Nâng cao nhận thức về Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO
12/09/2019 | 15:26"Nâng cao nhận thức về Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO" - chủ đề hội thảo diễn ra trong 02 ngày (12, 13/9) tại thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
Toàn cảnh hôi thảo/FB Văn Thể Huế
Hội thảo do Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp tổ chức với sự tham dự của các đại biểu: Ông Lê Hoài Trung, Ủy viên BCH TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; TS Vũ Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO Khu vực châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP); ông Andrew Henderson, Tổng thư ký MOWCAP; đại diện lãnh đạo tỉnh Bắc Giang; các chuyên gia về di sản tư liệu trong và ngoài nước cùng lãnh đạo và cán bộ chuyên viên của các địa phương có di sản tư liệu…
Trong 02 ngày diễn ra, Hội thảo tập trung vào các nội dung chính, gồm: Báo cáo dẫn đề về hoạt động của Chương trình Ký ức thế giới; Tổng quan về Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO và một số vấn đề hiện tại; Chương trình Ký ức thế giới ở Khu vực châu Á – Thái Bình Dương; Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO tại Việt Nam; Mục tiêu, nhiệm vụ và các hoạt động của MOWCAP; Một số vấn đề cần lưu ý khi lựa chọn tư liệu để xây dựng hồ sơ trình công nhận là Di sản tư liệu; Đề xuất về Quản lý nhà nước các Di sản tư liệu ở Việt Nam trong thời gian tới; Chia sẻ một số kinh nghiệm về bảo tồn và phát huy Di sản tư liệu tại Bắc Giang và Thừa Thiên Huế.
Trong khuôn khổ chương trình Hội thảo, các đại biểu tham dự sẽ tham quan chùa Vĩnh Nghiêm – nơi lưu giữ kho tàng mộc bản Phật giáo quý giá, Di sản đã được UNESCO vinh danh năm 2012.
Chương trình Ký ức thế giới được UNESCO khởi xướng từ năm 1992 với quan niệm: Di sản tư liệu thuộc sở hữu của cả nhân loại, mục đích là tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn các di sản tư liệu, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và ý nghĩa của di sản tư liệu thế giới. Việt Nam tham gia chương trình Ký ức thế giới từ năm 2006 và đến nay, dải đất hình chữ S đã có 7 Di sản tư liệu được UNESCO công nhận trong tổng số 582 di sản thuộc loại hình này của toàn thế giới, bao gồm: Bia Đề danh tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội); Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm; Mộc bản triều Nguyễn; Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế; Mộc bản trường học Phúc Giang; Châu bản triều Nguyễn; Hoàng Hoa sứ trình đồ./.