Người giữ hồn Then trên dặm đường biên ải
03/04/2019 | 16:02Trong ký ức và nỗi nhớ của những người nơi biên cương Tràng Định (Lạng Sơn), có một mảng thương nhớ êm đềm và huyền thoại về những đêm then với giọng hát, tiếng đàn kỳ ảo đến mê mải cùng với bóng hình những bà then hiền hậu mà đẹp đến lạ kỳ.
Nghi lễ lẩu then nơi biên cương Tràng Định
Những thế hệ các nghệ nhân then như pựt Miệt ở Háng Deng (xã Tri Phương), pựt Thó ở Bản Trại (xã Khánh Chiến), pựt Bình, pựt Nhâm ở Nà Cạn (xã Đại Đồng), pựt Hà ở Pác Giàng (thị trấn Thất Khê) đến nay vẫn còn để lại những cảm xúc dặm dài bất tận mặc dù thời gian đã đưa những con người ấy về một cõi xa xăm.
Pựt Vẩn, hay "mé Vẩn" trong tiếng gọi thân thương của bản làng tên đầy đủ là Bế Thị Vẩn.
Người Tràng Định quê tôi không gọi cái nghề, cái câu hát yêu thương và cái diễn xướng thiêng liêng ấy là "then" như ở các nơi khác mà gọi là "pựt". Và những người phụ nữ thực hành cái diễn xướng ấy vẫn được gọi thân thương là các bà "Pựt". Trong ký ức lưu lại của người Tràng Định, những bà Pựt của cái thuở xa xưa ấy tuy đơn sơ giản dị trong tà áo chàm và chiếc đàn tính nhưng vẫn đẹp một cách lạ kỳ, nét đẹp của bản làng, truyền thống văn hóa dân tộc và của nước non Tràng Định vẫn ngàn đời nay làm say lòng các tao nhân mặc khách: Thất Khê gạo trắng nước trong Ai lên tới đó chẳng mong ngày về. Những thế hệ bà then của thế hệ ấy mà chúng tôi vẫn gọi là "Pựt ké" (then già), có lẽ chỉ còn sót lại Pựt Vẩn ở Tri Phương. Tuy xa quê đã lâu nhưng tôi vẫn nhớ pựt Vẩn vì bà là bạn thân của bà nội tôi từ thuở các bà còn đương thì con gái.
Nghi lễ lẩu then nơi biên cương Tràng Định
Thời gian tưởng chừng đưa vạn vật về lại quá khứ nhưng vẫn còn rộng lượng để lại thế gian pựt Vẩn như một minh chứng cho một thế hệ vàng son của các "pựt ké" đất Tràng Định. Pựt Vẩn, hay "mé Vẩn" trong tiếng gọi thân thương của bản làng tên đầy đủ là Bế Thị Vẩn. Cụ sinh năm 1926 (cũng có người nói cụ sinh năm 1928) tại thôn Nà Phấy, xã Tri Phương, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Nơi cụ sinh ra là một vùng đất kiêu hùng đầy máu và lửa trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Và nơi ấy cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa. Gia đình cụ Vẩn có dòng dõi làm nghề then từ rất nhiều đời. Cụ được thừa kế vốn quý ấy của cha ông để lại và cũng là người duy nhất của dòng họ được các bậc tổ tiên và thánh sư lựa chọn để kế tục nghề. Do đó, cụ tổ chức "lẩu khai quang" (lễ nhập môn và cấp sắc cho thầy then) từ năm 16 tuổi. Trải qua hơn 70 năm theo nghề, năm 1993, cụ đã đạt đến chức phẩm cao nhất trong nghề làm then. Cụ đã được đội chiếc mũ then có 13 dải tua - số lượng dải tua chỉ những thầy then chức phẩm thượng đẳng mới được phép đội. Cụ đã có thể thực hiện được những lễ nghi phức tạp với lề lối chặt chẽ như "lẩu pựt" và truyền nghề được cho nhiều thế hệ. Đến nay, hơn 90 năm tuổi đời nhưng cụ vẫn say mê và hy sinh cả những niềm hạnh phúc riêng tư nhất để hiến dâng cho nghề. Có lẽ từ quan niệm rằng người làm then là thầy tâm linh, là các vị quan âm và tu sỹ giữa cuộc đời nên các bà then nếu còn trẻ mà đã cấp sắc thường sẽ không lấy chồng để giữ gìn sự thanh khiết. Cũng như các pựt khác của thuở xưa kia, pựt Vẩn cũng không lấy chồng. Cả đời cụ chỉ gắn bó với bản làng, với tiếng tính lời then. Đến ngày nay, mặc dù tuổi cao sức yếu, đặc biệt là cánh tay trái bị gãy từ đợt tết 2018 khiến ngón đàn của cụ không còn linh hoạt như xưa nhưng cụ vẫn tận tâm, tận lực với nghề, gia đình nào có việc mời cụ thì cụ đều vui vẻ đến giúp. Cụ Vẩn có một lối hát rất đặc biệt, tuy không náo nhiệt, tưng bừng như các dòng then khác nhưng rất êm ả, nhẹ nhàng, thong dong đầy chất trữ tình. Ai đã được nghe cụ Vẩn hát đều cảm nhận được một tiếng ca được cất lên từ tận sâu thẳm tâm hồn, từ nỗi cô đơn, nhọc nhằn của cuộc đời người nghệ nhân đầy trống trải, cay đắng. Tuy nhiên đó không phải là tiếng than thân trách phận hay là tiếng khóc cho thân phận không chồng con mà đơn giản, đó chỉ là một câu chuyện tâm tình của bà với chúng ta. Trong một lần gặp cụ tại đám tang NNƯT Đường Thị Nhâm - cũng là một bà then nổi tiếng của huyện Tràng Định. Tôi đã từng hỏi cụ: Sao cụ già vậy rồi, lại còn bị gẫy tay nữa mà lại vẫn đi làm then nhiều vậy? Cụ hóm hỉnh trả lời rằng: "Không đi làm thì bà còn già, còn ốm nữa cháu ạ!" Nói rồi cụ cười. Nụ cười trong khóe mắt ánh lên một niềm vui bất tận. Niềm vui ấy là niềm vui của một người nghệ nhân luôn yêu đời, hết lòng yêu nghề và tràn đầy an lạc.
Bài Xuân Bách ( ảnh Phan Huy)