Nhộn nhịp du Xuân, tín hiệu khả quan của ngành Du lịch Thủ đô
06/02/2023 | 14:12Tháng Giêng bắt đầu với các lễ hội Xuân, các hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc truyền thống và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, là sức hút đối với những người ưa văn hóa tín ngưỡng và yêu thích khám phá, trải nghiệm.
Sự nhộn nhịp tại các điểm du lịch tâm linh, các điểm vui chơi, giải trí, các danh thắng thiên nhiên dịp Tết Nguyên đán vừa qua, là tín hiệu tốt cho ngành Du lịch Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung trong năm 2023 này.
Hấp dẫn các điểm đến Hà Nội
Sau nhiều năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Tết Nguyên đán Quý Mão đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của ngành Du lịch khi nhu cầu du Xuân tăng cao. Ngay tại Hà Nội, hàng loạt các điểm đến luôn trong tình trạng đông đúc, xếp hàng mua vé, tham gia các hoạt động văn hóa. Nhiều điểm đến ghi nhận lượng khách tăng đột biến so với các năm trước dịch. Điển hình như: Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón 15 vạn lượt khách trong 5 ngày Tết; chùa Hương đón 13 vạn lượt khách trong 4 ngày Tết; Hoàng thành Thăng Long đón 3,3 vạn lượt khách trong 5 ngày Tết...
Thời điểm hiện tại, dù Tết Nguyên đán đã qua song các điểm đến tại Hà Nội tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng lượng khách. Một số khu, điểm tham quan du lịch đã tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, ra mắt nhiều chương trình, sản phẩm du lịch mới cũng như tổ chức các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật nhằm kích cầu, thu hút khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội khởi động trở lại tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” vào ngày 10/2 tới. Bảo tàng Văn học Việt Nam cũng mở lại tour du lịch văn học “chữ Tâm, chữ Tài” vào tối 11/2. Di tích Nhà tù Hỏa Lò sắp cho ra mắt tour đêm 3 “Lửa thanh xuân”. Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2023 vào ngày 11-12/2 với nhiều hoạt động giới thiệu nét đẹp phong tục, tập quán, lễ hội của cộng đồng các dân tộc nhân dịp đầu năm mới...
Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu chia sẻ: So với nhiều năm trước, tháng Giêng năm nay ghi nhận sự tăng trưởng lượng khách rất cao đến tham quan, dâng hương, xin chữ đầu năm. Đây cũng là tín hiệu tốt trong việc thu hút khách đến di tích nói riêng và đến Hà Nội nói chung trong năm 2023. Để tạo sức hấp dẫn đối với khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, bên cạnh việc chỉnh trang, trang trí, trưng bày trực quan, Trung tâm tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nhằm quảng bá giá trị di sản và đạo học được lưu giữ tại đây.
Bên cạnh đó, nhiều danh thắng, điểm vui chơi giải trí khác của Hà Nội cũng được đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức nhiều hoạt động thu hút khách. Khu du lịch sinh thái Đan Phượng đầu tư thiết kế trang trí đón Xuân rực rỡ, sắp đặt các tiểu cảnh và bổ sung nhiều loại hoa đẹp. Công viên Thiên đường Bảo Sơn đưa vào hoạt động rạp phim bay Fly Over VietNam từ mùng 3 Tết Quý Mão. Đây là rạp phim bay đầu tiên tại Việt Nam và duy nhất tại Đông Nam Á, sở hữu công nghệ hiện đại... Các không gian đi bộ Hà Nội, làng nghề gốm sứ Bát Tràng, làng cổ Đường Lâm, Vườn quốc gia Ba Vì... tiếp tục chuẩn bị mọi điều kiện đón khách trong dịp này.
Sôi động xu hướng du Xuân vùng đất mới
Với người dân Hà Nội, nhu cầu du Xuân khám phá các miền đất mới, những nơi có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, giàu bản sắc văn hóa, luôn tăng cao. Đó là miệt vườn sông nước Đồng bằng sông Cửu Long, Phú Quốc, Côn Đảo, Quy Nhơn... ở miền Nam và Nam Trung Bộ; hay Sa Pa, Mộc Châu, Cao Bằng, Hà Giang...ở Đông - Tây Bắc. Đặc biệt vùng núi phía Bắc đang là mùa nở rộ của hoa đào, mận, lê, hoa cải vàng cùng sự huyền ảo của núi rừng, các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc đang trở nên hấp dẫn. Hiện nay, tại các trọng điểm du lịch này luôn trong tình trạng đông khách.
Tuy vậy, theo ghi nhận tại các công ty lữ hành Hà Nội, năm nay, xu hướng các gia đình hoặc nhóm khách tự tổ chức đi chiếm đa phần, thay vì đăng ký qua các công ty. Lý giải điều này, mọi người cho rằng, việc tổ chức đi sẽ tiết giảm được chi phí, nhất là trong điều kiện kinh tế chưa hoàn toàn phục hồi và điều này đặc biệt thuận lợi với những tuyến điểm gần, có thể đi về trong ngày. Hơn nữa, việc tự túc đi sẽ chủ động được thời gian, chủ động được các điểm đến tham quan.
Bà Dương Mai Lan, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lữ hành và Sự kiện Thuận An - Ascend Travel And Media cho biết, không riêng Hà Nội, đó là tình hình chung của ngành Du dịch cả nước dịp đầu năm nay.
Với những người có điều kiện về tài chính, sắp xếp được thời gian dài ngày sẽ lựa chọn các tour du lịch nước ngoài. Sau thời gian tạm dừng các tour du lịch nước ngoài và hiện tình hình dịch bệnh ở các quốc gia đã cơ bản ổn định, việc kết nối lại các tour du lịch đã kích thích lượng lớn người dân đi du lịch nước ngoài. Trong thời gian từ Tết Nguyên đán đến nay, ghi nhận sự tăng trưởng rõ rệt của lượng khách đi du lịch nước ngoài. Với đối tượng khách này, đa phần đều đăng ký qua các công ty du lịch.
Ngày 22/1 (tức mùng 1 Tết), những du khách của Công ty Cổ phần Du lịch Flamingo Redours xuất hành đầu tiên trong năm Quý Mão 2023, tham gia hành trình 6 ngày Tokyo - Hokkaido khám phá mùa xuân Nhật Bản. Trong kỳ nghỉ Tết năm nay, tại Flamingo Redtours ghi nhận, các tuyến điểm mới, trải nghiệm mới như Hokkaido, Kawazu - ngủ chùa Koyasan (Nhật Bản), Chiang Mai (Thái Lan), Busan (Hàn Quốc), Botanic Garden (Singapore)... được nhiều du khách lựa chọn bên cạnh các tour truyền thống.
Năm nay, ngành Du lịch Thủ đô phấn đấu thực sự phục hồi và phát triển, giữ vững vai trò là trung tâm du lịch lớn của cả nước; tiếp tục xây dựng hình ảnh Hà Nội là điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, ngành sẽ tập trung phát triển sản phẩm du lịch; quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện với môi trường; đồng thời tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, hợp tác liên kết du lịch với các thị trường du lịch trọng điểm...
Theo TTXVN