Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đạt được những kết quả toàn diện trong năm 2019
25/01/2020 | 09:12Nhân dịp bước sang năm mới 2020, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Ngọc Thiện đã dành thời gian để chia sẻ với phóng viên về những kết quả đạt được của ngành trong năm qua.
PV: Thưa Bộ trưởng, nhìn lại các kết quả đạt được trong một năm qua của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng ấn tượng với những thành tích nào nhất?
- Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Nhìn lại một năm vừa qua, có thể thấy ngành VHTTDL đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện dự các hoạt động liên quan đến lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ảnh: Nam Nguyễn, Tiến Tuấn, Việt Hùng, Thế Công
Một trong những thành tích nổi bật trong năm nay là chiến công của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 30 diễn ra tại Philippines. Toàn đoàn đã giành được 98 huy chương vàng ở tất cả các bộ môn, xếp thứ 2 tại SEA Games 30, vượt xa mục tiêu mà chúng ta đặt ra trước khi lên đường tham dự kỳ Đại hội thể thao này.
Đặc biệt, sau hàng chục năm chờ đợi, Đội tuyển bóng đá U22 Việt Nam đã thi đấu quả cảm, xuất sắc vượt qua các đối thủ mạnh để mang về tấm huy chương vàng lịch sử. Cùng với đó, Đội tuyển bóng đá nữ cũng lần thứ 6 giành huy chương vàng tại SEA Games. Với thành tích của môn thể thao vua, người hâm mộ đã trải qua những phút thi đấu nghẹt thở, được sống trong không khí của một lễ hội bóng đá thực sự với những cảm xúc thiêng liêng, trong niềm vui sướng, hân hoan, tự hào về Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Du lịch Việt Nam trong năm qua cũng đạt được nhiều thành tích ấn tượng. Tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards -WTA) lần thứ 26 dành cho khu vực châu Á và châu Đại Dương, Việt Nam đã được tôn vinh tại 4 hạng mục: Điểm đến hàng đầu châu Á 2019; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á; Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á; Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á: Hội An.
Bên cạnh đó, công tác hoàn thiện thể chế tiếp tục được quan tâm. Tại kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Thư viện với số đại biểu tán thành chiếm 91,51%. Như vậy, trong 3 năm liên tiếp, Quốc hội đã thông qua 3 dự luật quan trọng do Bộ VHTTDL soạn thảo.
Ở lĩnh vực văn hóa, công tác quản lý lễ hội ngày một nề nếp hơn, các biểu hiện thương mại hóa lễ hội, lợi dụng lễ hội để trục lợi đã giảm. Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cũng đang có những chuyển biến tích cực, việc thực hiện các giải pháp về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện được triển khai sâu rộng ở cơ sở, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa có nhiều đổi mới, tạo sự lan tỏa, thẩm thấu vào các mặt của đời sống xã hội.
Công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, ý thức tự hào và tôn vinh bản sắc văn hóa của dân tộc, tính cố kết cộng đồng, đồng thời ngăn chặn nguy cơ mai một, thất truyền của các di sản văn hóa.
Mới đây nhất, di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Như vậy, tính đến nay, Việt Nam đã có 13 di sản văn hoá phi vật thể được Tổ chức UNESCO ghi danh. Điều này chứng minh sự giàu có và phong phú của di sản văn hoá dân tộc, cũng như thể hiện sự chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực quan trọng này.
PV: Về lĩnh vực văn hóa, năm 2019 là dấu mốc ngành VHTTDL nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Theo Bộ trưởng, qua 5 năm thực hiện, Nghị quyết số 33 đã có tác động như thế nào đến ngành VHTTDL?
- Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tư tưởng, đạo đức và lối sống - lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có những chuyển biến tích cực. Hệ thống pháp luật Ngành được tiếp tục hoàn thiện, tác động sâu rộng đến đời sống của nhân dân, tích cực thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa, ghi nhận và cụ thể hóa các quyền và nghĩa vụ của nhân dân về văn hóa.
Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa được hình thành, sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật phong phú, đa dạng và chất lượng, nhiều phong trào hoạt động văn hóa đạt được kết quả tốt, phát huy được truyền thống văn hóa, gia đình, cộng đồng.
Công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa nghệ thuật được mở rộng, góp phần huy động thêm nguồn lực xây dựng các thiết chế văn hóa; nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được bảo tồn, tôn tạo và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại; nhiều phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được nghiên cứu, sưu tầm kỹ lưỡng…
Hoạt động hợp tác quốc tế về văn hoá, thể thao và du lịch được tổ chức sôi nổi, trở thành một trong những kênh quan trọng trong công tác đối ngoại của Nhà nước. Các hoạt động văn hóa đối ngoại nhằm giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, văn hóa nghệ thuật các dân tộc Việt Nam ra thế giới, đồng thời tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc để bắt kịp xu thế của thời đại được tổ chức liên tục.
Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 21/6/2019 vừa qua, các đại biểu đã bàn thảo để đưa ra các giải pháp quan trọng giúp Bộ VHTTDL kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ tháo gỡ vướng mắc giúp Ngành thực hiện thắng lợi Nghị quyết trong những năm tới.
Cụ thể đó là: Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong đổi mới và phát triển bền vững; hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người dân.
PV: Một trong những điểm sáng về công tác quản lý nhà nước của lĩnh vực văn hóa năm 2019 đó là tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua Luật Thư viện. Theo Bộ trưởng, Luật Thư viện ra đời được kỳ vọng sẽ tác động như thế nào đối với hoạt động thư viện và Bộ VHTTDL sẽ triển khai các giải pháp gì để Luật sớm đi vào thực tiễn cuộc sống?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Một trong những dấu ấn nổi bật của ngành VHTTDL đó là công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Luật Thư viện đã được thông qua với số đại biểu tán thành chiếm 91,51%.
Đây là một Luật Thư viện có ý nghĩa lớn, mang kỳ vọng tác động tích cực vào chiến lược phát triển văn hóa đọc. Mục đích quan trọng nhất của Luật Thư viện nhằm khuyến khích cho sự phát triển của thư viện, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư, đóng góp trí tuệ, công sức xây dựng thư viện.
Có thể thấy rằng, Luật Thư viện ra đời đã tạo được hành lang pháp lý và điều kiện, căn cứ để cụ thể hóa những chính sách cho các thư viện phát triển theo hướng phù hợp chung của thế giới, hoạt động thư viện đáp ứng được nhu cầu rất phong phú, đa dạng và luôn thay đổi của người đọc trong bối cảnh xã hội đang có những phát triển rất nhanh.
Cùng với đó, Luật sẽ là căn cứ pháp lý cho các địa phương dựa vào đó để tăng cường sự đầu tư trong lĩnh vực thư viện. Trong bối cảnh hiện nay, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tôi tin rằng sau khi Luật Thư viện ra đời sẽ giúp cho hoạt động đầu tư thư viện được quan tâm hơn.
Từ 01/07/2020, Luật Thư viện sẽ chính thức có hiệu lực. Để Luật Thư viện sớm đi vào cuộc sống, Bộ sẽ tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu về nội dung của Luật này. Cùng với đó, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định và ban hành các Thông tư hướng dẫn để thực hiện Luật Thư viện.
PV: Phát huy những kết quả đạt được những năm vừa qua, Du lịch Việt Nam trong năm 2019 tiếp tục gặt hái nhiều thành công ngoài mong đợi. Năm 2019 ngành Du lịch đã đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế với mức tăng trưởng 15%, hoàn thành mục tiêu Chính phủ đề ra. Bộ trưởng có thể chia sẻ về những kết quả nổi bật trong năm vừa qua của ngành Du lịch?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards -WTA) lần thứ 26 dành cho khu vực châu Á và châu Đại Dương, Việt Nam đã được tôn vinh tại nhiều hạng mục đó là: Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới năm 2019 và và Điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019; Điểm đến hàng đầu châu Á 2019; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á; Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á; Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á: Hội An.
Đây là năm thứ hai liên tiếp Du lịch Việt Nam đạt được danh hiệu "Điểm đến hàng đầu châu Á" và là lần đầu tiên ẩm thực Việt Nam được giải thưởng uy tín "Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019".
Việc Việt Nam được đề cử và nhận được giải thưởng trong nhiều hạng mục cho thấy sức hấp dẫn của Du lịch Việt Nam ngày một lan tỏa rộng rãi trên bản đồ du lịch thế giới; chất lượng, thương hiệu điểm đến Du lịch Việt Nam ngày càng được khẳng định.
Theo đánh giá của các tổ chức thế giới, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ du lịch tăng trưởng cao nhất thế giới, đóng góp 8,4% GDP. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong những năm qua liên tục được cải thiện, trong hai lần xếp hạng đã tăng lên được 12 bậc, hiện nay đứng thứ 63/140 nước.
Chỉ tính riêng tháng 11/2019, Việt Nam đón 1,81 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là lượng khách cao kỷ lục của một tháng, gấp 1,5 lần so với tháng 11/2017, gấp 2 lần so với tháng 11/2016 và gấp 2,5 lần so với tháng 11/2015. Trong năm 2019, Du lịch Việt Nam đạt khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế, đạt mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra. Đây là kết quả rất tích cực trong bối cảnh khó khăn chung của du lịch thế giới năm 2019.
Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thời gian tới, ngành xác định tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục đổi mới nhận thức phát triển du lịch là ngành kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực mang tính xã hội hóa cao; tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch, phối hợp công – tư, giữa trung ương và địa phương, ứng dụng công nghệ và đặc biệt là tăng nguồn kinh phí cho hai chương trình du lịch hiện đang rất thấp.
