Nghệ An: Tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch phân khu xây dựng Quần thể Văn hoá tâm linh Đền Cuông
08/11/2018 | 14:53Ngày 7/11, UBND tỉnh Nghệ An đã có buổi làm việc với UBND huyện Diễn Châu và các Sở, ngành, đơn vị có liên quan về việc cho ý kiến vào Quy hoạch phân khu xây dựng Quần thể Văn hoá tâm linh Đền Cuông.
Đền Cuông. Nguồn: Tổng cục Du lịch
Nguồn tin từ Cổng Thông tin điện tử tỉnh Nghệ An cho biết, tại buổi làm việc, lãnh đạo các ngành, đơn vị đề nghị UBND huyện Diễn Châu và đơn vị tư vấn nghiên cứu điều chỉnh một số hạng mục cho phù hợp với tín ngưỡng và yếu tố lịch sử gắn với di tích; chú ý cách tổ chức không gian Quy hoạch; bố trí hợp lý các khu chức năng… Đồng thời cần phải tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các nhà văn hoá.
Đền Cuông là di tích lịch sử cấp quốc gia. Quần thể di tích này được xây dựng và tu sửa nhiều lần với quy mô nhỏ và tổng khu có khoảng 10 hạng mục công trình. Theo Quy hoạch phân khu xây dựng Quần thể Văn hoá tâm linh Đền Cuông, tổng diện tích xây dựng là khoảng 130ha, được chia thành 3 khu chính: Văn hoá, Phật giáo, Lịch sử. Việc quy hoạch nhằm phát huy những giá trị lịch sử - văn hoá của khu tâm linh Đền Cuông, hướng tới xây dựng quần thể văn hoá tâm linh Đền Cuông thành khu du lịch cấp tỉnh.
Trong thời gian tới, các ngành, đơn vị có liên quan tại Nghệ An sẽ tiếp tục cho ý kiến về Quy hoạch phân khu xây dựng Quần thể Văn hoá tâm linh Đền Cuông để hoàn thành Quy hoạch một cách bài bản, khoa học, đảm bảo giữ được không gian và tôn vinh giá trị lịch sử của Đền.
Trước đó, Quy hoạch Quần thể văn hóa tâm linh Đền Cuông đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho ý kiến bằng văn bản. Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý: Cần tách bạch phạm vi khu vực bảo vệ di tích đền Cuông với phạm vi Quy hoạch để việc tổ chức thực hiện Quy hoạch theo đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, việc tổ chức mặt bằng, hình thức kiến trúc, hệ thống hạ tầng và những vấn đề kỹ thuật liên quan cần phù hợp với cảnh quan xung quanh, tôn trọng địa hình tự nhiên, hạn chế tối đa san gạt, đặc biệt chú ý đến địa thế và hướng của công trình trong mối tương quan với di tích đền Cuông. Ngoài ra, nghiên cứu bố trí các công trình xây dựng mới tại sườn núi phía Tây và phía Nam để việc xây dựng không ảnh hưởng tới giá trị lịch sử của di tích đền Cuông và cảnh quan, địa thế của đền đối với núi Mộ Dạ./.
Thanh Thủy (t/h)