Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nét độc đáo du lịch đường thủy Hậu Giang

16/06/2022 | 09:06

Lấy du lịch đường thủy nội địa - tàu du lịch nhà hàng làm trọng tâm, tàu du lịch Xà No khai thác, kết nối các điểm du lịch dọc tuyến kênh như: Di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng Chương Thiện, Di tích Chiến thắng Vàm Cái Sinh, Khu căn cứ Tỉnh ủy và Vùng du lịch cộng đồng Khóm Câu Đúc và các điểm du lich đường bộ trên địa bàn tỉnh sẽ tạo thành sản phẩm du lịch hoàn chỉnh góp phần phục hồi ngành du lịch trong điều kiện bình thường mới.

Với mục tiêu hiện thực hóa Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo; trong đó, tập trung định vị 2 điểm nhấn du lịch của tỉnh là khai thác hiệu quả du lịch trên tuyến kênh xáng Xà No và tiềm năng du lịch tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, tỉnh Hậu Giang đã đầu tư tàu du lịch Xà No với sự hợp tác đồng hành của Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Vạn Phát tham gia khai thác tàu du lịch trên tuyến kênh xáng Xà No.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang, từ khi Nghị quyết về du lịch của Tỉnh ủy được ban hành đến nay, tàu du lịch Xà No trở thành sản phẩm đầu tiên được đầu tư khai thác trên kênh xáng Xà No. Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Hậu Giang tin tưởng "Tàu du lịch Xà No sẽ là một sản phẩm dịch vụ du lịch không chỉ thu hút người dân địa phương trong vùng và các tỉnh, thành lân cận, mà còn là điểm đến hấp dẫn của các đoàn khách trong và ngoài nước".

ĐIỂM NHẤN TRÊN KÊNH XÁNG XÀ NO - THÀNH PHỐ VỊ THANH

Tàu du lịch Xà No với sức chứa 200 khách, mở cửa từ lúc 06h00 đến 21h00, mỗi ngày tàu chạy 1 chuyến xuất bến vào lúc 19h00, miễn phí giá vé và chạy theo lịch trình: Bến tàu khách sạn Bông Sen - Di tích Quốc gia đặc biệt Chiến thắng Chương Thiện - Cầu Xà No - Cầu 30/4 - Chợ Vị Thanh - Di tích chiến thắng Vàm Cái Sình - Tàu quay về bến.

Với không gian rất ấn tượng, thoáng mát, du khách có thể vừa ăn, vừa thư giãn, thưởng thức đờn ca tài tử và đón những làn gió mát lành từ dòng kênh Xà No huyền thoại sẽ thấy thật thoải mái, ngon miệng hơn rất nhiều. Đặc biệt có thể ngắm nhìn thành phố Vị Thanh về đêm theo góc nhìn mới, từ kênh xáng Xà No.

Nét độc đáo du lịch đường thủy Hậu Giang  - Ảnh 1.

Lấy du lịch đường thủy nội địa - tàu du lịch nhà hàng làm trọng tâm khai thác, kết nối các điểm du lịch dọc tuyến kênh xáng Xà No như: Di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng Chương Thiện, Di tích Chiến thắng Vàm Cái Sinh, Khu căn cứ Tỉnh ủy và Vùng du lịch cộng đồng Khóm Câu Đúc và các điểm du lich đường bộ trên địa bàn tỉnh sẽ tạo thành sản phẩm du lịch hoàn chỉnh góp phần phục hồi ngành du lịch trong điều kiện bình thường mới.

