Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nghệ An chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

21/02/2024 | 10:45

Những năm qua, việc bảo tồn, trùng tu các di tích và việc khôi phục các di sản văn hóa phi vật thể đã và đang được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cùng Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An hết sức quan tâm.

Lưu giữ mạch nguồn văn hóa dân tộc

Nghệ An là một vùng đất có bề dày lịch sử, từng là đất “phên dậu”, “trọng trấn” của quốc gia và cũng là nơi dừng chân, chung sống của 6 dân tộc anh em Kinh, Thái, Thổ, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu. Dấu ấn di sản văn hóa trên đất Nghệ An vì thế được bộc lộ rõ nét, phản ánh lịch sử hình thành và phát triển lâu đời của vùng văn hóa xứ Nghệ, vô cùng đa dạng, phong phú.

Về di sản văn hóa vật thể, hiện nay, địa bàn tỉnh Nghệ An có 2.602 di tích, danh thắng, trong đó có 492 di tích đã được xếp hạng, gồm 6 di tích quốc gia đặc biệt, 145 di tích quốc gia và 341 di tích cấp tỉnh.

Hệ thống di tích ở Nghệ An đủ các loại hình: Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ học và danh lam thắng cảnh; trong đó, các di chỉ khảo cổ học trải dài liên tục từ thời đại đồ đá, đồ đồng, đồ sắt (di chỉ Thẩm Ồm, Làng Vạc, Đồng Trương, Đồng Mõm...).

Bên cạnh đó là kho tàng các di tích lịch sử với tín ngưỡng, tôn giáo (đình, đền, chùa, miếu, lăng mộ, nhà thờ họ...), có giá trị rất đặc sắc về kiến trúc nghệ thuật như đình Hoành Sơn, đình Trung Cần (Nam Đàn), đình Sừng (Yên Thành); hệ thống đền thờ như đền Cờn (Quỳnh Lưu), đền Quả Sơn (Đô Lương), đền Bạch Mã (Thanh Chương), đền Vua Mai (Nam Đàn), đền Cuông (Diễn Châu), đền Đức Hoàng (Yên Thành)...

Một loại hình di tích rất tiêu biểu, đặc trưng cho vùng đất địa linh nhân kiệt giàu truyền thống văn hóa và cách mạng là hệ thống di tích lưu niệm về các lãnh tụ, danh nhân như Khu lưu niệm Phan Bội Châu (Nam Đàn), Khu lưu niệm Lê Hồng Phong (Hưng Nguyên), Khu lưu niệm Phan Đăng Lưu (Yên Thành)...; đặc biệt là Khu Di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nam Đàn và hệ thống di tích trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Kết nối chặt chẽ với các di sản văn hóa vật thể là hệ thống di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc. Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện kiểm kê được 463 di sản thuộc các loại hình lễ hội, trình diễn dân gian, phong tục tập quán, trí thức dân gian…

Nghệ An chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa - Ảnh 3.

Nghi thức chạy ói tại Lễ hội Đền Cờn. Ảnh: Thành Cường.

Trong số này, có 9 di sản đã được đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 1 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Năm 2023 vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao đã có nhiều hoạt động tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Đối với di sản văn hóa vật thể, công tác lập hồ sơ xếp hạng, phục hồi, tôn tạo, tu bổ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa di tích thường xuyên được quan tâm và đạt được kết quả quan trọng. Trong năm, đã hoàn thành thủ tục xếp hạng 15 di tích, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt (đền Vua Mai), 2 di tích quốc gia (đền Chín Gian và đền Hào Kiệt) cùng 12 di tích cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, đã tổ chức tu bổ, tôn tạo cấp thiết từ nguồn ngân sách tỉnh 13 di tích; tu bổ, tôn tạo theo chương trình mục tiêu quốc gia 3 di tích; tu bổ, tôn tạo theo Nghị quyết 284 di tích. Ngoài ra, đã chỉ đạo hướng dẫn tổ chức lễ đón bằng xếp hạng 11 di tích; hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao về kiểm kê cổ vật, di vật.

Cũng trong năm 2023, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu tổ chức lễ khởi công Dự án Khu du lịch văn hóa thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Dự án Thác 9 tầng tại khu vực mộ Bà Hoàng Thị Loan huyện Nam Đàn. Triển khai thực hiện các dự án: Bảo tồn tôn tạo Di tích đình Hoành Sơn, Khu lưu niệm Phan Bội Châu; Nâng cấp, chỉnh lý trưng bày Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc miền Tây Nghệ An; Tu bổ tôn tạo nhà cụ Vi Văn Khang; Chuyển đổi số tại bảo tàng…

Nghệ An chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa - Ảnh 4.

Phối cảnh toàn cảnh Dự án Khu du lịch văn hóa thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên.

Về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao đã chủ trì, phối hợp với các địa phương và các đơn vị của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức thành công Lễ hội Làng Sen kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023) và Festival dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc.

Bên cạnh đó, đã trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với Lễ hội Đền Yên Lương (thị xã Cửa Lò) và Lễ hội Thập niên sự Lễ (huyện Đô Lương); hỗ trợ hoạt động cho 152 CLB dân ca ví, giặm, trong đó có 44 CLB dân ca ví, giặm mới thành lập và 108 CLB dân ca ví, giặm hoạt động thường xuyên; chỉ đạo hướng dẫn phần nghi lễ cho 22 lễ hội truyền thống…

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, cho biết: “Thời gian tới, trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, sở sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục đầu tư tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử của Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên trở thành địa chỉ đặc biệt giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng xứng tầm với giá trị di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tham mưu xây dựng Đề án bảo tồn, phát huy giá trị dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh giai đoạn 2025-2030 trình Chính phủ phê duyệt; tham mưu UBND tỉnh triển khai đẩy mạnh thực hiện các nội dung Nghị quyết 28/2022/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh”…

Trong năm 2024, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ phối hợp tổ chức tốt các hoạt động: Phối hợp tỉnh Hà Tĩnh tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh; phối hợp Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Triển lãm “Không gian di sản văn hóa Việt Nam năm 2024” tại thành phố Vinh…

- Bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An

Theo Báo Nghệ An

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×