Nâng Hội đua bò Bảy Núi lên tầm quốc tế
06/03/2020 | 08:34Nâng Hội đua bò Bảy Núi lên tầm quốc tế; 2 năm thực hiện quy hoạch phát triển du lịch 3 xã cù lao Giêng; Đồng bằng sông Cửu Long: Điểm du lịch an toàn trong mùa dịch…là những thông tin văn hóa và du lịch đáng chú ý tại một số tỉnh Tây Nam Bộ.
An Giang: Nâng Hội đua bò Bảy Núi lên tầm quốc tế
UBND tỉnh An Giang vừa phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy Hội đua bò Bảy Núi, tỉnh An Giang với mục tiêu nâng tầm Hội đua bò Bảy Núi thành Hội đua bò quốc tế.
Theo đó, kinh phí thực hiện Đề án này giai đoạn 2020-2025 có tổng kinh phí gần 5,8 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh An Giang gần 2,9 tỷ đồng, ngân sách các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn gần 1,2 tỷ đồng và nguồn vốn xã hội hóa hơn 1,7 tỷ đồng.
Hội đua bò Bảy Núi, An Giang là một dạng thức lễ hội nông nghiệp độc đáo có một không hai của đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi gồm hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống đậm chất nhân văn của đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi, ngày hội còn là một sân chơi thể thao, giải trí mang tính đại chúng đầy ý nghĩa cho người nông dân Khmer các phum, sóc sau những giờ lao động vất vả trên đồng ruộng. Sự tồn tại của Hội đua bò Bảy Núi, An Giang qua thời gian còn là một bằng chứng sống động thể hiện tình đoàn kết, gắn bó trong sản xuất và cũng là dịp để bà con gặp gỡ, nuôi dưỡng những tình cảm cộng đồng đẹp, đậm chất nhân văn.
Hội đua bò Bảy Núi, An Giang được tổ chức trong dịp lễ Sel Dolta (lễ cúng ông bà) của dân tộc Khmer Nam bộ, từ ngày 29/8 đến ngày 1/9 âm lịch hàng năm (theo lịch âm của người Khmer khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10 dương lịch), mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống dân gian của cư dân làm nông nghiệp lúa nước. Đó là thời gian mà người Khmer bắt đầu chuẩn bị cho vụ lúa mới.
Đề án "Bảo tồn và phát huy Hội đua bò Bảy núi, tỉnh An Giang" nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tạo ra sản phẩm tinh thần, thiết lập điểm đến trong chuỗi du lịch theo tuyến khép kín, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
An Giang: 2 năm thực hiện quy hoạch phát triển du lịch 3 xã cù lao Giêng
Chợ Mới có điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhiều cơ sở thờ tự tôn giáo, tín ngưỡng để phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng và du lịch tâm linh. Qua 2 năm triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch tổng thể du lịch 3 xã cù lao Giêng đã được UBND tỉnh phê công tác phát triển du lịch có bước khởi sắc, thu hút khá nhiều khách đến tham quan du lịch, nhất là thực hiện tốt công tác tuyên truyền quảng bá du lịch của địa phương, từ đó, số lượng du khách đến tham quan du lịch năm sau cao hơn năm trước.
Qua 2 năm triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch tổng thể du lịch 3 xã cù lao Giêng đã được UBND tỉnh phê công tác phát triển du lịch có bước khởi sắc, thu hút khá nhiều khách đến tham quan du lịch, nhất là thực hiện tốt công tác tuyên truyền quảng bá du lịch của địa phương, từ đó, số lượng du khách đến tham quan du lịch năm sau cao hơn năm trước.
Công tác đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch có chuyển biến rõ nét. Huyện đã thi công hoàn thành 6 tuyến đường ở 3 xã cù lao Giêng: Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân với tổng kinh phí 4,9 tỷ đồng. Nâng cấp mở rộng tuyến đường Tấn Mỹ - Bình Phước Xuân dài 1.450m. Đầu tư nâng mặt bằng kho lương thực cũ (xã Tấn Mỹ) để xây dựng trụ sở và mua sắm trang thiết bị làm việc cho Tổ Quản lý Du lịch và chọn địa điểm này làm Phòng trưng bày sản phẩm làng nghề truyền thống phục vụ du lịch. Tranh thủ các nguồn vốn từ dự án Nam Vàm Nao, vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nguồn vốn ngân sách huyện đầu tư thi công 9/20 danh mục xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch với tổng kinh phí trên 93,2 tỷ đồng.
