Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nhanh nhạy, kịp thời trước những vấn đề “nóng” về văn hóa, xã hội

05/06/2019 | 07:52

Dù là Bộ đa ngành, đa lĩnh vực nhưng trong thời gian qua, Bộ VHTTDL nói chung, ngành Văn hóa nói riêng đã làm được nhiều việc, có nhiều điểm sáng trong bức tranh chung về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước”.

Nhanh nhạy, kịp thời trước những vấn đề “nóng” về văn hóa, xã hội - Ảnh 1.

Đó là khẳng định của Phó Chủ nhiệm Uỷ ban VH, GD, TN, TN&NĐ của Quốc hội Phạm Tất Thắng trong cuộc trao đổi với Văn Hóa.

Ông đánh giá như thế nào về bức tranh kinh tế, văn hóa, xã hội qua báo cáo của Chính phủ?

-Ông Phạm Tất Thắng: Tôi cũng như cử tri và nhân dân cả nước đều rất vui mừng trước những kết quả ấn tượng nhiều mặt đã đạt được về kinh tế - xã hội của đất nước và cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên như những góp ý từ các kỳ họp trước, tôi vẫn mong muốn rằng lĩnh vực Văn hóa - xã hội sẽ được đề cập đầy đủ hơn, sâu sắc hơn bởi Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, phải quan tâm hơn nữa, đặc biệt trong thời gian qua, đây là lĩnh vực đã có nhiều điểm sáng trong bức tranh chung về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.

Vậy những điểm sáng đó là gì, thưa ông?

- Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thời gian vừa qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng ấn tượng mà chúng ta có thể điểm qua. Trong lĩnh vực văn hóa, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh ngày càng được chú trọng. Các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tiếp tục là những địa điểm du lịch hấp dẫn, thu hút một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước; những sản phẩm dịch vụ khác tiếp tục tăng lên, tạo việc làm cho nhiều người lao động, góp phần biến đổi cơ cấu kinh tế của các địa phương...

Trong lĩnh vực thể thao, ngôi vị á quân U23 châu Á, vô địch AFF Cup và gần đây là vị trí xếp thứ nhất bảng K, giành quyền vào vòng chung kết giải vô địch U23 châu Á tại Thái Lan năm 2020, đã làm nức lòng người hâm mộ và nhân dân cả nước. Trước đó còn là tấm HCV Olympic lần đầu tiên đạt được của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và nhiều tấm huy chương sáng giá của thể thao, đã nâng vị thế của thể thao nước nhà lên tầm cao mới.

Ở lĩnh vực Du lịch, những con số thống kê gần đây cho thấy tín hiệu đáng mừng: Khách quốc tế đến Việt Nam 5 tháng đầu năm 2019, ước đạt khoảng 7,3 triệu lượt khách, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2018; khách du lịch nội địa ước đạt 38,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 285.700 tỉ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2018… Những điểm sáng đó đã tô thêm mầu sắc tươi sáng cho bức tranh tổng thể về kinh tế - xã hội nước nhà.

Nhanh nhạy, kịp thời trước những vấn đề “nóng” về văn hóa, xã hội - Ảnh 2.

Trong những năm qua, Bộ và ngành VHTTDL đã vào cuộc kịp thời để xử lý những vấn đề được dư luận quan tâm, định hướng tốt cho xã hội. Trong ảnh: Ngay sau khi phát hiện di tích quốc gia chùa Bối Khê (Hà Nội) bị xây dựng trái phép, Bộ VHTTDL đã vào cuộc kiểm tra, xử lý theo quy định. Ảnh: T.TRANG

Theo đánh giá của ông thì Bộ VHTTDL đã thực hiện vai trò quản lý nhà nước ở 4 lĩnh vực là Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình như thế nào, thưa ông?

- Tôi cho rằng trong thời gian qua Bộ VHTTDL đã thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước trên các lĩnh vực này. Trong lĩnh vực Du lịch, sự ra đời của Luật Du lịch đã tạo ra môi trường thông thoáng hơn, giúp các doanh nghiệp chủ động hơn, chất lượng Du lịch từng bước được cải thiện. Du lịch Việt Nam đạt được nhiều thành tích có dấu ấn quan trọng từ vai trò quản lý nhà nước của Bộ. Trong lĩnh vực Thể dục thể thao, Luật Thể dục thể thao sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua ở kỳ họp trước, cũng sẽ tạo tiền đề cho thể thao Việt Nam phát triển sâu rộng hơn, cả về lượng và chất, góp phần cho mục tiêu "dân cường thì nước thịnh" như mong muốn của Bác Hồ.

