Nhiều hoạt động đặc sắc tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm 2019
01/08/2019 | 14:41Diễn ra từ ngày 13-16/8/2019, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm lần thứ V, Phú Yên 2019 sẽ có sự tham gia của gần 2000 nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc công, vận động viên quần chúng.
Sáng 1/8, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Họp báo thường kỳ quý II năm 2019 và công bố Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm lần thứ V tại Phú Yên năm 2019. Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ VHTTDL chủ trì Họp báo.
Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm lần thứ V (gọi tắt là Ngày hội) do Bộ VHTTDL phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên và các Ban, Bộ, Ngành liên quan tổ chức.
Toàn cảnh Họp báo thường kỳ quý II, 2019 tại Bộ VHTTDL
Với chủ đề "Bảo tồn văn hóa dân tộc Chăm gắn với phát triển du lịch", Ngày hội chính thức diễn ra từ ngày 13-16/8/2019 với sự tham gia của gần 2.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, vận động viên quần chúng… đến từ 11 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ và Nam Trung bộ có đông đồng bào Chăm sinh sống cũng như lưu giữ nhiều giá trị văn hóa - lịch sử của đồng bào Chăm: Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, Bình Phước, An Giang, TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.
Trong khuôn khổ Ngày hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch đặc sắc như: thi biểu diễn Liên hoan nghệ thuật quần chúng và trình diễn, giới thiệu trang phục truyền thống; triển lãm thành tựu phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc Chăm của các tỉnh/thành tham gia Ngày hội và giới thiệu nghề truyền thống; giới thiệu văn hóa ẩm thực; giới thiệu trích đoạn lễ hội dân gian...
Ngày hội diễn ra nhiều hoạt động thể thao như: Kéo co; Đẩy gậy; Đội nước; Việt dã; Bóng đá, bóng chuyền…Bên cạnh đó, Ngày hội cũng diễn ra các hoạt động du lịch như Đoàn Famtrip khảo sát các tuyến, điểm du lịch của tỉnh Phú Yên; Tọa đàm kết nối các tuyến, điểm du lịch Phú Yên và Nam Trung bộ; Lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước về du lịch….
Đặc biệt, chương trình Lễ Khai mạc Ngày hội sẽ gắn với lễ trao bằng Di tích quốc gia đặc biệt "Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Nhạn" diễn ra ngày 14/8/2019; Lễ Bế mạc ngày hội diễn ra ngày 16/8/2019.
Mục tiêu của Ngày hội là gắn công tác bảo tồn, phát triển văn hóa đồng bào Chăm với phát triển du lịch (ảnh minh họa Baoangiang.com.vn)
Phát biểu thông tin về Ngày hội, ông Nguyễn Thái Bình cho biết, Ngày hội là sự kiện văn hóa quy mô lớn, nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước"; Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg ngày 18/02/2004 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự đối với đồng bào Chăm trong tình hình mới; Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020" và chào mừng các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn trong năm 2019.
Bên cạnh mục tiêu chính là tôn vinh, quảng bá giá trị văn hóa đồng bào Chăm với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, điểm đặc biệt của Ngày hội lần này là gắn công tác bảo tồn, phát triển văn hóa đồng bào Chăm với phát triển du lịch. Từ đó không chỉ tạo điểm nhấn về sức hút du lịch khu vực Nam bộ và Nam Trung bộ, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mà còn có ý nghĩa thiết thực trong việc định hướng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân tộc Chăm trong bối cảnh hiện nay./.