Nét mới của Mỹ thuật Nam Định
07/12/2020 | 10:08Cùng với sự phát triển chung của mỹ thuật cả nước, mỹ thuật Nam Định đang có nhiều bước phát triển và hội nhập. Với tình yêu nghề, hăng say lao động nghệ thuật, đội ngũ nghệ sĩ tạo hình đã không ngừng khám phá, sáng tạo để cho “ra đời” những tác phẩm hội họa phong phú về nội dung, đa dạng về đề tài, thể hiện chân thực cuộc sống, thiên nhiên, mảnh đất và con người quê hương Nam Định.
Hiện nay, bộ môn mỹ thuật Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh có 43 hội viên; trong đó có 9 người là hội viên Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Nam Định; trong đó chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực hội họa và điêu khắc. Nam Định là vùng quê giàu truyền thống cách mạng và có bề dày văn hóa với những di sản vật thể và phi vật thể phong phú là nền tảng chất liệu, đề tài quan trọng cho đội ngũ người làm mỹ thuật tỉnh nhà. Nhiều năm qua, bộ môn mỹ thuật, Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Nam Định đã tích cực tổ chức các chuyến đi thực tế, tham dự trại sáng tác tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, tạo điều kiện cho các họa sĩ có cơ hội được giao lưu, học hỏi, sáng tác. Ngoài các đề tài truyền thống lịch sử như: chiến tranh cách mạng, công cuộc chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, đề tài sáng tác của các họa sĩ Nam Định ngày càng phong phú đi sâu khai thác nhiều khía cạnh của đời sống xã hội, từ những sinh hoạt thường ngày của người dân, quá trình lao động sản xuất, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng vùng miền đến các thể loại chân dung, phong cảnh, lễ hội… Nhiều tác phẩm của họa sĩ Nam Định có giá trị về nghệ thuật, nội dung được trưng bày tại các triển lãm khu vực và toàn quốc, được bạn bè, đồng nghiệp và công chúng đánh giá cao. Nhằm ghi nhận và tôn vinh, động viên những thành quả lao động sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ Nam Định, định kỳ 5 năm, Hội VHNT tỉnh lại tổ chức trao “Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh”. Cuối năm 2018, tại Lễ trao “Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh” lần thứ VII (2011-2015), bộ môn mỹ thuật có 9 tác giả đoạt giải (1 giải A, 2 giải B, 3 giải C và 3 giải khuyến khích) gồm các hoạ sĩ: Vũ Xuân Dương, Phạm Quyền, Trần Văn Thăng, Nguyễn Minh Cường, Phạm Quang Vinh, Trần Duy Phát, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Thuỷ, Dương Thị Quang Sắc. Các tác phẩm sử dụng đa dạng chất liệu: lụa, sơn dầu, sơn mài, màu tổng hợp với các đề tài từ gần gũi như: “Hướng biển”, “Bình bịch”, “Ngóng cha”, “Nắng sớm miền trung du”, “Tổ quốc nhìn từ biển”, “Tự vệ Thành Nam năm ấy”… ngoài trao truyền các giá trị thẩm mỹ còn giúp người thưởng thức thêm trân quý cuộc sống, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước.
