Nghệ An: Công nhận điểm du lịch "Di tích Quốc gia đặc biệt Km 0" đường Trường Sơn huyền thoại
15/05/2019 | 09:37UBND tỉnh Nghệ An vừa ra Quyết định công nhận điểm du lịch "Di tích Quốc gia đặc biệt Km số 0 - Đường Hồ Chí Minh, Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An".
Theo đó, ngày 6/5/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định Công nhận Điểm du lịch "Di tích Quốc gia đặc biệt Km 0 - Đường Hồ Chí Minh, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An".
Đồng thời, UBND tỉnh Nghệ An giao cho UBND huyện Tân Kỳ có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan bảo vệ, giữ gìn và phát triển tài nguyên du lịch.
Di tích lịch sử Quốc gia mốc KM số 0
Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi và an toàn cho du khách đến tham quan, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, sự tham gia của cộng đồng dân cư vào các hoạt động du lịch; điều kiện thuận lợi cho việc tham gia giao thông của các phương tiện vận chuyển khách tham quan, du lịch.
Cột mốc số 0 được xây dựng lại khang trang hơn
Ban hành quy chế, nội quy quản lý và khai thác, xây dựng nội dung thuyết minh, các ấn phẩm quảng bá, giới thiệu nhằm phát huy giá trị điểm du lịch "Di tích Quốc gia đặc biệt Km 0 - Đường Hồ Chí Minh" .
Yêu cầu Sở Du lịch hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát UBND huyện Tân Kỳ thực hiện nội dung tại Quyết định này và thực hiện chức năng quản lý nhà nước về du lịch đối với điểm du lịch quan trọng này.
Điểm lại lịch sử, tháng 9/1964, dưới chân núi Dong, thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ (Nghệ An), những nhát cuốc đầu tiên được bổ xuống đã đặt cột mốc "Km số 0" cho con đường Trường Sơn huyền thoại. Từ đây, hàng triệu tấn vũ khí, xăng dầu, lương thực... được chuyển vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Trước yêu cầu cấp bách của lịch sử, ngày 19/5/1959, Bộ Chính trị và Quân ủy T.Ư quyết định tổ chức tuyến vận tải quân sự dọc Trường Sơn, mang tên gọi đường Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ của con đường là phục vụ việc vận chuyển hàng quân sự chi viện miền Nam và tổ chức đưa, đón cán bộ, bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam và ngược lại. Thượng tá Võ Bẩm, quê ở huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), nguyên Cục phó Cục Nông trường là một trong những người được cấp trên giao nhiệm vụ tổ chức "Đoàn công tác quân sự đặc biệt" làm nhiệm vụ mở đường. Ngày 9/9/1964, trên một bãi đất hẹp dưới chân núi Dong ở ngã ba thị trấn Lạt, bên dòng sông Con thuộc huyện Tân Kỳ, Trung đoàn 98 công binh đã bổ nhát cuốc đầu tiên tại điểm xuất phát "Km số 0" đường Hồ Chí Minh. Tại đây, những người mở đường đã dùng một cây gỗ lớn và khắc thành cột mốc "Km (cây) số 0" để xác lập điểm khởi đầu của con đường huyền thoại. Tiếp nối là hàng chục nghìn công binh, thanh niên xung phong (TNXP), nhân dân các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình tập trung làm đoạn đường Hồ Chí Minh qua địa bàn các tỉnh Bắc Trung Bộ. Kỳ tích đào đắp hàng chục nghìn mét khối đất đá, khôi phục cầu cống, đồng thời, tổ chức bảo vệ tuyến đường, trực tiếp bắn rơi nhiều máy bay và bắt nhiều giặc lái đã được lập nên. Thị trấn Lạt trở thành nơi tập kết để cán bộ, chiến sĩ và hậu cần, vũ khí chuẩn bị vào miền Nam. Đến ngày 27/11/1972, cán bộ chiến sĩ Đoàn 559 khởi công xây dựng tuyến đường cơ giới Đông Trường Sơn, từ Km số 0 nối đến tận Lộc Ninh (Bình Phước) là tuyến mạch máu cung cấp hậu cần, góp phần để quân và dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đường mòn Hồ Chí Minh không chỉ có vai trò quan trọng trong chiến tranh mà ngày nay còn có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội… Và năm 1989, đường mòn Hồ Chí Minh được xây dựng lại theo tiêu chuẩn quốc gia và gắn với con đường huyền thoại này là cột mốc số 0. Ngày 27/4/1990, Km 0 được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Sau một thời gian dài với nhiều sự thay đổi, cột mốc số 0 được xây dựng, sửa sang lại uy nghi, bề thế. Khuôn viên Km 0 có diện tích 600m2, có nhà truyền thống trưng bày các hiện vật của thời chiến tranh, là nơi phục vụ nhân dân cũng như du khách trong và ngoài nước tham quan, tìm hiểu…