Nhiều chính sách bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Hà Giang
03/02/2019 | 21:59Những năm qua, tỉnh Hà Giang đã có nhiều chương trình, đề án, giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông nơi đây, góp phần làm nên một Hà Giang đa sắc màu văn hóa.
Dân tộc Mông chiếm 32% dân số toàn tỉnh Hà Giang.
Phong tục tập quán của người Mông rất đặc sắc
Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới cực Bắc của Tổ quốc, có tổng diện tích tự nhiên là 7.914.8892 km2 và có 277,556 km2 đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc. Toàn tỉnh có 19 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Mông chiếm 32%; Tày chiếm 23,3%; Dao chiếm 15,1%; Kinh chiếm 13%; Nùng 9,9%, còn lại là các dân tộc khác. Mỗi dân tộc ở Hà Giang đều mang bản sắc văn hóa truyền thống riêng và độc đáo tạo thành một nền văn hóa phong phú, đa dạng trong nền văn hóa chung của dân tộc Việt Nam.
Như chúng ta đã biết ở Hà Giang dân tộc Mông chiếm đa số, cư trú ở tất cả các huyện, Tp trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung đông nhất ở huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Phong tục tập quán của người Mông rất đặc sắc, đặc biệt là các lễ, tết tiêu biểu chứa đựng bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là phong tục đón Tết của đồng bào dân tộc Mông - là một lễ hội lớn được người Mông coi trọng. Họ chuẩn bị cho những ngày Tết rất cẩn thận và chu đáo, đặc biệt là ngày 30 Tết (điều này không khác gì dân tộc Kinh và các tộc khác. Đây không chỉ là dịp được nghỉ ngơi, ăn uống thỏa thích mà còn là dịp cho gia đình gặp gỡ những người đi xa trở về, người sống người chết gặp nhau, con cháu làm lễ cúng kính tổ tiên, chào mừng ngày âm dương giao hòa với mong muốn được mọi sự bình an, tốt đẹp.
Nhìn chung, đối với người Mông, ngày Tết là ngày rất quan trọng, ngày mà họ có thể làm trọn nghĩa vụ với dòng tộc, với thành viên gia đình, với tổ tiên và tất cả các vị thần khác được vọng thờ. Tùy từng gia đình, từng dòng họ mà mỗi nơi chọn ngày chủ để ăn Tết (trước, sau hoặc chính 30 Tết). Mọi người nô nức chuẩn bị giấy xanh, đỏ, giấy bản; gà trống, trứng gà, ngô, rượu, nước, thậm chí mổ lợn, bò, dê… để làm cỗ cúng Tết.
Cúng đêm ba mươi rất long trọng. Sang mùng một lại cúng cơm mới, thịt mới. Đặc biệt, cơm thịt đã cúng tổ tiên đều không ăn mà để đến ngày mùng 2 hoặc mùng 3 đem nhét vào các cây ăn quả quanh nhà để lấy phước cho cây. Tục đi lấy nước, một hành động tượng trưng có tính chất thờ cúng thủy thần. Chỉ người đàn ông trong gia đình mới được đi lấy nước. Họ cầm ba thẻ hương, 3 tờ giấy bản, cắm đốt ở đầu nguồn nước, khấn xin được lấy nước. Nước lấy về phải qua cửa chính (2 lần ra, 3 lần vào) rồi đổ vào các chén trên bàn thờ làm nước cúng. Mọi người quan niệm sáng 1, khởi đầu dương thịnh thì nước đó rất tinh khiết, ai uống vào sẽ trị được ma quỷ, bách bệnh, tráng kiện và khỏe mạnh.
Ngoài ra, đồng bào Mông còn ăn Tết rằm tháng giêng (15-1), Tết Thanh minh (3-3), Tết Đoan Ngọ (5-5), rằm tháng 7 (15-7), Tết Trùng cửu (9-9)… như mọi dân tộc khác.
Phong tục tập quán của người Mông rất đặc sắc.
Cũng nhân ngày xuân, ngày lễ, ngày tết, bà con người Mông tổ chức hội vui đánh yến, ném còn, đu quay, chơi đánh cù, chơi quay người đập bóng, hội hát giao duyên, hội vỗ mông… Bên cạnh đó, sinh hoạt đặc sắc, mang sắc thái miền núi nhất, dân tộc nhất, phải kể đến sinh hoạt văn hóa chợ, đặc biệt là chợ tình (chợ phong lưu) Du Già, Lũng Hồ, Khâu Vai… mỗi năm chỉ có một phiên. Ở các chợ thường, chợ phiên, dù mục đích chính là bán mua, xong, người đi chợ cũng diện những đồ đẹp, đi rất sớm, vì ngoài việc trao đổi, mua bán sản phẩm, còn mong gặp gỡ trao đổi hay tâm tình chuyện bản, chuyện người. Còn chợ tình, thường được tổ chức vào tháng 2 hoặc tháng 3 hàng năm, nhưng người đến chợ không phải để bán mua, mà là để gặp lại tình xưa. Cả nhà, ông bà, bố mẹ, con cái cùng đi. Không ghen tuông, không nghi kỵ, những đôi lứa yêu nhau, dù đã lên ông lên bà, dù đã có vợ khác, chồng khác đều gặp gỡ, tâm tình một cách công khai; tha thiết. Tan chợ, dù quyến luyến, dù xót thương, thì lại ai về phận sự của người đó trong gia đình, đợi ngày này năm sau. Quả là một hình thức sinh hoạt độc đáo và đầy nhân bản, đầy nhân văn. Ngoài ý nghĩa đó ra, chợ, và chợ tình thật sự trở thành một tụ điểm sinh hoạt văn hóa với các trò múa khèn, múa hát xòe ô, chơi chim, đua ngựa; tiếng khèn, đàn môi, khèn lá, tiếng sáo, tiếng hát… hòa quyện với những sắc màu rực rỡ của trang phục, của rừng xanh núi biếc, tạo thành một bức tranh yên bình, êm đềm, đầy sức quyến rũ.