Đây chính là sản phẩm du lịch đầu tiên, ra đời bằng tất cả sự tâm huyết của tỉnh, muốn đưa du lịch bứt phá. Đồng chí Lê Công Khanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hậu Giang bộc bạch: “Khi được giao nhiệm vụ xây dựng sản phẩm du lịch này, tôi rất lo, vì trong khoảng thời gian ngắn phải có sản phẩm, mà phải mới, lạ, tạo điểm nhấn. Nhiều phương án đã được đưa ra, từ đóng mới, thuê và cuối cùng là phương án kêu gọi doanh nghiệp có kinh nghiệm khai thác tàu nhà hàng vào khai thác trên phương tiện sẵn có, để đảm bảo thời gian, sự chuyên nghiệp”.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, “Việc chọn doanh nghiệp vào khai thác du lịch cũng là tiền đề để hướng đến mục đích cao hơn, xa hơn, khai thác tuyến đường thủy huyết mạch, kết nối các tour, tuyến trong vùng. Một sản phẩm ra đời thành công, hứa hẹn mở hướng cho những sản phẩm tiếp theo, khi đã có chủ trương, định hướng đúng đắn, có chiều sâu, sự vào cuộc đồng bộ”.

Từ ý tưởng khởi đầu, đến khi triển khai thực hiện rồi đi vào hoạt động, sản phẩm du lịch đặc biệt này luôn được sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, cùng sự quyết tâm vào cuộc tìm kiếm đối tác vừa tầm của các ngành, các cấp.

Nét độc đáo du lịch đường thủy Hậu Giang  - Ảnh 2.

Kênh xáng Xà No trở thành "con đường lúa gạo" ở miền Tây hơn 100 năm qua.

Kỳ vọng lớn hơn của lãnh đạo tỉnh Hậu Giang về việc tạo tuyến du lịch liên kết vùng trên sông, tỉnh đang tiếp tục đàm phán với một số nhà đầu tư từ Thành phố Cần Thơ xây tuyến du lịch sông nước, đưa khách đi vào sâu kênh rạch nội đồng, nối miệt Hậu Giang đến tận Cần Thơ, để trải nghiệm văn hóa, lịch sử dòng kênh hàng trăm năm gắn bó với người miền Tây.

Mới đây, ngày 15/4/2022, Chương trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển du lịch. Theo đó đến năm 2025 sẽ tập trung xây dựng thành công 2 sản phẩm đặc trưng: Du lịch trên tàu tuyến kênh Xà No đi làng khóm Cầu Ðúc và Du lịch sinh thái Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (huyện Phụng Hiệp).  Đối với việc khai thác tàu du lịch trên tuyến kênh xáng Xà No đi vùng khóm Cầu Ðúc - Khu Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ tại TP Vị Thanh, Chương trình nêu rõ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh chủ trì phối hợp với Công ty Cổ phần xây dựng và Thương mại Vạn Phát, UBND TP Vị Thanh và sở, ngành liên quan khai thác hiệu quả tàu du lịch Xà No bằng cách tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, kết nối các điểm tham quan và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, liên kết doanh nghiệp đưa khách tham quan trải nghiệm tàu du lịch... Ðồng thời đề nghị UBND TP Vị Thanh sớm hoàn thiện dự án kè gia cố nâng cấp mặt đê Xà No đoạn từ cầu 6 Thước đến cầu Ba Voi; hoàn thành việc xây dựng cầu tàu khu vực 2, phường I, TP Vị Thanh. Xây dựng các tour, tuyến nhằm khai thác có hiệu quả các điểm tham quan dọc tuyến kênh xáng Xà No như: Khu di tích Chiến thắng Chương Thiện, Di tích chiến thắng Vàm Cái Sình, Du lịch cộng đồng vùng khóm Cầu Ðúc, Khu Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ tại TP Vị Thanh.

DU LỊCH - MỘT TRONG BỐN TRỤ CỘT ĐẦU TƯ, ĐỊNH  HƯỚNG PHÁT TRIỂN HẬU GIANG

Theo Nghị quyết số 04-NQ/TU Phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch trong giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, Hậu Giang xác định du lịch là một trong 4 trụ cột để đầu tư, định hướng phát triển. Từ nghị quyết này, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành kế hoạch thực hiện, có mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, thời gian thực hiện. Trong đó, mục tiêu đặt ra cho du lịch là tập trung thực hiện 2 sản phẩm du lịch là tàu du lịch trên tuyến Xà No, tham quan vùng khóm Cầu Đúc, các di tích lịch sử và khai thác Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Bên cạnh đó, xây dựng 6 điểm du lịch cộng đồng; mỗi huyện, thị, thành phố phải có một sản phẩm du lịch…

