Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nghệ nhân làm kimono Nhật Bản tìm cách bảo tồn nghề giữa bão COVID-19

21/08/2020 | 11:19

Mặc dù đại dịch COVID-19 đẩy ngành công nghiệp kimono của Nhật Bản chìm sâu hơn vào khủng hoảng, nhưng có những nghệ nhân vẫn kiên quyết bám trụ với nghề.

Reuters đăng tải, họa sỹ Nhật Bản Hiroko Takahashi đã phải đấu tranh với chủ nghĩa phân biệt giới tính và những nghi ngờ từ các nghệ nhân làm kimono truyền thống, trước khi thành công phát triển một thương hiệu toàn cầu với hàng trăm sản phẩm được tiêu thụ mỗi tháng. Tuy nhiên, thay đổi bất ngờ ập đến cùng với đại dịch COVID-19.

Takahashi đang nỗ lực tái tập hợp sản xuất bằng cách bán các mẫu khẩu trang thủ công được làm bằng vải may kimono. "Những thiết kế vải của tôi rất mạnh mẽ, vì vậy có những người phản đối việc mặc chúng như một trang phục toàn thân", nữ họa sỹ 42 tuổi nói. "Nhưng họ thích đeo chúng nếu là khẩu trang".

Nữ nghệ nhân làm kimono Nhật Bản tìm cách bảo tồn nghề giữa bão COVID-19 - Ảnh 1.

Nghệ sỹ Hiroko Takahashi đeo khẩu trang và đứng giữa các manequin mặc những bộ yukata (phiên bản đơn giản hơn của kimono) do cô thiết kế (ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, sản xuất khẩu trang là một mức độ rất khác biệt so với công việc kinh doanh ban đầu của Takahashi. Nổi tiếng với những mẫu vải ấn tượng, không phân biệt giới tính để may kimono và yukata (một loạt kimono đơn giản và ít lớp hơn), cô thường không chấp nhận những giới hạn đã tồn tại từ nhiều thế hệ trong thiết kế cũng như sử dụng loại trang phục biểu tượng này của Nhật Bản. Năm 2020, Takahashi từng tham gia một cuộc triển lãm tại Bảo tàng Victoria và Albert tại London. Cô cũng ký kết được một hợp đồng cung cấp yukata cho một khách sạn hạng sang sắp khánh thành trong bối cảnh Tokyo chuẩn bị cho Olympics 2020.

Thành công đến với Takahashi không hề dễ dàng. Khi mới bắt đầu, các thợ nhuộm vải truyền thống không mặn mà với các thiết kế của cô, thậm chí còn từ chối làm việc với Takahashi.

"Là một phụ nữ trẻ khiến bạn rất khó làm việc tại Nhật Bản", nữ họa sỹ chia sẻ.

Tuy nhiên, bằng sự kiên trì của mình, Takahashi đã dần tìm được khách hàng cho tới khi có thể bán dược 100 tới 200 chiếc yukata làm sẵn mỗi tháng – một thành tích đáng kể trong một ngành công nghiệp truyền thống mà doanh thu luôn liên tục sụt giảm tới mức hiện chỉ còn tương đương 16% so với năm 1981.

Nữ nghệ nhân làm kimono Nhật Bản tìm cách bảo tồn nghề giữa bão COVID-19 - Ảnh 2.

Cô Takahashi và thợ may kimono Kazumi Furuoya tại xưởng may Furuoya ở Tokyo (ảnh: Reuters)

Virus Corona mới khiến mọi thứ đảo lộn. Các trung tâm thương mại bị đóng cửa trong nhiều tuần, Thế vận hội Mùa hè bị hoãn cho tới năm sau và sự kiện khai trương khách sạn bị dừng lại. Trên toàn Nhật Bản, các lễ hội mùa hè và bắn pháo hoa – là dịp chủ yếu để người dân mặc yukata, đều bị hủy bỏ.