Đây là phong tục, tập quán tốt đẹp, chứa đựng bản sắc văn hóa dân tộc Mông và các dân tộc khác đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Hà Giang nói riêng và của các dân tộc Việt Nam nói chung. Các hoạt động tín ngưỡng chứa đựng giá trị văn hóa truyền thống, mang tính giáo dục cao và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc cần tiếp tục được giữ gìn và phát huy.
Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Mông
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Hải – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết: Thực hiện Nghị quyết TW5 khóa VIII; Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc; Quyết định số 1270/QĐ- TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020"; Đề án số 09-ĐA/TU về việc bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030; Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai tốt công tác bảo tồn giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông cụ thể như:
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng kế hoạch và văn bản hướng dẫn các huyện, thành phố về xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Đề án số 09-ĐA/TU của Tỉnh ủy. Trên cơ sở đó các huyện, Thành phố đã xây dựng chương trình và kế hoạch bảo tồn, khôi phục phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông, giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030" tại địa phương.
Năm 2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Dự án số 03 và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1244/QĐ-UBND ngày 04/7/2017 về việc phê duyệt Dự án "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục DSVHPVT Quốc gia" và "Phục dựng, bảo tồn một số lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số, giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, Ngành đã tổ chức phục dựng và mở lớp truyền dạy dân ca, bí quyết thực hành di sản "Lễ hội Gầu tào" dân tộc Mông, thôn Suối Đồng, Thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên gồm 20 học viên tham gia và 12 học viên tham gia lớp truyền dạy bí quyết thực hành di sản. Tổ chức triển khai Đề án 09-ĐA/TU bằng nhiều hình thức: Tuyên truyền trước các buổi chiếu phim, trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các điểm chợ…
Năm 2018, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tái bản cuốn sách "Văn hóa dân tộc Mông Hà Giang" do GS. Trường Lưu và Hùng Đình Quý chủ biên.
Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã có nhiều chương trình, đề án, giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.
Ông Nguyễn Hồng Hải cũng cho biết: Trong năm 2019, Ngành sẽ triển khai Phục dựng "Lễ hội cầu mùa, cầu mưa" dân tộc Mông huyện Đồng Văn; Kiểm kê Chuyên đề Di sản văn hóa phi vật thể về Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng của dân tộc trên Mông địa bàn 02 huyện Đồng Văn và Mèo Vạc.
Bên cạnh đó, xây dựng chương trình phối hợp giữa ngành với Sở Giáo dục và Đào tạo; các địa phương trong tỉnh tổ chức đưa văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông vào trường học như: hát dân ca, múa dân gian, thổi khèn, chế tác khèn Mông… góp phần bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa dân tộc Mông.
Xác định tầm quan trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, Ngành đã lập hồ sơ DSVHPVT để trình cấp thẩm quyền đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia. Tính đến nay, Hà Giang có 19 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia: Trong đó có "Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông"; "Nghệ thuật Khèn của người Mông và Kỹ thuật trồng lanh và dệt vải lanh của người Mông.
Ngoài ra, thực hiện Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25/6/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Năm 2015, tỉnh Hà Giang thành lập hội đồng xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" tập trung ở các loại hình: Tập quán xã hội - tín ngưỡng; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tri thức dân gian (dân ca, nhạc cụ các dân tộc; ca dao, tục ngữ, tiếng nói chữ viết dân tộc…) trình Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ xem xét, lựa chọn theo quy định. Hà Giang có 9 nghệ nhân ưu tú đáp ứng các tiêu chí quy định tại Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25/6/2014 của Chính phủ (Trong đó có các Nghệ nhân là người dân tộc Mông). Năm 2018, Hà Giang tiếp tục xét, lựa chọn 10 nghệ nhân dân gian gửi Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ xem xét, lựa chọn, hiện đang chờ kết quả từ Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ xem xét, lựa chọn và công bố, ông Nguyễn Hồng Hải thông tin.
Đồng thời, Sở cũng đề ra các giải pháp để thực hiện tốt Đề án 09-ĐA/TU ngày 21/4/2017 của Tỉnh Ủy về Bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng văn hóa dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017-2020, định hướng 2030 cụ thể: Ngành tăng cường công tuyên truyền về bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2017-2020, định hướng 2030.
Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các sở ngành và các huyện, thành phố trong việc bảo tồn, khôi phục và phát huy giá trị văn hóa đặc trưng dân tộc Mông, đặc biệt phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo biên tập nội dung các bài giảng về giá trị văn hóa đặc trưng dân tộc Mông đưa vào giảng dạy trong các trường học.
Tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê Chuyên đề Di sản văn hóa phi vật thể về Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng của Dân tộc Mông. Hoàn chỉnh xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông kiểu mẫu để tạo thành địa chỉ thu hút du khách đến tham quan.
Đẩy mạnh việc giữ gìn và phát huy các nghề truyền thống của dân tộc Mông như: Nghề dệt vải lanh, nghề rèn, nghề làm khèn… qua đó tạo thành hàng hóa có thương hiệu, góp phần phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao đời sống cho đồng bào Mông. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ nghệ nhân dân gian, tham gia truyền dạy văn hóa truyền thống dân tộc Mông góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ông Nguyễn Hồng Hải cho biết.
Đẩy mạnh việc giữ gìn và phát huy các nghề truyền thống là một trong những chính sách gì nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông