Những dấu ấn nổi bật trong công tác quản lý nhà nước về du lịch năm 2023
08/01/2024 | 13:15Năm 2023, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm là “Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch” thông qua việc chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành nghiên cứu, tham mưu chính sách tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho du lịch, trong đó có một số dấu ấn nổi bật sau:
Tạo thuận lợi về visa: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tham mưu Lãnh đạo Bộ VHTTDL phối hợp với các Bộ, ngành, trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài ở Việt Nam và Chính phủ ban hành Nghị quyết 127/NQ-CP và Nghị quyết 128/NQ-CP. Theo đó, từ ngày 15/8/2023 Việt Nam áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ với thời hạn tạm trú từ 30 ngày lên đến 90 ngày và nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày cho công dân các nước được miễn thị thực đơn phương.
Xây dựng chính sách cho du lịch phục hồi và phát triển: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tham mưu Lãnh đạo Bộ VHTTDL báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ lần đầu tiên trong lịch sử chủ trì 02 Hội nghị toàn quốc về du lịch trong một năm. Sau Hội nghị vào tháng 3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả bền vững. Sau Hội nghị vào tháng 11/2023, Thủ tướng đang xem xét ban hành Chỉ thị để du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển nhanh, bền vững.
Xây dựng Quy hoạch hệ thống du lịch: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã xây dựng và báo cáo Lãnh đạo Bộ VHTTDL trình Chính phủ dự thảo Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngày 25/12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch hệ thống du lịch và đã có những ý kiến chỉ đạo để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quy hoạch. Khi được chính thức phê duyệt, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện quy hoạch du lịch các vùng miền, địa phương trên toàn quốc đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Xây dựng các chiến lược, đề án lớn: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã trình Lãnh đạo Bộ VHTTDL ban hành ”Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030” đặt ra định hướng quan trọng trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam sau đại dịch và ”Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm” với những chính sách mới thông thoáng nhằm khai thác tiềm năng du lịch để phát triển kinh tế đêm theo chủ trương của Chính phủ.
Tăng cường công tác quản lý điểm đến: Nhằm chấn chỉnh và bảo đảm chất lượng dịch vụ du lịch, năm 2023, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tổ chức nhiều đoàn công tác đi kiểm tra tại các địa phương ở cả 3 miền về việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh lữ hành và hướng dẫn viên du lịch và việc đảm bảo chất lượng hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam. Qua đó đã kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm, nêu ra hướng chấn chỉnh, khắc phục nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ du lịch.
Đồng hành, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã hướng dẫn và phối hợp tỉnh Bình Thuận tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia 2023 - “Bình Thuận - Hội tụ xanh” - sự kiện du lịch quan trọng nhất của ngành du lịch trong năm. Đồng thời, khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp tăng cường liên kết hợp tác, thúc đẩy xúc tiến quảng bá, thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm mới; triển khai các hoạt động truyền thông hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tổ chức chương trình tập huấn cho các địa phương, doanh nghiệp về chuyển đổi số du lịch, tập huấn áp dụng Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN...
Theo Trung tâm Thông tin, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam