Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nhân lực - Chìa khóa để ngành Du lịch Bình Thuận phát triển bền vững

19/10/2022 | 16:02

Tận dụng những lợi thế về nắng, gió, đồi cát, bãi biển đẹp, nền văn hóa đa dạng, nhiều lễ hội và làng nghề truyền thống, những năm qua, Bình Thuận đã phát triển thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn và nỗ lực xây dựng thương hiệu du lịch Bình Thuận gắn với các sự kiện quốc tế mang đặc trưng riêng của mình.

Nhân lực - Chìa khóa để ngành Du lịch Bình Thuận phát triển bền vững - Ảnh 1.

Tuy nhiên với mục tiêu, đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và là trụ cột kinh tế của tỉnh, bên cạnh các giải pháp đồng bộ về phát triển hạ tầng, sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ để tăng lợi thế cạnh tranh, tỉnh Bình Thuận chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, tạo môi trường làm việc, phục vụ chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng nhu cầu khách du lịch.

Theo đánh giá của Cục Thống kê tỉnh, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động, tiếp tục đà tăng trưởng kể từ đầu năm 2022 và phục hồi khả quan so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, nhất là thành phố Phan Thiết, du khách đến tham quan và nghỉ dưỡng tăng mạnh, trong đó đảo Phú Quý đang là điểm đến được nhiều du khách quan tâm và lựa chọn du lịch nghỉ dưỡng. Trong 9 tháng đầu năm, Bình Thuận đón trên 3,9 triệu lượt khách du lịch, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 9.200 tỷ đồng.

Trong 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid- 19, số lượng du khách, doanh thu du lịch sụt giảm mạnh, tăng trưởng của ngành giảm sâu khiến nhiều doanh nghiệp bắt buộc phải cắt giảm từ 50 - 70% nhân sự trong mùa dịch. Một bộ phận người lao động trong lĩnh vực du lịch đã chuyển đổi sang ngành nghề khác. Do vậy, khi du lịch sôi động trở lại, tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đều có nhu cầu tuyển dụng lao động. Bên cạnh đó, nhiều dự án du lịch mới đi vào hoạt động đã khiến cho thị trường nhân lực du lịch càng thiếu hụt, nhất là lao động có tay nghề, yêu nghề.

Theo ông Trần Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh, trong bối cảnh du lịch hồi phục trở lại, để bảo đảm đáp ứng đủ lực lượng lao động chất lượng trước mắt cũng như bồi dưỡng lâu dài, Hiệp hội du lịch chủ động phối hợp với các đơn vị tổ chức các khóa đào tạo liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ dịch vụ, du lịch. Đồng thời tổ chức các lớp kỹ năng sơ cấp cứu, cứu hộ cuối nạn… cơ bản đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp hội viên và bảo đảm tiêu chuẩn tối thiểu về trình độ chuyên môn tương ứng với hạng cơ sở lưu trú.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho biết, giai đoạn từ 2015 - 2020, Sở đã tổ chức 42 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ ở các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch với số lượng 3.200 học viên bao gồm các lớp kiến thức du lịch cộng đồng; bồi dưỡng kỹ năng quản lý du lịch, quản lý khách sạn, nhà nghỉ, nghiệp vụ nhà hàng, nghiệp vụ lễ tân, buồng, bàn; tâp huấn thực hiện các quy định về kinh doanh văn hóa, thể thao, du lịch, cứu hộ, cứu nạn…

Bên cạnh đó, trước khi đi vào hoạt động, các dự án du lịch, nhất là các dự án có quy mô lớn đều quan tâm tuyển dụng, đào tạo trước cho đội ngũ đội ngũ lao động. Các cơ sở lưu trú du lịch hạng 3- 5 sao trong quá trình hoạt động đã thúc đẩy hình thành đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, năng động, nhân viên nghiệp vụ lành nghề ở tỉnh. Mặt khác, các dự án du lịch có vốn đầu tư nước ngoài đã thu hút về tỉnh một số quản lý người nước ngoài có trình độ, kinh nghiệm quản lý kinh doanh du lịch ở tầm quốc tế, lao động chuyên môn tay nghề cao, làm việc chuyên nghiệp. Nhờ vậy, đến nay, tổng số lao động đã qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch chiếm gần 70% tổng số lao động ngành du lịch của tỉnh.