Xây dựng sản phẩm du lịch khai thác tiềm năng miền sông nước cũng đã được cân nhắc, tính toán trong lộ trình đầu tư phát triển du lịch và ngay đầu năm 2022 đã có những khởi động tích cực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị Hậu Giang. Nhiều đề án, dự án hỗ trợ, phát triển du lịch đã được xây dựng, nổi bật là Đề án Phát triển du tỉnh Hậu Giang, Đề án Tạo dựng hình ảnh tỉnh Hậu Giang, Đề án du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng... Tất cả đều hướng tới quyết tâm vực dậy ngành “du lịch không khói” Hậu Giang nói chung, trong mạch liên kết với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng sau hơn hai năm chịu những tác động không nhỏ của đại dịch COVID-19.

Mới đây, trong Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh với 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long và phát động “Mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới” diễn ra ngày tại 18/3 tại thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, đồng chí Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã xác định được trọng tâm lĩnh vực liên kết hợp tác và ký kết quy chế, thỏa thuận hợp tác liên vùng. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương đẩy mạnh triển khai các hoạt động tái khởi động du lịch thực chất, hiệu quả trong thời gian tới. Thứ trưởng đề nghị các địa phương đảm bảo điểm đến du lịch được kiểm soát an toàn, hoạt động du lịch được tổ chức chặt chẽ, có lộ trình đồng bộ, khoa học và hiệu quả; chủ động chuẩn bị các phương án xử lý đối với trường hợp rủi ro trong quá trình triển khai mở cửa lại hoạt động du lịch.

Nét độc đáo du lịch đường thủy Hậu Giang  - Ảnh 3.

Kênh xáng Xà No dài 40 km, bắt nguồn từ ngã ba Vàm Xáng, sông Cần Thơ (nhánh lớn sông Hậu). Đoạn qua huyện Phong Điền chạy dài tới ngã ba sông Ba Voi (Hậu Giang), trước khi đổ ra sông Cái Lớn (Kiên Giang) chảy ra biển Tây.

Đặc biệt, các địa phương phải đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, trong đó tập trung khôi phục sản phẩm du lịch đường sông, du lịch gắn với khai thác hoạt động nông nghiệp, sinh thái; du lịch văn hóa miệt vườn; các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và giải trí ven sông, nghỉ dưỡng biển đảo… Các công ty lữ hành phát huy vai trò trong việc kết nối các điểm tham quan đơn lẻ trong khu vực thành chương trình tổng thể khám phá cả vùng cho du khách nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu du lịch, mang đến những trải nghiệm dài ngày, đa dạng hơn cho du khách. Các địa phương cần nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, tăng cường nhân lực du lịch; đẩy mạnh liên kết truyền thông, xúc tiến quảng bá thu hút khách; thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động du lịch; nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến...

Kênh xáng Xà No đã được đưa vào danh mục tuyến đường thủy quốc gia TP. Hồ Chí Minh – Cà Mau. Việc giao thương theo đó cũng trở nên nhộn nhịp hơn. Riêng tỉnh Hậu Giang, gần 20km bờ kè trải dọc bờ kinh xáng Xà No qua địa bàn TP Vị Thanh và các huyện Vị Thủy, Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang) được xây dựng làm tăng thêm vẻ đẹp cho hai bên bờ kênh, góp phần thúc đẩy văn hóa – du lịch Hậu Giang ở những vùng dòng kênh chảy qua.

Tin tưởng rằng, việc khai thác hiệu quả du lịch trên tuyến kênh xáng Xà No nói chung, tàu du lịch Xà No nói riêng sẽ thực sự là điểm nhấn khơi nguồn để Hậu Giang tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh, từng bước đưa du lịch Hậu Giang có tên trên bản đồ du lịch nước nhà trong những năm tiếp theo./.

Theo Tạp chí Tuyên giáo

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×