Năm 2019, tổ bộ môn Mỹ thuật đã tổ chức đi thực tế sáng tác tại huyện Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Chuyến đi đã được các họa sĩ cho ra đời nhiều tác phẩm tranh về vẻ đẹp của Khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia - Làng cổ Đường Lâm với các địa danh như: Chùa Mía, Đình làng Mông Phụ, cổng làng Mông Phụ, Đền - Lăng Ngô Quyền, Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, Đền thờ Phùng Hưng… Cũng trong năm, một số họa sĩ được giới thiệu tham gia các trại sáng tác mỹ thuật như: Nguyễn Thiện Dũng, Nguyễn Minh Cường tham dự trại sáng tác mỹ thuật tại thành phố Vũng Tàu do Trung tâm Hỗ trợ sáng tác VHNT (Bộ VH, TT và DL) tổ chức; các họa sĩ: Phạm Quyền, Nguyễn Văn Quý, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Ngọc Châu, Hoàng Hùng tham dự trại sáng tác mỹ thuật Chợ hoa Quảng Bá, thành phố Hà Nội do Hội VHNT tỉnh tổ chức. Tham gia “Triển lãm Mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng” lần thứ 24 tại tỉnh Bắc Ninh, bộ môn mỹ thuật Nam Định có 23 trên tổng số 42 tác phẩm được chọn trưng bày tại triển lãm; trong đó, có 20 tác phẩm của hội viên, 3 tác phẩm của cộng tác viên. Nhiều tác phẩm xuất sắc được Hội đồng nghệ thuật Trung ương đánh giá cao như: “Tan ca” (lụa) của hoạ sĩ Phạm Quyền đạt giải C; các tác phẩm: “Ao thu” (lụa) của hoạ sĩ Đỗ Thanh Liêm, “Ngựa thồ vùng cao” (bột màu) của hoạ sĩ Nguyễn Văn Quý, “Cá biển 1” (lụa) của hoạ sĩ Ngô Văn Nam được chọn giới thiệu tham dự Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Vũ Tuấn Việt là một trong số những họa sĩ trẻ tài năng, đam mê với phong cách vẽ, thiết kế hiện đại theo mô típ lập thể - biểu hiện. Năm 2019, họa sĩ Vũ Tuấn Việt đã tham gia 2 cuộc triển lãm nhóm là “Họa tâm” và “Vòng quay xoay” tại Thủ đô Hà Nội và đạt giải Khuyến khích quốc tế của UNESCO về “Nghệ thuật tái chế” tổ chức tại Hội An, thành phố Đà Nẵng. Năm 2020 là năm hoạt động mỹ thuật Nam Định nói riêng, mỹ thuật cả nước nói chung trầm lắng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Việc tập hợp các hội viên để mở trại sáng tác, tổ chức những chuyến đi xa để giao lưu, học hỏi đều tạm hoãn. Để làm “nóng” cảm xúc, các họa sĩ Nam Định đã chủ động hoạt động độc lập với các trải nghiệm cá nhân và tìm kiếm đề tài mới đặc biệt là những đề tài gắn với công cuộc chống dịch như: vinh danh những người làm công tác y tế, lực lượng vũ trang cùng cộng đồng quyết liệt ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh… Trong đó nhiều tác phẩm vẽ trong thời kỳ tránh dịch của họa sĩ Nam Định đã thành công, được giới chuyên môn ghi nhận. 14 tác giả với 14 tác phẩm được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực II - đồng bằng sông Hồng năm 2020 tại Quảng Ninh.
Họa sĩ Vũ Xuân Dương, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Nam Định, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cho biết: “Mặc dù thời gian hạn chế, nhiều hội viên bộ môn mỹ thuật (Hội VHNT tỉnh) hiện đang công tác trong các cơ quan còn bận rộn với hoạt động chuyên môn nhưng các họa sĩ vẫn luôn giành tâm huyết cho nghệ thuật, tích cực sáng tác thể hiện trách nhiệm của bản thân đối với sự phát triển chung của mỹ thuật Nam Định. Trong quá trình hoạt động, các họa sĩ Nam Định luôn đồng hành với sự phát triển chung của tỉnh tập trung hoạt động hướng vào các vấn đề thời sự, trọng tâm của tỉnh. Đặc biệt chú trọng đến những tác phẩm về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua từng năm, số lượng tác giả, tác phẩm sáng tác về chủ đề này ngày càng nhiều hơn, trong đó có sự tham gia ngày càng đông đảo của các họa sĩ trẻ”.
Để mỹ thuật Nam Định ngày càng phát triển, hội nhập, thời gian tới, bộ môn mỹ thuật (Hội VHNT tỉnh) nỗ lực đổi mới, triển khai các biện pháp nhằm tiếp tục phát huy khả năng sáng tạo, phát triển đội ngũ họa sĩ trong tỉnh. Thường xuyên tổ chức các chuyến đi thực tế, tham dự các trại sáng tác, các cuộc du khảo về nguồn nhằm tạo điều kiện cho hội viên sáng tác nhiều tác phẩm, công trình có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Tăng cường hội thảo, tập huấn, sinh hoạt chuyên môn, kết nạp hội viên xây dựng bộ môn ngày càng lớn mạnh. Phối hợp đồng bộ với các cơ quan, ban, ngành, địa phương để tổ chức các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác VHNT để các họa sĩ có điều kiện quảng bá, giới thiệu tác phẩm đến công chúng. Đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng sáng tác cho hội viên và toàn xã hội hiểu rõ các giá trị của mỹ thuật, phát huy các di sản mỹ thuật truyền thống của dân tộc, tiếp thu tinh hoa mỹ thuật thế giới, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển nền mỹ thuật của quê hương.