Nhiều điểm mới tại Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2017
12/11/2017 | 08:00So với các năm trước, Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2017 sẽ có nhiều điểm mới.
Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2017 so với các năm trước sẽ có một số điểm mới. Ảnh: Hà Tuấn
Ông Lâm Văn Khang, Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2017 so với các năm trước sẽ có một số điểm mới. Theo đó, nhằm tăng cường quảng bá di sản văn hóa của các địa phương, dân tộc, Ban Tổ chức (BTC) đã phối hợp với một địa phương để tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu đất nước và con người, thế mạnh di sản văn hóa… của địa phương, nhằm tăng cường kết nối, góp phần phát triển du lịch của địa phương.
Năm nay, BTC phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ thực hiện nội dung này. Thành phố Cần Thơ (trực tiếp là Sở VHTTDL thành phố Cần Thơ) tổ chức 4 hoạt động, gồm: Tái hiện Văn hóa Chợ nổi Cái Răng - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, kết hợp trình diễn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ; Giới thiệu sản vật, ẩm thực miền Tây Nam bộ nói chung và Cần Thơ nói riêng; Trưng bày ảnh, quảng bá sản phẩm du lịch Cần Thơ và Tọa đàm, xúc tiến giới thiệu sản phẩm du lịch Cần Thơ, đây là hoạt động phối hợp giữa Sở VHTTDL Cần Thơ và Sở Du lịch thành phố Hà Nội.
Bên cạnh đó, năm 2017 cũng là thời điểm tròn 20 năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 667/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Nhân dịp này, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị - Tọa đàm với chủ đề “Đầu tư phát triển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam” nhằm đánh giá một chặng đường quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển, đồng thời tọa đàm về định hướng phát triển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong giai đoạn mới.
Một điểm khác nữa của việc tổ chức năm nay, đó là việc không tổ chức Chương trình khai mạc riêng mà kết hợp tổ chức khai mạc với một hoạt động của sự kiện. Đây là việc làm nhằm tổ chức các hoạt động của sự kiện một cách thiết thực, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện thực tế.
Ông Khang cũng cho biết, Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2017 có 5 nhóm hoạt động, trong đó điểm nhấn của sự kiện là: Chương trình khai mạc và Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” được tổ chức vào sáng ngày 18/11/2017 (Thứ Bảy) tại Quảng trường làng III, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh Chương trình khai mạc được tổ chức ngắn gọn, trang trọng là Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” được tổ chức theo Hướng dẫn số 86/HD-MTTW-BTT của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về Hướng dẫn tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân. Chương trình có 2 phần: Lễ và Hội. Trong đó, phần hội là hoạt động của khoảng 200 đồng bào của các gia đình, người có uy tín, các chức sắc tôn giáo, trí thức, con em của 12 dân tộc đang và sẽ hoạt động hàng ngày tại Làng với các hoạt động dân ca, dân vũ - thể thao dân tộc. Đồng bào sẽ giao lưu văn nghệ truyền thống dân tộc, tham gia giải kéo co các dân tộc, đồng thời giao lưu với du khách tạo không khí một ngày hội thực sự tại một “khu dân cư” đặc biệt - ngôi nhà chung của 54 dân tộc anh em./.
Lan Anh