Dự báo hoạt động du lịch tại Bình Thuận tiếp tục đà tăng trưởng. Để kịp thời bù đắp lượng nhân sự thiếu hụt, bổ sung nhân sự chất lượng cao đảm bảo nhu cầu phục vụ du khách, nhất là sự trở lại của khách quốc tế trú đông, nhiều doanh nghiệp tại Bình Thuận lựa chọn phương thức liên kết đào tạo tại chỗ. Điều này không chỉ đáp ứng đúng theo nhu cầu, giải quyết được vấn đề thiếu nguồn nhân lực vào lúc cao điểm mà còn giúp doanh nghiệp giảm chi phí đào tạo.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc điều hành Vipol Mũi Né Hotel cho biết: Những khó khăn về nguồn nhân lực mà chúng tôi gặp phải không chỉ riêng chúng tôi mà tất cả các doanh nghiệp ở khắp nơi. Sau dịch, tất cả mọi người có những thuyên chuyển về ngành nghề. Khi họ đã ổn định công việc thì chắc chắn khó quay lại làm trong lĩnh vực du lịch. Về lâu dài, chúng tôi kết nối với tất cả các trường dạy du lịch, phối hợp với các trường đào tạo sinh viên mới. Bên cạnh có nghề nghiệp ổn định, chúng ta cũng nên tư vấn, định hướng cho các bạn học sinh, sinh viên về giá trị nghề nghiệp, dần dần chúng ta sẽ có nguồn nhân lực trở lại.

Với mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu xây dựng được đội ngũ nhân lực du lịch đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đảm bảo về chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch nhanh và bền vững; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là trụ cột kinh tế của tỉnh, tỉnh Bình Thuận đã ban hành Đề án Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến 2030.

Cụ thể, đối với cán bộ công chức quản lý nhà nước về du lịch, Bình Thuận phấn đấu đến năm 2025, 100% công chức, viên chức làm công tác quản lý Nhà nước về du lịch được bồi dưỡng chuyên môn về du lịch. Phấn đấu đến đến năm 2030, 50% cán bộ công chức có thể sử dụng một ngoại ngữ đủ để giao tiếp cơ bản với du khách quốc tế, trong đó có 10% có khả năng giao tiếp thông thạo.

Đối với lao động ở các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch, tỉnh phấn đấu có khoảng 75% lao động trực tiếp trong ngành du lịch được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ du lịch; 50% sử dụng được ngoại ngữ vào năm 2025 và 85% lao động trực tiếp trong ngành du lịch được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ du lịch; 80% sử dụng được ngoại ngữ vào năm 2030.

Để đạt được mục tiêu này UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các sở, ngành chức năng tổ chức khảo sát, điều tra nắm tình hình, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ du lịch, từ đó có kế hoạch định hướng đào tạo đúng, đào tạo đủ số lượng cần thiết cho ngành du lịch, hạn chế tình trạng nguồn nhân lực được đào tạo mà không được sử dụng hoặc sử dụng không đúng ngành nghề được đào tạo.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, giám sát chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề du lịch thông qua đào tạo và liên kết đào tạo theo phân cấp quản lý, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các nghề du lịch gắn với nhu cầu phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

Hiệp hội Du lịch tỉnh vận động các doanh nghiệp du lịch tích cực đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Bên cạnh đó, Hiệp hội phối hợp với các cơ sở đào tạo mời các chuyên gia nước ngoài, cán bộ quản lý người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao đang làm việc tại các cơ sở lưu trú du lịch cao cấp ở trong và ngoài tỉnh tham gia giảng dạy ở các cơ sở đào tạo nghề du lịch trong tỉnh.

Các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ chủ động và tham gia tích cực vào quá trình đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh bằng việc tổ chức đào tạo, huấn luyện tại chỗ cho người lao động của doanh nghiệp; đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ giao tiếp cho người lao động, bảo đảm tính chuyên nghiệp, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cải thiện môi trường, điều kiện làm việc ở các cơ sở kinh doanh du lịch, có chế độ đãi ngộ về vật chất và tinh thần cho người lao động nhất là cán bộ quản lý, nhân viên nghiệp vụ có tay nghề cao làm việc tại các doanh nghiệp du lịch.

Theo binhthuan.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×