Ngoại giao văn hóa quảng bá hình ảnh Đất Tổ
15/02/2023 | 08:41Ngoại giao văn hóa là một trong ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện của Việt Nam nói chung và Phú Thọ nói riêng trong thời kỳ hội nhập toàn cầu. Với tính mềm dẻo và linh hoạt, ngoại giao văn hóa đã phát huy vai trò tích cực của mình trong thực hiện các mục tiêu đối ngoại của tỉnh, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp để phát triển địa phương.
Kế hoạch số 1966/KH-UBND ngày 31/5/2022 về Hoạt động đối ngoại tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2022 - 2025 của UBND tỉnh xác định: Tăng cường gắn kết ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế theo Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đa dạng hóa các phương thức giới thiệu, quảng bá văn hóa Phú Thọ cho các đoàn nước ngoài tới địa phương và các đoàn công tác, xúc tiến, nghiên cứu thực tế của tỉnh Phú Thọ ở nước ngoài.
Trong những năm qua, ngoại giao văn hóa của Phú Thọ đã có nhiều bước phát triển, được coi như một công cụ đắc lực của “quyền lực mềm” của Phú Thọ. Ngoại giao văn hóa đã phát huy vai trò như một phương thức nhằm lan tỏa giá trị văn hóa, con người, quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế, tiếng nói của tỉnh trên trường quốc tế; qua đó tạo thêm nhiều động lực, dư địa cho sự phát triển. Các hoạt động ngoại giao văn hóa đã và đang được triển khai theo nhiều hình thức đa dạng, như đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền đối ngoại; các hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa, nghệ thuật, tổ chức các sự kiện văn hóa; tham gia các tổ chức quốc tế về văn hóa; phát huy vai trò của kiều bào trong thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa...
Vượt lên những khó khăn của dịch bệnh COVID-19, ngoại giao văn hóa Phú Thọ đã có những bước phục hồi sau đại dịch. Các hoạt động ngoại giao văn hóa được tổ chức sáng tạo, hiệu quả. Phú Thọ trở thành địa điểm hấp dẫn được các quốc gia, tổ chức quốc tế lựa chọn để tổ chức các chương trình văn hoá. Cuối năm 2022, cùng với bốn tỉnh thành trên cả nước, trong đó có thủ đô Hà Nội; Phú Thọ được Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Du lịch thế giới (Miss Tourism World) 2022 lựa chọn là miền di sản trải nghiệm tiêu biểu của Việt Nam trong vòng chung kết cuộc thi. Các thí sinh là đại diện người đẹp của nhiều quốc gia đã tới tham quan Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và trải nghiệm nghe Hát Xoan và làm bánh chưng truyền thống tại làng cổ Hùng Lô, TP Việt Trì. Hoa hậu đại diện Nhật Bản - Erina Hanawa chia sẻ: “Văn hóa Phú Thọ và văn hóa Việt Nam rất thú vị, chúng tôi đã được trải nghiệm và hiểu biết, yêu thích thêm những đặc điểm văn hóa truyền thống vô cùng đặc biệt ở nơi đây. Chúng tôi sẽ lưu giữ những kỷ niệm này và giới thiệu về văn hóa của Phú Thọ với bạn bè và người dân đất nước mình”. Có thể nói, ngoại giao văn hóa đã góp phần chuyển tải các giá trị văn hóa, bản sắc, hòa hiếu, nhân văn của vùng đất và con người Phú Thọ; từ đó góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, quảng bá hình ảnh, thương hiệu địa phương.
Bên cạnh đó, Phú Thọ sở hữu hệ thống di sản văn hóa đồ sộ, trong đó có hai Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ. Sự đa dạng về các loại hình di sản văn hóa chính là một trong những thế mạnh để Phú Thọ phát triển các hoạt động ngoại giao văn hóa gắn với phát triển du lịch. Trong những ngày lễ lớn của tỉnh cũng như đất nước, đặc biệt nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm… các hoạt động ngoại giao văn hóa được tổ chức lồng ghép. Tỉnh Phú Thọ cũng thường xuyên tổ chức và tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa nhân dịp lễ, Tết, tuần, ngày văn hóa Việt Nam tại các nước; nhân dịp kỷ niệm năm chẵn, năm tròn, ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, ngày Quốc khánh và các sự kiện quan trọng của các nước, các địa phương kết nghĩa như: Luông Nậm Thà, Luông Pha Băng (Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào), Nara (Nhật Bản), Sơn Tây (Trung Quốc), thành phố Hwaseong (Hàn Quốc)…
Có thể thấy, ngoại giao văn hóa cũng đóng góp tích cực trong việc hỗ trợ các ngành, các địa phương thực hiện thành công các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, từng bước xây dựng thương hiệu địa phương. Nhiều lễ hội, sự kiện văn hóa định kỳ và thường niên của tỉnh đã dần trở thành “thương hiệu” của địa phương, tạo sức hút đối với ngoại giao đoàn, với bạn bè và khách quốc tế, qua đó, đưa hình ảnh các địa phương của Phú Thọ ngày càng trở nên gần gũi, thân thiện, cởi mở, góp phần thu hút đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Ngoại giao văn hóa đã và đang trở thành hoạt động được người dân tự giác thực hiện thông qua các hoạt động văn hoá, quảng bá, xây dựng nếp sống văn minh - hiện đại… Đồng chí Dư Văn Quảng- Giám đốc Sở Ngoại vụ cho biết: Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng của các hoạt động ngoại giao văn hoá, Phú Thọ tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh; xây dựng các ấn phẩm, sản phẩm đặc sắc về văn hóa Đất Tổ hướng tới các đối tác và địa phương nước ngoài; tiếp tục bảo tồn và phát huy hai di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là “Hát Xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”. Phát huy lợi thế khi Đền Hùng được công nhận là Khu du lịch Quốc gia; xây dựng Việt Trì trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Phát huy các danh thắng, di tích, di sản văn hóa độc đáo vùng Đất Tổ trở thành sản phẩm du lịch riêng biệt để thu hút du khách quốc tế và đồng bào ta ở nước ngoài. Tổ chức các đoàn giao lưu văn hóa với các địa phương quốc tế có quan hệ hợp tác với tỉnh Phú Thọ…