Ở lĩnh vực Văn hóa, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, trong đó quy định rõ trách nhiệm của Bộ VHTTDL; của các Bộ, ngành; Uỷ ban nhân dân các cấp. Văn bản này đã giúp cho công tác tổ chức lễ hội khắc phục được nhiều tồn tại. Dưới sự chỉ đạo tích cực của Chính phủ, của Bộ, các địa phương đã chủ động trong công tác tổ chức lễ hội và kết quả là mùa lễ hội năm 2019 đã diễn ra tốt đẹp, tạo không khí vui xuân, vui tươi, lành mạnh, an toàn cho nhân dân cả nước.

Bên cạnh đó Bộ cũng đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 166 thay thế Nghị định số 70/2012/NĐ/ CP-CP quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt qui hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, với một số điểm mới, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao hơn nữa chất lượng của hoạt động tu bổ di tích. Tôi rất hy vọng Nghị định này sẽ hạn chế được vi phạm trong công tác tu bổ di tích. Bộ cũng đã có những chỉ đạo kịp thời, phối hợp với các địa phương xử lý các vấn đề xâm phạm di tích.

Nhanh nhạy, kịp thời trước những vấn đề “nóng” về văn hóa, xã hội - Ảnh 3.

Nhiều vấn đề "nóng" về văn hóa, xã hội đã được Bộ VHTTDL vào cuộc kịp thời

Một điểm sáng nữa về Văn hóa là dù kinh phí hạn chế nhưng Bộ đã tham mưu ban hành được một số chính sách để góp phần bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc thiểu số như Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay". Tại kỳ họp Quốc hội lần này, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đánh giá tốt việc chuẩn bị dự án Luật Thư viện…

Như ông đánh giá thì Bộ VHTTDL đã hoàn thành tốt vai trò quản lý nhà nước của mình. Vậy ông và cử tri cả nước có muốn gửi gắm điều gì để Bộ thực hiện tốt hơn nữa trọng trách đã được Chính phủ và nhân dân giao phó?

- Dù đã đạt được nhiều thành tích nhưng Bộ VHTTDL vẫn còn một số tồn tại cần phải khắc phục để nâng cao hơn nữa vai trò quản lý nhà nước của Bộ.

Trước hết, đó là sự chậm trễ trong việc ban hành Nghị định về Nghệ thuật biểu diễn. Nghị định này Quốc hội đã cho ý kiến từ kỳ họp thứ 3 nhưng đến nay vẫn chưa ra đời được. Có Nghị định này thì việc quản lý lĩnh vực vốn rất nhạy cảm này sẽ tốt hơn. Trong việc xây dựng Luật Điện ảnh, Ban soạn thảo cũng phải dày công tạo hành lang pháp lý cho Điện ảnh phát triển cho phù hợp hơn với nhu cầu của thực tiễn, dòng chảy của xã hội. Một vấn đề quan trọng khác là việc xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh, chuẩn mực trong xã hội. Tôi đã từng phát biểu và chất vấn Thủ tướng, Bộ trưởng về vấn đề này. Tuy đây là một lĩnh vực cực kỳ khó, đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt, dành nguồn lực thích đáng từ Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và xã hội; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương nhưng không thể chậm trễ hơn được nữa và vai trò chủ đạo, tích cực của Bộ là hết sức quan trọng.

Điều gì để lại ấn tượng cho ông trong công tác quản lý nhà nước về Văn hóa trong thời gian vừa qua?

- Nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả. Văn hóa, cũng như các mặt khác của đời sống kinh tế- xã hội không phải lúc nào cũng "thuận buồm xuôi gió" mà luôn nảy sinh những bất cập, vấn đề là phản ứng của cơ quan quản lý nhà nước trước vấn đề đó như thế nào. Sự chỉ đạo kịp thời của Bộ trước hiện tượng trục lợi, biến tướng trong việc dâng sao, giải hạn hay vụ chùa Ba Vàng, Quảng Ninh; việc xâm phạm di tích quốc gia chùa Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội… hay như chỉ đạo về việc bảo vệ vùng lõi di sản Vịnh Hạ Long, các hiện tượng phản cảm… được nhân dân, cử tri và dư luận ủng hộ. Tôi đánh giá cao các kết quả này.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×