Nghệ An tích cực triển khai các giải pháp hướng đến thực hiện hiệu quả Kết luận 70-KL/TW
08/07/2024 | 15:34Trong những năm qua, cùng với các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, công tác TDTT luôn được các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An quan tâm, chú trọng. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng để TDTT Nghệ An tiếp tục phát triển, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới hiện nay như yêu cầu đặt ra trong Kết luận 70-KL/TW của Bộ Chính trị.
Chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất
Đến nay, toàn tỉnh Nghệ An có 36,8% dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên và 25,7% số hộ gia đình tập luyện TDTTT; 100% trường học đảm bảo chương trình giáo dục thể chất và hoạt động TDTT. Toàn tỉnh có trên 1.000 CLB và điểm tập luyện TDTT đơn môn, đa môn và hoạt động thường xuyên. Đây là những con số cho thấy công tác TDTT của Nghệ An đã, đang từng bước có nhiều chuyển biến tích cực.
Để có được kết quả trên, các cấp chính quyền tỉnh đã không ngừng đầu tư về cơ sở vật chất. Trong đó, các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở được quan tâm chú trọng. Theo thống kê, ở cấp huyện, 21/21 huyện thành thị đã quy hoạch đất thiết chế văn hoá, thể thao cấp huyện; 20/21 huyện, thành, thị có trung tâm Văn hóa - Thể thao; có 18/21 sân vận động huyện (đến nay có 3 huyện, thành phố chưa có sân vận động cấp huyện gồm Quỳ Châu, Kỳ Sơn, thành phố Vinh); 8/21 huyện, thành, thị có nhà thi đấu do huyện quản lý và có 77 nhà thi đấu một môn, nhiều môn do các ngành, đơn vị trên địa bàn huyện quản lý.
Ở cấp xã, số xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa – thể thao là 446/460, đạt 97,1%; số xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa, thể thao đạt quy định của Bộ VHTTDL là 339/460, đạt 73,5%.
Đối với thôn (bản, khối, xóm), số thôn có nhà văn hóa - sân thể thao là 3.751/3.800 thôn, đạt 98,7%; số thôn có thiết chế văn hóa- sân thể thao đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch là 2.839/3.800 thôn, bản, khối, xóm (đạt 74,5%); số thôn sau sáp nhập được quy hoạch đất cơ sở văn hóa theo quy định là 1.675/1.790 thôn (đạt 93,5%).
Việc khai thác, sử dụng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao sao cho hiệu quả luôn là một trong những nhiệm vụ được đặt ra đối với các cấp chính quyền, nhất là ở cơ sở. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Nghệ An đã ban hành các Quyết định về chính sách hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở (Quyết định số: 08/2021/QĐ-UBND quy định về nguyên tắc, tiêu chí hỗ trợ và thứ tự ưu tiên xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến 2025) đã tạo đòn bẩy cho các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở phát triển mạnh. Nhờ đó, góp phần tạo đà cho công tác TDTT phát triển mạnh cả về bề rộng lẫn chiều sâu.
Cùng với đầu tư về cơ sở vật chất, Nghệ An cũng chú trọng khuyến khích các loại hình kinh doanh dịch vụ TDTT. Trong đó, chú trọng phát triển, nhân rộng các mô hình CLB TDTT từ phong trào đến chuyên nghiệp, nhất là ở những môn thể thao phát triển mạnh, điển hình như Bóng đá. Trong những năm qua, Nghệ An được biết đến là một trong những trung tâm đào tạo bóng đá trẻ có thành tích tốt nhất trên cả nước. Trong đó, CLB Bóng đá Sông Lam đã trở thành niềm tự hào của người dân Xứ nghệ.
Hiện nay, riêng môn Bóng đá, Nghệ An đào tạo theo các tuyến từ U11 đến U19, cùng với hệ thống sân bãi được đầu tư (gồm 496 sân bóng đá, 01 sân vận động cấp tỉnh và 495 cấp huyện, xã; 1150 Câu lạc bộ bóng đá, hơn 100 nghìn người tập luyện thường xuyên môn bóng đá, 1800 sân tập thể thao các loại) và đặc biệt, Nghệ An đã triển khai thực hiện việc đưa môn Bóng đá vào tập luyện và thi đấu trong trường học (đã có 886/1090 trường học đã đưa môn bóng đá vào tập luyện và thi đấu trong nhà trường)... qua đó đã tạo được phong trào rộng khắp và có sức hút đối với đông đảo giới trẻ, nhất là thanh niên, học sinh, sinh viên.
