầu tư phát triển di sản văn hóa và du lịch

13/06/2023 | 08:51

Chiều 12/6, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa, du lịch.

Ninh Bình cần có cơ chế, chính sách đặc thù, tăng đầu tư phát triển di sản văn hóa và du lịch - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Nhật Linh

Du lịch Ninh Bình đang phát triển mạnh với nhiều cơ chế, chính sách đầu tư lớn

Qua nghiên cứu báo cáo và khảo sát thực tế, Đoàn khảo sát ghi nhận sự quan tâm của Ninh Bình, đầu tư, bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực cho văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Tỉnh cũng đã nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Hệ thống văn bản chỉ đạo liên quan đến ngành du lịch được ban hành đầy đủ, tạo điều kiện cho du lịch tỉnh phát triển mạnh mẽ, có bước chuyển rõ rệt, vươn lên trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam (nằm trong 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất trong cả nước).

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng di tích xuống cấp; việc huy động nguồn vốn kinh phí xã hội hóa trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích còn hạn chế. Do số lượng di tích lớn, phong phú, đa dạng về loại hình, phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh, vì vậy công tác kiểm kê mới chỉ dừng lại ở hoạt động rà soát, thống kê, bước đầu nhận diện giá trị di tích. Chính sách đãi ngộ với nghệ nhân chưa cao...

Du lịch Ninh Bình đang phát triển mạnh với nhiều cơ chế, chính sách đầu tư lớn, là địa bàn hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư, song so với tiềm năng vẫn chưa tương xứng; chưa thu hút được nhiều khách du lịch có nhu cầu chi tiêu cao. Việc kiểm tra, giám sát và xử lý hành vi vi phạm của chính quyền địa phương về trật tự xây dựng và kinh doanh lưu trú du lịch trong vùng di sản trong một số trường hợp chưa kịp thời, thiếu kiên quyết...

Đoàn khảo sát đề nghị Ninh Bình tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về di sản văn hóa, du lịch. Có cơ chế, chính sách đặc thù, tăng đầu tư phát triển di sản văn hóa và du lịch tương xứng với vai trò, vị trí quan trọng của các lĩnh vực này và đáp ứng các mục tiêu, định hướng đã đề ra.

Tăng cường hợp tác công - tư, hợp tác quốc tế để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích, phát triển hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch; có chính sách hỗ trợ, tôn vinh các nghệ nhân có nhiều đóng góp cho hoạt động bảo tồn, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể; chính sách khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực di sản văn hóa, du lịch.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng đề nghị tỉnh cần tập trung nghiên cứu, phát triển các sản phẩm du lịch thế mạnh của tỉnh; ưu tiên nghiên cứu, phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với các giá trị di sản, văn hóa truyền thống của vùng đất và con người Ninh Bình, đặc biệt là lịch sử - văn hóa cố đô Hoa Lư. Có chính sách đầu tư trở lại đối với các di sản văn hóa được khai thác cho mục đích du lịch.

Kiến nghị phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An

Báo cáo Đoàn khảo sát, Giám đốc Sở Du lịch Bùi Văn Mạnh cho biết, xác định di sản là thế mạnh của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách về lĩnh vực di sản văn hóa, du lịch. Các văn bản cơ bản được ban hành kịp thời, sát với tình hình thực tiễn.

Trong đó, UBND tỉnh đã ban hành các đề án, kế hoạch phát triển văn hóa thể thao, như: Đề án xây dựng các sản phẩm văn hóa nhằm phát huy giá trị văn hóa, lịch sử Cố đô Hoa Lư phục vụ phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo; Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư, giai đoạn 2021 - 2030”; Kế hoạch thực hiện Chiến lược văn hóa đối ngoại giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Kế hoạch kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2025...

Để thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Ninh Bình kiến nghị Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ và phục hồi Quần thể di tích Cố đô Hoa Lư đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Ninh Bình cũng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xem xét, rà soát các quy định về giao đất, thuế sử dụng đất để kiến nghị sửa đổi nhằm giảm thuế sử dụng đất và tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư cơ sở lưu trú, khu, điểm du lịch sử dụng nhiều diện tích cho không gian cảnh quan. Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch về giãn nợ, giảm lãi suất vay ngân hàng./.

Bảo Trân

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×