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Chợ Mới Nguyễn Hoàng Tuấn cho biết: Công ty TNHH MTV Dương Khang đang thực hiện đầu tư dự án du lịch tại Cồn Én (xã Tấn Mỹ) để tạo điểm nhấn thu hút du khách, tiến độ thi công đạt hơn 40% khối lượng công trình gồm các hạng mục: cắm mốc phân khu chức năng, gia công tại xưởng các bungalow nghỉ dưỡng, nhiều miễng gỗ, tranh gỗ trang trí độc lạ, nhà tham quan, nhà nghỉ dưỡng trên cây.. Đồng thời, hỗ trợ các thủ tục quy hoạch dự án của Công ty Cổ phần Mekolor đại diện cho 12 nhà đầu tư đăng ký thực hiện 2 dự án: khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí, cáp treo, trò chơi mặt nước và chợ nổi trên sông "Cù lao Giêng - xứ sở thần tiên"- Mekolor Everland với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 500 tỷ đồng (thực hiện tại xã Mỹ An và cồn Tấn Thuận, xã Tấn Mỹ với diện tích 94,4ha).
Chợ Mới đã đẩy mạnh hoạt động thông tin, xúc tiến, quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ đó, số lượng khách đến tham quan du lịch cù lao Giêng tăng theo từng năm. Cụ thể trong 2 năm 2018-2019 cù lao Giêng đón 103.659 lượt, đạt trên 200% kế hoạch. Trong đó, khách quốc tế 4.176 lượt, đến từ các nước: Mỹ, Anh, Úc, Pháp, Newzeland… chủ yếu tham quan Nhà thờ cù lao Giêng và làng nghề đóng xuồng Mỹ Hiệp và điểm du lịch sinh thái Út Hùm. Còn lại là khách nội địa tham quan cù lao Giêng (chùa Thành Hoa, chùa Phước Thành, Nhà thờ cù lao Giêng, Tu viện Phanxicos.. thường tập trung đông vào các dịp lễ, tết còn lại chủ yếu là khách vãng lai.
Đầu năm 2020 đến nay cù lao Giêng đón hơn 9.000 lượt khách đến tham quan du lịch có 7.820 lượt, trong đó có 320 khách quốc tế.
Bạc Liêu: Kiên quyết loại bỏ bệnh thành tích đối với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa
Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Lâm Thị Sang, Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) tỉnh đối với việc thực hiện phong trào năm 2020. Chỉ đạo này nhằm nêu cao quyết tâm, trách nhiệm của các ngành, địa phương để hợp sức với nhân dân tỉnh nhà tiếp tục nâng cao hiệu quả, tính thực chất cho phong trào.
Những năm gần đây, phong trào TDĐKXDĐSVH của tỉnh dù có bước phát triển mạnh mẽ, song trên thực tế vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Theo đánh giá của BCĐ tỉnh, việc thực hiện phong trào tại một số địa phương còn lúng túng trong quá trình triển khai, tổ chức. Đặc biệt là xảy ra hiện tượng chạy theo thành tích, nặng về lượng nhưng lại yếu về chất, nội dung hoạt động nặng tính hình thức. Nguyên nhân của thực trạng này là do một vài cấp ủy, tổ chức Đảng chưa nhận thức đúng và đầy đủ về vị trí, vai trò của phong trào. Từ đó, thiếu sâu sát trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện dẫn đến phong trào phát triển không đồng đều, thành tích chưa đúng với thực chất.
Trong năm 2020, BCĐ phong trào tỉnh đề ra nhiều giải pháp thiết thực, nổi bật nhất là kiên quyết chống bệnh thành tích trong xét tặng các danh hiệu văn hóa. Muốn làm được điều này, việc quán triệt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, BCĐ tỉnh về phong trào TDĐKXDĐSVH cho các cấp ủy, chính quyền ở cơ sở là vô cùng quan trọng. Trong đó, tiếp tục đề cao vai trò, phát huy trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện phong trào đảm bảo phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế địa phương, đơn vị.
Trước yêu cầu phát triển phong trào, BCĐ tỉnh sẽ chú trọng làm tốt công tác củng cố, kiện toàn BCĐ phong trào các xã, phường, thị trấn và Ban chủ nhiệm khóm, ấp đáp ứng yêu cầu về trình độ, kỹ năng quản lý. Cùng với đó là tăng cường tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về: tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục - thể thao, sử dụng hiệu quả thiết chế văn hóa… nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn, năng lực và hiệu quả hoạt động cho thành viên BCĐ các cấp.