Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Những dấu mốc lịch sử Lạng Sơn qua mộc bản triều Nguyễn

05/11/2021 | 11:27

Với vị trí phên giậu phía Bắc của Tổ quốc, Lạng Sơn luôn là địa bàn đặc biệt quan trọng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Điều này đã được phản ánh trong các mộc bản triều Nguyễn. Các tài liệu mộc bản đã góp phần quan trọng làm sáng tỏ chặng đường lịch sử 190 năm hình thành, xây dựng và phát triển với nhiều lần thay đổi tên gọi, đơn vị hành chính của Lạng Sơn.

Những dấu mốc lịch sử Lạng Sơn qua mộc bản triều Nguyễn - Ảnh 1.

Nhân dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn tham quan, tìm hiểu về tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn trong triển lãm “Lạng Sơn – 190 năm hình thành và phát triển” tại Bảo tàng tỉnh.

Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận ngày 31/7/2009, gồm 34.618 tấm, là những văn bản chữ Hán – Nôm được khắc trên gỗ để in ra các sách tại Việt Nam vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Trên 34.000 bản khắc mộc bản đã giúp lưu lại những tác phẩm chính văn, chính sử do triều Nguyễn biên soạn, các sách kinh điển và sách lịch sử. Các mộc bản này có khắc lại nhiều bộ quốc sử ghi chép lại lịch sử hình thành và phát triển của Việt Nam, trong đó có tỉnh Lạng Sơn như: Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, Đại Nam thực lục…

Nằm trong khối tài liệu mộc bản Triều Nguyễn, mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 21, mặt khắc 31 ghi chép về vùng đất Lạng Sơn từ thời Hùng Vương dựng nước đến thời Tiền Lê như sau: “Đời Hùng Vương xưa, Lạng Sơn thuộc bộ Lục Hải; nhà Tần là quận Nam Hải; nhà Hán, thuộc quận Giao Chỉ; nhà Ngô, thuộc Giao Châu… Nhà Đinh chia làm đạo, nhà Lê (Tiền Lê) gọi là lộ…”.

Một cứ liệu lịch sử đặc biệt quan trọng khác, đó là mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 76, mặt khắc 15, 17 ghi chép về việc năm Tân Mão (1831) vua Minh Mệnh cho đổi từ đạo thừa tuyên Lạng Sơn thành tỉnh Lạng Sơn như sau: “Chia định hạt các tỉnh… Lạng Sơn: thống trị 1 phủ là Trường Khánh; 7 châu là Ôn Châu, Thất Tuyền, Lộc Bình, Thoát Lãng, Yên Bác, Văn Quan, Văn Uyên. Năm Tân Mão, Minh Mệnh thứ 12 ”. Như vậy, qua cứ liệu lịch sử này đã đánh dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển không ngừng của Xứ Lạng thời gian qua. Có thể thấy, mộc bản triều Nguyễn – di sản tư liệu thế giới chứa đựng những giá trị lịch sử tiêu biểu, khẳng định dấu mốc 190 năm Lạng Sơn hình thành, xây dựng và phát triển.

Để phát huy giá trị những tài liệu quý này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh sưu tầm bản rập giấy dó của mộc bản sách Đại Nam Thực Lục nói về sự kiện thành lập tỉnh Lạng Sơn vào năm Tân Mão (1831) và hình ảnh phô tô từ dấu rập giấy dó của 14 mặt khắc mộc bản kèm theo phần dịch thuật phục vụ công tác trưng bày và nghiên cứu thời gian tới.

Ông Nông Đức Kiên, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn cho biết: Đây là lần đầu tiên Bảo tàng tiếp cận và sưu tầm được những tài liệu quý này, để sưu tầm các tài liệu, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ) hoàn thành việc sưu tầm một số hình ảnh, tư liệu mộc bản Triều Nguyễn ghi chép về mốc thời gian thành lập tỉnh và các sự kiện khác liên quan đến Lạng Sơn theo suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Những tài liệu này được trưng bày tại triển lãm “Lạng Sơn – 190 năm hình thành và phát triển” từ ngày 30/10 đến hết tháng 11/2021. Trong thời gian tới, Bảo tàng tiếp tục phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV sưu tầm thêm các tài liệu liên quan đến Lạng Sơn, đặc biệt là phục chế các mộc bản để làm tư liệu cho tỉnh, phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày…

Có mặt tại triển lãm “Lạng Sơn – 190 năm hình thành và phát triển” những ngày cuối tháng 10/2021, theo quan sát của phóng viên, khu vực trưng bày tài liệu về mộc bản triều Nguyễn thu hút được rất nhiều người dân đến tham quan, tìm hiểu. Ông Nguyễn Văn Chiến, cựu chiến binh khối Đại Thắng, phường Chi Lăng cho biết: Tôi thấy việc trưng bày tài liệu mộc bản triều Nguyễn về tỉnh Lạng Sơn lần này rất bổ ích. Đây là cứ liệu quan trọng, giúp người dân Xứ Lạng khi đến tham quan triển lãm càng thêm tự hào về bề dày truyền thống lịch sử của quê hương.

Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Kỷ niệm 190 năm ngày thành lập tỉnh cho biết: Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đặc biệt là Bảo tàng tỉnh tiếp tục tổ chức những triển lãm chuyên đề để đưa các tư liệu quý trong quá trình 190 năm hình thành và phát triển đến với đông đảo Nhân dân, trong đó có mộc bản triều Nguyễn. Đồng thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng sau lễ kỷ niệm sẽ bàn giao lại cho Trung tâm Lưu trữ Lịch sử tỉnh, Sở Nội vụ lưu trữ và phục vụ công tác nghiên cứu lâu dài của tỉnh.

Có thể nói, những tư liệu mộc bản quý giá này được giới thiệu đến công chúng đúng dịp kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Và trong hành trình phát triển của tỉnh Lạng Sơn, nguồn tư liệu mộc bản triều Nguyễn – di sản tư liệu thế giới ghi chép về lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh mãi luôn là tài sản quý giá, không thể bỏ qua khi muốn tìm hiểu về mảnh đất Xứ Lạng.

Theo Báo Lạng Sơn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×