Bên cạnh đó, công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học cũng được triển khai thực hiện có nề nếp, đảm bảo 100% trường học trên địa bàn tỉnh bảo giảng dạy môn giáo dục thể chất theo đúng quy định.
Phong trào TDTT quần chúng phát triển đã tạo đà cho thể thao thành tích cao của tỉnh có nhiều khởi sắc và từng bước khẳng định vị thế trên bình diện quốc gia và quốc tế. Hàng năm, Nghệ An tham gia hàng chục giải thể thao cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, đạt hàng trăm huy chương các loại. Trung bình, mỗi năm Nghệ An đào tạo trên 500 VĐV các tuyến ở 19 môn thể thao thế mạnh. Ngoài các giải đấu quốc gia, hàng năm các đội tuyển thể thao của tỉnh cũng tham gia hàng chục giải thể thao quốc tế, khu vực và giành nhiều thành tích cao. Trong đó phải kể đến những VĐV tiêu biểu như: Nguyễn Trọng Dũng (2 HCV tại Giải vô địch lặn châu Á 2023, 2 HCV tại SEA Games 32); Nguyễn Viết Ngọc Hiệp (HCV môn Karatedo SEA Games 32), Trần Thị Lan (HCV giải vô địch Taekwondo Đông Nam Á), Nguyễn Thị Tú Anh (2 HCV giải vô địch lặn trẻ Châu Á), Lê Thị Tuyết Mai (4 HCV Giải điền kinh trẻ Đông Nam Á), gần đây nhất có Mạc Thị Thanh Thủy (2 HCV giải Canoeing châu Á 2024)…
Đẩy mạnh phát triển TDTT theo kết luận 70-KL/TW
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, ngành TDTT Nghệ An tiếp tục chú trọng cơ chế, chính sách đầu tư phát triển thiết chế, cơ sở hạ tầng… Đặc biệt, tập trung phát triển thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao, hoàn thiện hệ thống phát hiện, đào tạo VĐV, thi đấu thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao trình độ quốc gia, quốc tế, nhất là các môn thể thao Olympic trọng điểm. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ đặt ra trong Kết luận 70-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới.
Thể thao Nghệ An xác định các nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đó là: Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong các cấp, các ngành và nhân dân về vị trí, vai trò, tác dụng của TDTT trong đời sống xã hội, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc góp phần xây dựng nền văn hóa mới, con người mới có tri thức, kiến thức, đạo đức, thể lực, sức khỏe, ý chí, bản lĩnh đủ khả năng tiếp nhận hoàn thành nhiệm vụ mới trong giai đoạn cách mạng mới;
Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể tgheo gương bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với các tiêu chí, mục tiêu, nội dung và phương thức tổ chức mới phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, môi trường, lứa tuổi, giới tính,….
Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng tham mưu, xây dựng cơ chế chính sách, chương trình biện pháp thực hiện phát triển TDTT gắn với phát triển kinh tế xã hội. Tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức làm công tác thể thao từ Sở đến các đơn vị trực thuộc; Nâng cao chất lượng đào cũng như trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ HLV, VĐV, hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT các cấp.
Tiếp tục bám sát chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm vụ Bộ VHTTDL, chỉ tiêu Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh giao….gắn với triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án về TDTT.
Tranh thủ sự hỗ trợ của các ngành, đoàn thể các cấp và toàn xã hội trong công tác phát triển TDTT nhằm tạo môi trường đầu tư, thu hút đầu tư xã hội hóa, thu hút các nguồn lực trong xây dựng, phát triển TDTT. Hoàn thành Đề án "Phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Quan tâm củng cố và hoàn thiện tổ chức bộ máy những người làm công tác TDTT trên địa bàn từ tỉnh đến cơ sở giỏi về chuyên môn, đủ về số lượng, có đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu trước mắt, lâu dài của phong trào chung và nhiệm vụ chính trị của ngành trong thời kỳ đổi mới, tạo thế và lực để Thể thao Nghệ An tiếp tục phát triển nhanh, mạnh, vững chắc; đạt được vị thế xứng đáng trong nước, vươn tầm ra thế giới; xứng với tiềm năng, thế mạnh truyền thống của quê hương.
Với sự đồng bộ, quyết liệt cùng sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, thể thao nghệ An nói chung, thể thao thành tích cao nói riêng hứa hẹn sẽ ngày càng phát triển, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Nghệ An trở thành trung tâm phụ trợ huấn luyện nâng cao thành tích thể thao của quốc gia.