Nâng tầm ngoại giao văn hóa: Đa dạng phương thức đưa văn hóa Việt ra thế giới
17/08/2023 | 07:37TS Nguyễn Phương Hòa (ảnh), Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT-DL), cho rằng các hoạt động đối ngoại văn hóa hiện nay được thực hiện đa dạng, linh hoạt theo thị hiếu các địa bàn.
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, bà Hòa cho biết đối ngoại văn hóa của Việt Nam hiện nay không chỉ giới thiệu văn hóa truyền thống mà cả những nét văn hóa đương đại của đất nước.
Thường xuyên và liên tục
Xin bà cho biết tổng quan về các hoạt động đối ngoại văn hóa mà Bộ VH-TT-DL thường làm mỗi năm.
Hằng năm, Bộ VH-TT-DL thường xuyên tổ chức các hoạt động đối ngoại văn hóa, giao lưu nghệ thuật để tăng cường sự hiểu biết của công chúng, kết nối, bồi đắp tình hữu nghị, thúc đẩy du lịch.
Ngân sách của Bộ được cấp để duy trì hoạt động đoàn ra, đoàn vào theo cam kết quốc tế khá khiêm tốn, nên phải rất căn cơ, tính toán để hằng năm có thể tổ chức từ 7-10 hoạt động cử đoàn nghệ thuật ra nước ngoài biểu diễn một cách hiệu quả. Các hoạt động thường gắn với kỷ niệm năm chẵn, năm tròn quan hệ ngoại giao, phải chọn địa bàn có tính chiến lược hoặc bạn bè truyền thống trong quan hệ với Việt Nam, cũng đồng thời tính đến tiềm năng xúc tiến du lịch.
Nhiều năm nay, Bộ thường xuyên tổ chức định kỳ hoạt động đối ngoại văn hóa ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, các nước đối tác chiến lược đồng thời là Top 3 thị trường gửi khách du lịch đến Việt Nam. Cách tiếp cận của chúng ta là tham gia các lễ hội thường niên của các bạn, tận dụng nguồn công chúng sẵn có, thu hút thêm các đối tượng công chúng mới.
Cách làm hiệu quả nữa là chúng ta có thiết chế văn hóa - Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, như tại Pháp và Lào. Hoạt động tuyên truyền quảng bá văn hóa phải được làm thường xuyên và liên tục mới có hiệu quả. Chính sự hiện diện của các trung tâm này sẽ tạo các hoạt động thường xuyên để tuyên truyền, quảng bá văn hóa Việt Nam, đồng thời kiều bào có ngôi nhà chung để sinh hoạt, kết nối.
Xuyên suốt những hoạt động đó, chủ trương đối ngoại văn hóa của chúng ta là gì, thưa bà?
Hiện nay chủ trương của Chính phủ và Bộ VH-TT-DL là đẩy mạnh sự hiện diện của văn hóa Việt Nam tại các sự kiện quốc tế có tầm ảnh hưởng. Có thể đơn cử thành công của Việt Nam khi tham gia Expo, đặc biệt là kỳ Expo Dubai 2020 vừa rồi. Thành tựu đó thể hiện ở Giải đồng quốc tế về diễn giải chủ đề, có 192 nước tham gia mà Việt Nam vinh dự được giải. Về hiệu quả truyền thông, chúng ta xuất hiện trên CNN rồi Sky News khi tham gia Expo 2020.
Chính phủ đã ra nghị quyết phải tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các sự kiện có tầm cỡ quốc tế. Trong thời đại số, bên cạnh cách quảng bá văn hóa truyền thống, chúng ta cũng đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội.
Giới thiệu một Việt Nam mới
Có người cho rằng chúng ta giới thiệu quá nhiều văn hóa truyền thống như nhạc dân tộc, tranh dân gian… Vậy bà cho biết chúng ta tăng cường hiện diện của văn hóa Việt ở các sự kiện tầm cỡ quốc tế, nhưng đó là những hiện diện nào?
Thường khi giới thiệu văn hóa tại nước ngoài, chúng ta ít hát mà dùng âm nhạc và múa. Đó là những loại hình vượt lên được rào cản ngôn ngữ, chạm vào cảm xúc của người xem. Tuy nhiên, thời gian vừa rồi ở một số địa bàn thích hợp, chúng tôi cũng cố gắng giới thiệu sự đa dạng và sự chủ động hội nhập của Việt Nam.
Trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới Áo và Ý vừa qua, chúng ta dám mang nhạc thính phòng, cổ điển của mình đi, tự tin hội nhập. Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã phối khí và trình tấu đàn bầu, đàn T'rưng cùng dàn nhạc thính phòng, thể hiện "tính dân tộc" và sự "sáng tạo độc đáo" bằng chính ngôn ngữ âm nhạc của thế giới.
Một loại hình nữa khi mang ra nước ngoài ai cũng thích là múa rối nước. Xiếc Việt Nam cũng rất đặc sắc. Đây là những loại hình tiếp cận được đông đảo công chúng, tuy nhiên lại hơi khó để tổ chức tiếp tân ngoại giao.
Thế mạnh của Việt Nam hiện đại, theo tôi, là điện ảnh, âm nhạc và thời trang. Với điện ảnh, vừa qua chúng ta có những thành tựu đáng ghi nhận ở Cannes (Pháp), Berlin (Đức), Busan (Hàn Quốc)… Âm nhạc thông qua các nền tảng internet, bài hát của Hoàng Thùy Linh, Pháo… phổ biến ở nhiều nước.
Khi chúng tôi ra nước ngoài, phát hiện ra Sơn Tùng có nhiều fan quốc tế. Nhiều sao quốc tế diện trang phục của các nhà thiết kế Việt tại các sự kiện đình đám. Vì thế, cần luôn cân nhắc, tính toán để bên cạnh quảng bá văn hóa truyền thống, cũng cần ủng hộ giới thiệu Việt Nam mới.
Kỳ vọng thay đổi
Bà còn mong chờ thay đổi gì về cơ chế, chính sách khác để đối ngoại văn hóa được thuận lợi hơn?
Chúng tôi đã kiến nghị trong Chương trình mục tiêu về văn hóa cần có dự án về hỗ trợ dịch sách. Mình không dịch sách, không có tiền dịch sách ra tiếng nước ngoài thì sao quảng bá văn học được. Cách đây hai chục năm rồi Thụy Điển có cho tiền dịch sách Việt Nam ra tiếng Thụy Điển, nhưng đó là họ làm cho mình. Nếu muốn giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới, ta phải có cơ chế hỗ trợ để dịch sách ra tiếng Anh, tiếng Pháp…
Tôi cũng mong muốn Việt Nam có các không gian quảng bá điện ảnh Việt Nam tại các liên hoan phim quốc tế lớn. Các hãng, các nhà làm phim độc lập sẽ được giới thiệu ở đó để có cơ hội hợp tác sản xuất, phát hành ra thế giới… Chúng ta trông đợi chương trình Mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa sẽ đầu tư nguồn lực để công tác quảng bá văn hóa Việt Nam được thực hiện xứng tầm.
Đưa các bộ sưu tập bảo tàng trưng bày tại nước ngoài
Thời gian qua, trường hợp đưa các trưng bày bảo tàng ra nước ngoài, trong đó có các bảo vật quốc gia, đều là chương trình hợp tác, chi phí do phía bạn đài thọ. Các trường hợp này tiêu tốn chi phí lớn nhưng hiệu quả. Ví dụ, trưng bày Báu vật khảo cổ Việt Nam tại 3 thành phố lớn ở Đức trong 2 năm 2017-2018 rất hiệu quả với hơn 400 hiện vật khảo cổ thể hiện chiều sâu và bề dày văn hóa, văn minh Việt Nam.
Khi vị thế, uy tín Việt Nam ngày càng cao, ta phải mạnh dạn đầu tư, đưa các bộ sưu tập bảo tàng trưng bày tại nước ngoài. Khi muốn giới thiệu mình, ta cần đảm nhiệm chi phí cần thiết, kể cả tiền bảo hiểm. Nhưng muốn vậy phải sửa luật, chúng tôi đang kiến nghị điều chỉnh trong lần này, bởi theo luật Di sản văn hóa hiện hành, nếu mang các hiện vật như vậy ra nước ngoài, phía bạn phải chịu bảo hiểm. Nếu ta muốn chủ động giới thiệu văn hóa Việt, ta cần đảm nhận chứ khó yêu cầu đối tác.
TS Nguyễn Phương Hòa