Bên cạnh đó, nâng cao mức độ ưu tiên cho ngành du lịch về nguồn lực tài chính, cải thiện hiệu quả xúc tiến du lịch. Cải thiện hạ tầng dịch vụ du lịch, hạ tầng hàng không, hạ tầng mặt đất và cảng cũng như nâng cao sức hấp dẫn của tài nguyên văn hóa và tài nguyên tự nhiên.
Đồng thời, chú trọng phát triển nguồn nhân lực tập trung đào tạo kỹ năng nghề cho lao động du lịch, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đa dạng hóa thị trường du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đẩy mạnh liên kết du lịch và xã hội hóa du lịch trong đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch.
PV: Đối với lĩnh vực thể thao, trong năm vừa qua đã giành được kết quả khá toàn diện. Đặc biệt, bóng đá Việt Nam trong năm qua đã lập nên một kỳ tích mới đó là lần đầu tiên cả đội tuyển bóng đá nam và nữ cùng giành huy chương vàng tại SEA Games 30. Bộ trưởng có thể đánh giá nguyên nhân giúp cho thể thao giành được thắng lợi như những năm vừa qua?
Hình ảnh Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhận cờ đăng cai SEA Games 31 và dự lễ trao huy chương vàng cho đội tuyển bóng đá nam tại SEA Games 30. Ảnh: Bùi Lượng, Tiến Tuấn
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Trong những năm qua, các VĐV Việt Nam liên tiếp ghi danh tại những đấu trường lớn ở quốc tế cũng như châu lục. Có thể điểm lại một vài kết quả nổi bật đó là lần đầu tiên VĐV Việt Nam giành tấm huy chương vàng tại Olympic 2016, lần đầu tiên Thể thao Việt Nam giành 4 huy chương vàng tại kỳ ASIAD 2018 và ở kỳ SEA Games 30, Việt Nam đã lần thứ 2 vượt qua Thái Lan tại một kỳ SEA Games. Cụ thể, tại Kỳ Đại hội Thể thao lần này, Đoàn Việt Nam giành tất cả 287 huy chương trong đó có 98 huy chương vàng, vượt xa kế hoạch đề ra là 65 huy chương vàng.
Có thể thấy rằng, những kết quả đó đã thể hiện một sự đầu tư đúng đắn, bài bản với chiến lược, mục tiêu cụ thể đề ra. Ngành thể thao có được những thành tích như vừa qua trước hết là có sự quan tâm thường xuyên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Cùng với đó, Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan, kêu gọi các nguồn xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất tập luyện cho các HLV, VĐV. Ngoài ra, cũng phải ghi nhận một tinh thần, ý chí, bản lĩnh của các VĐV Việt Nam trong những năm qua đã được rèn luyện, đó là một trong những nguyên nhân chính để giúp thể thao Việt Nam có được thành công như vừa qua.
Đối với SEA Games 30, ngay từ những ngày đầu năm 2019, Bộ VHTTDL đã xác định dành tối đa nguồn lực ưu tiên tập trung đầu tư cho các bộ môn, các VĐV có triển vọng dành huy chương. Trên thực tế, đây cũng là một bước chuẩn bị về nhân lực rất vững chắc cho các kỳ đại hội thể thao như Olympic, Asiad và SEA Games 31.
Đối với thành tích nổi bật của bóng đá, đó là sự ghi nhận của cả quá trình dài với biết bao nỗ lực, quan tâm đầu tư từ các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, tổ chức cho bóng đá trẻ để tạo một nền tảng vững chắc cho ngày hôm nay.
Tiếp nối những thành công của các năm trước, trong năm 2019, bóng đá nam tiếp tục cống hiến cho người hâm mộ bằng những trận đấu đẹp mắt và chiến thắng trước các đối thủ mạnh tại SEA Games 30.
Cùng với đó, bóng đá nữ trong năm nay cũng giành được nhiều kết quả ngoài mong đợi. Sau khi xuất sắc giành huy chương vàng tại AFF Cup trước đối thủ mạnh là Thái Lan, đội tuyển bóng đá nữ tiếp tục bảo vệ thành công tấm huy chương vàng tại SEA Games 30.
Cùng với thể thao thành tích cao, các hoạt động thể thao từ quần chúng cũng giành được những thành tích khá nổi bật. Cụ thể, công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học có nhiều chuyển biến tích cực, phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo triển khai hoạt động thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ và võ cổ truyền trong các trường phổ thông; chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em đã nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội.
Để thể thao nước nhà tiếp tục phát triển bền vững, sắp tới, ngành thể dục thể thao sẽ tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về lĩnh vực thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe, tầm vóc con người Việt Nam, tăng tuổi thọ và cải thiện chất lượng giống nòi. Đồng thời mở rộng và đa dạng hóa các hoạt động thể dục, thể thao quần chúng, thể dục, thể thao giải trí đáp ứng nhu cầu giải trí của xã hội và tạo thói quen hoạt động, vận động hợp lý suốt đời; Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao, gắn kết đào tạo các tuyến, các lớp kế cận cho thể thao nước nhà.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!