"Chúng tôi thực sự không có gì", Takahashi nói. "Tôi vẫn chưa làm được bất kỳ cái gì mới trong năm nay. Không thiết kế mới, không màu sắc mới".

Mặc dù Takahasi vẫn đang dạy học và có nguồn thu từ sản xuất khẩu trang bằng vải may kimono, tổng doanh thu của cô đã bị tổn hại nặng nề. Thông thường, các mẫu yukata do cô thiết kế có giá từ 60.000 yen (khoảng 566 USD) và từ 3 triệu yên đối với các mẫu kimono; nhưng giá của một chiếc khẩu trang lại chỉ từ 1.400 yen.

Nữ nghệ nhân làm kimono Nhật Bản tìm cách bảo tồn nghề giữa bão COVID-19 - Ảnh 3.

Các khẩu trang may từ vải kimono do Takahashi thiết kế (ảnh: CNN)

Đại dịch COVID-19 có thể khiến ngành công nghiệp kimono Nhật Bản rơi vào khủng hoảng sâu hơn nữa. Trước đó, những nghệ nhân tuổi cao – mỗi người sở hữu chuyên môn về một công đoạn khác nhau để làm nên một chiếc kimono hoàn thiện, vốn đã gần như không thể tưởng tượng được tương lai cho công việc của mình sẽ ra sao.

"Có rất nhiều người muốn ở lại với ngành, nhưng bởi vì virus và không có đủ việc để làm, họ quyết định ra đi", ông Kazumi Furuoya, 44 tuổi, một nghệ nhân may kimono đời thứ 3 và hiện đang sống tại khu Den-en-chofu của Tokyo nói.

Đời trước, xưởng may Furuoya từng vô cùng bận rộn mới có thể đáp ứng được số lượng đơn đặt may mỗi tháng.

Một cuộc khảo sát gần đây do công ty Aeru – chuyên quảng bá đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống Nhật Bản chỉ ra, nếu nhu cầu không được cải thiện, khoảng 40% nghệ nhân có thể sẽ phải bỏ việc vào cuối năm nay.

"Nếu một thợ chế tác vải không có thiết kế thì sẽ không có gì để nhuộm, và nếu thợ nhuộm bỏ việc chúng ta không thể may được kimono", cô Takahashi nói. "Nếu một người từ bỏ, tất cả chúng tôi sẽ phải làm điều tương tự".

Nữ nghệ nhân làm kimono Nhật Bản tìm cách bảo tồn nghề giữa bão COVID-19 - Ảnh 4.

Đích thân Takahashi tham gia may khẩu trang trong bối cảnh các đơn hàng kimono và yukata bị giảm sút nặng nề vì đại dịch COVID-19 (ảnh: CNN)

Ngay cả khi nhu cầu đặt hàng gia tăng trở lại, ảnh hưởng của đại dịch có thể sẽ còn kéo dài. Việc thiếu đơn đặt hàng sẽ khiến những thợ may mới sẽ không có nhiều cơ hội để luyện tập và trau dồi tay nghề.

"Kimono là một phần trong văn hóa Nhật Bản và chừng nào vẫn còn các nghệ nhân thì tôi muốn làm việc với họ để duy trì mọi thứ phát triển – bởi vì một khi nó biến mất, việc đem truyền thống quay trở lại là điều thực sự khó khăn", Takahashi chia sẻ. "Tôi không biết mình có bao nhiêu sức mạnh, nhưng nếu tôi có thể cống hiến cho dù chỉ một chút vào quá trình này, đó cũng là một điều tốt".

Tính tới hôm thứ 5 (20/8), Nhật Bản đã xác nhận hơn 60.000 ca dương tính với COVID-19. Tình trạng lây nhiễm tiếp tục gia tăng tại Thủ đô Tokyo cũng như các khu vực thành thị khác và vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Có ít nhất 1.170 người thiệt mạng vì virus./.

Minh Đức

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×