Nghị định về Ngày thành lập, ngày truyền thống là “cây gậy” giúp cơ quan quản lý, người dân thực hiện hành vi chuẩn mực nhất
11/09/2018 | 09:21Lần đầu tiên một nghị định của Chính phủ quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương (Nghị định 111) được ban hành đã tạo hành lang pháp lý cụ thể cho các cơ quan quản lý, tổ chức có căn cứ để thực hiện.
Sẽ không có lễ kỷ niệm xa hoa, lãng phí
Vừa hình thức, vừa lãng phí, vừa không thống nhất
Năm 2016 nhiều địa phương tổ chức lễ kỷ niệm thành lập tỉnh, tái lập tỉnh gây lãng phí và là câu chuyện nổi bật trên nhiều tờ báo. Trong đó, tỉnh Vĩnh Phúc chi 65 tỷ đồng để mua quà tặng dịp thành lập tỉnh. Hay Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam với hàng chục tỷ đồng mua kỷ niệm chương nhân dịp 80 năm ngày truyền thống…
Đó là những vụ việc được báo chí đưa tin. Thực tế, còn rất nhiều lễ kỉ niệm được tổ chức tràn lan, lãng phí mà báo chí chưa thể thống kê hết.
Trả lời phỏng vấn báo điện tử Tổ Quốc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng cũng khẳng định, thực tế thời gian qua dư luận cho rằng, có quá nhiều hoạt động lễ kỉ niệm ở nhiều quy mô khác nhau và cách thức tổ chức thì “trăm hoa đua nở”.
“Các ngày lễ kỉ niệm một mặt có biểu hiện hình thức, lãng phí, một mặt thì có sự không thống nhất trong việc tổ chức các lễ hội, lễ kỉ niệm”- ông Phạm Tất Thắng cho hay.
Theo số liệu thống kê sơ bộ, cả nước hiện nay có khoảng hơn 200 ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, việc công nhận ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương được nhiều cơ quan có thẩm quyền ở các cấp công nhận, dẫn đến tình trạng tổ chức kỷ niệm tràn lan, không thống nhất về thẩm quyền; phương pháp và cách thức tổ chức khác nhau tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của từng bộ, ngành, địa phương.
Theo Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL, có tình trạng nhiều nơi tổ chức lễ kỷ niệm với quy mô lớn, nghi thức rườm rà; thành phần, số lượng khách mời đông; huy động lực lượng quần chúng nhiều, gây tốn kém, lãng phí hoặc cũng có nơi tổ chức quá đơn giản, thiếu trang trọng.
“Do đó, việc tổ chức lễ kỷ niệm không đảm bảo được mục đích, yêu cầu đặt ra, làm ảnh hưởng xấu đến dư luận và gây mất lòng tin trong nhân dân”- bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL cho hay.
Là “cây gậy” giúp cơ quan quản lý và người dân thực hiện hành vi chuẩn mực nhất
Theo Nghị định 111 năm 2018 của Chính phủ được ban hành mới đây, các quy định có thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giúp việc công nhận và tổ chức ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng thời gian tới đi vào nề nếp.
Ông Phạm Tất Thắng cho rằng, việc Chính phủ ban hành một nghị định quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương là một việc rất cần thiết.
“Với việc phân loại các lễ kỷ niệm với mức độ, hình thức, yêu cầu tổ chức ra sao, đầu tư như thế nào… để vừa đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, tránh được biểu hiện hình thức, lãng phí theo tôi là điều rất cần thiết hiện nay”- ông Phạm Tất Thắng nói.
Còn ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội thì chia sẻ, “những lễ kỉ niệm, khai trương… gây xa hoa lãng phí với những quy định mới tôi mong muốn hạn chế tối đa và kiểm soát cho được”.
Theo ĐB Kim Thúy, có những lễ kỉ niệm là cần thiết vì thuộc về văn hóa truyền thống không thể bỏ nhưng việc tổ chức không được rềnh ràng, tốn kém bởi vì đó cũng là tiền thuế của người dân.
“Bây giờ người dân nhiều nơi vùng sâu, xa còn nghèo khó, đói khổ mà mình làm lãng phí thì không nên. Nhưng tôi cũng ghi nhận, thời gian qua, việc đeo găng tay, kết hoa khi khởi công, hay lễ lạt… cũng đã được dẹp bớt. Nếu nghị định mới ra mà quản được theo hướng như vậy thì tôi rất ủng hộ”- ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy nói.
Lần đầu tiên Chính phủ ban hành một nghị định về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Thúy bình luận thêm: có văn bản danh chính ngôn thuận như vậy thì đây là cơ sở , là “cây gậy” để giúp cho công tác quản lý nhà nước và đồng thời giúp cho người dân thực hiện hành vi của mình chuẩn mực nhất.
Nghị định 111 nêu rõ: Điều kiện công nhận ngày truyền thống khi có tài liệu lịch sử thể hiện ngày cụ thể đánh dấu bằng sự kiện đáng ghi nhớ cách thời điểm đề nghị công nhận ít nhất là 10 năm; có tính giáo dục truyền thống lịch sử và ý nghĩa đối với Bộ, ngành, địa phương. Việc công nhận phải qua bước thẩm định trước khi trình cơ quan có thẩm quyền công nhận. Hồ sơ, trình tự, thẩm quyền công nhận quy định cụ thể, chi tiết, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện. Đối với việc tổ chức kỷ niệm năm tròn ngày thành lập, ngày truyền thống, phải có kế hoạch tổ chức, trong đó xác định về thời gian, địa điểm, chương trình, thành phần đại biểu của lễ kỷ niệm. Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm năm tròn một trong các ngày: ngày thành lập, ngày tái lập, ngày truyền thống; không tặng quà và tổ chức chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm. Đối với việc kỷ niệm năm khác thì không tổ chức lễ kỷ niệm, chỉ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, thi đua ... |
Theo Toquoc.vn