Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nghệ An: Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng lợi thế, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững

08/03/2023 | 08:00

UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 133/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025.

Nghệ An: Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng lợi thế, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững - Ảnh 1.

Phấn đấu đến năm 2025 có thêm 10 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề

Việc ban hành Kế hoạch là nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái cảnh quan của khu vực nông thôn tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững. Tăng cường thu hút các nguồn lực, nhất là phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng, thúc đẩy sự tham gia tích cực và chủ động của doanh nghiệp cho đầu tư phát triển du lịch nông thôn tại Nghệ An để xây dựng, phát triển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ về lĩnh vực du lịch có lợi thế của tỉnh, tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân.

UBND tỉnh yêu cầu việc triển khai kế hoạch phải bám sát nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh. Khai thác, làm nổi bật những đặc trưng riêng về du lịch ở nông thôn trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh. 

Mục tiêu chung là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông - lâm - ngư nghiệp, môi trường sinh thái nông thôn của tỉnh nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và xây dựng NTM bền vững. 

Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; có 7 - 10 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của tỉnh; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Phấn đấu có 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn có ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Phấn đấu có 70% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch. 

Nâng cấp, đầu tư phát triển các điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM

Để đạt được mục tiêu trên, các cơ quan, đơn vị thực hiện 06 nhiệm vụ và giải pháp gồm: Tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng phát triển du lịch nông thôn, nguồn nhân lực du lịch nông thôn; lựa chọn, hỗ trợ phát triển điểm du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về quản lý và phát triển hoạt động du lịch nông thôn; tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn; rà soát, bổ sung các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, phát triển du lịch nông thôn; huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn.

Cụ thể, tổ chức điều tra, thu thập thông tin, số liệu về tài nguyên, thị trường du lịch nông thôn trong tỉnh để phân tích, đánh giá hiện trạng và định hướng phát triển du lịch nông thôn của tỉnh. Rà soát, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực du lịch nông thôn và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của các hộ, cộng đồng kinh doanh du lịch nông thôn. Nâng cấp, đầu tư phát triển các điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, đảm bảo kết nối với các tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh. Thiết kế, cải tạo cảnh quan kiến trúc và môi trường trong toàn bộ không gian điểm du lịch để vừa bảo tồn bản sắc truyền thống vừa đảm bảo điều kiện vệ sinh, thuận tiện, sinh thái; tiết kiệm đầu tư thông qua việc sử dụng các nguyên liệu tại chỗ, thân thiện với môi trường. Thí điểm xây dựng các điểm du lịch nông thôn.

Đồng thời, tăng cường nâng cao năng lực nghiệp vụ, kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, kiến thức làm du lịch cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch nông thôn, xây dựng văn hóa du lịch chuyên nghiệp, thân thiện, an toàn và văn minh. Tổ chức các lớp tập huấn, các khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ năng nghề và kỹ năng mềm phục vụ du lịch; tổ chức tham quan khảo sát học hỏi kinh nghiệm về phát triển mô hình du lịch nông thôn ở các tỉnh trong nước. Thực hiện các hoạt động tuyên truyền, quảng bá điểm du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn dưới nhiều hình thức. Tổ chức các lễ hội, hoạt động kết nối du lịch; truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn tại các hội chợ, triển lãm.

Các cơ quan, đơn vị đề xuất, hoàn thiện, bổ sung và ban hành cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, phát triển du lịch nông thôn. Hướng dẫn thực hiện việc công nhận khu, điểm du lịch nông thôn. Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội và các nguồn hợp pháp khác cho phát triển du lịch nông thôn. Ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách nhà nước cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch tại khu vực nông thôn phù hợp với định hướng thị trường. Khuyến khích, kêu gọi các sáng kiến, ý tưởng, dự án, mô hình khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ gắn với du lịch nông thôn; các giải pháp kết nối thị trường, marketing hiệu quả cho du lịch nông thôn.

UBND tỉnh yêu cầu Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thị, thành, UBND các xã có liên quan phối hợp với Sở Du lịch tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho người dân về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; tuyên truyền, quảng bá du lịch nông thôn thông qua các chương trình kết nối nông sản; theo dõi, giám sát, tổng hợp và định kỳ báo cáo việc triển khai thực hiện kế hoạch.

Các Sở, ngành cấp tỉnh, đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp của chương trình gắn với lĩnh vực phụ trách của ngành. UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch phát triển du lịch nông thôn phù hợp với định hướng xây dựng NTM trên địa bàn và các quy hoạch liên quan; phối hợp với các sở ngành thực hiện các nội dung tại kế hoạch.

Theo nghean.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×