Nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa và vai trò của các lễ hội
23/04/2020 | 10:06Nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa và vai trò của các lễ hội; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh Covid-19; Phát triển văn hóa đọc trong đội ngũ cán bộ, chiến sỹ… là những thông tin văn hóa nổi bật tại các tỉnh Nam Định, Vĩnh Phúc, Hải Phòng.
Nam Định: Nhận thức rõ ý nghĩa Chỉ thị 41-CT/TW ngày 05/2/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội", trong những năm qua, cấp ủy đảng, các sở, ban, ngành liên quan đã triển khai thực hiện Chỉ thị 41-CT/TW gắn kết chặt chẽ với việc tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 20/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm.
Với đặc điểm các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh Nam Định được tổ chức diễn ra vào thời điểm từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đến hết tháng Ba (âm lịch), do đó hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định đã ban hành Chỉ thị về tổ chức Tết Nguyên đán. Nội dung của Chỉ thị yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 41-CT/TW.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Nam Định tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai có hiệu quả, đưa nội dung thực hiện nhiệm vụ của Chỉ thị vào đời sống. Hàng năm, Sở ban hành văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội...
Bên cạnh đó, Sở thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí tổ chức tuyên truyền về các nội dung của Chỉ thị và các văn bản pháp luật khác liên quan đến công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên các phương tiện thông tin đại chúng để biểu dương những nét đẹp, giá trị trong các lễ hội, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong lễ hội, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa và vai trò của các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo.
Vĩnh Phúc: Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", Sở VHTTDL Vĩnh Phúc luôn tiên phong đi đầu trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh bằng các hình thức cổ động trực quan, băng zôn, khẩu hiệu, áp phích, phát thanh lưu động… Qua đó, góp phần tuyên truyền sâu rộng tới đông đảo người dân trên địa bàn toàn tỉnh, có thêm những kiến thức bổ ích để phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 một cách hiệu quả và kịp thời.
Cụ thể, ngay sau khi nhận được văn bản chỉ đạo Bộ VHTTDL, UBND tỉnh, Sở VHTTDL đã ban hành Kế hoạch số 20/KH-SVHTT&DL ngày 07/02/2020 về Tuyên truyền viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (hay còn gọi là Covid - 19) gửi tới 09 huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan để chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền dịch bệnh.
Sở chỉ đạo các Phòng Văn hóa thông tin, Trung tâm Văn hóa và Thể thao 09 huyện, thành phố tăng cường phát thanh lưu động bằng xe ô tô tới từng thôn, xóm nhằm tuyên truyền sâu rộng những việc làm cần thiết để người dân hiểu rõ, hiểu đúng và có kiến thức để phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 một cách tốt nhất.
Đồng thời, cập nhật các tin, bài mới, thông báo của cấp trên và tăng cường thời lượng phát thanh để kịp thời tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của xã, thôn nhằm giúp người dân chủ động các biện pháp tự bảo vệ bản thân, gia đình, công cộng trước dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế.
Sở đã thành lập 03 đoàn kiểm tra, giám sát công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 trên địa bàn tỉnh. Ngay sau khi được thành lập, các đoàn kiểm tra, giám sát đã thường xuyên kiểm tra 137 xã, phường, thị trấn, đặc biệt là tới các xã vùng dịch như: Sơn Lôi, Thị trấn Hợp Hòa, Minh Quang... để chỉ đạo và kiểm tra, giám sát công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh.
Hải Phòng: Trong những năm qua, Công an Hải Phòng (CATP) đã triển khai nhiều hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc trong đội ngũ cán bộ, chiến sỹ toàn lực lượng.
Hiện, thư viện CATP có hàng nghìn đầu sách về công tác công an cũng như các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhằm đáp ứng nhu cầu đọc, tìm hiểu kiến thức, nhất là những vấn đề liên quan đến pháp luật, nghiệp vụ công an, Thư viện Công an thành phố thường xuyên mở cửa. Song song với đó, để văn hóa đọc trở thành việc làm thường xuyên trong cán bộ, chiến sỹ, lãnh đạo CATP đã chỉ đạo cho Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn tổ duy trì phong trào đọc sách trong thanh niên, phụ nữ; tổ chức cho đoàn viên, hội viên đến đọc sách, báo, tài liệu tại phòng đọc, thư viện, đồng thời định hướng cho cán bộ, chiến sỹ, đoàn viên, hội viên tìm đọc những loại sách, báo, tài liệu để nâng cao kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phục vụ nhiệm vụ công tác của từng đơn vị.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa đọc, 100% đơn vị Xây dựng Tủ sách pháp luật; đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ trong CATP; giao ban lồng ghép với tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Các đơn vị thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động nâng cao hệ thống thư viện, phòng đọc, tủ sách theo quy định của Bộ Công an; tổ chức hiệu qua các cuộc thi đều đạt giải cao; thực hiện tốt Chương trình phối hợp công tác trong việc nâng cao hiệu quản lý nhà nước về thư viện và đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, học tập suốt đời trong hệ thống thư viện công cộng, thư viện CAND giữa CATP với Sở VHTT.
Mặt khác, lãnh đạo các đơn vị đều hết sức quan tâm đầu tư để cán bộ, chiến sỹ có nơi đọc sách khang trang, sạch đẹp, có nội quy cụ thể; các trang thiết bị cần thiết như hệ thống giá sách, kệ, tủ, bàn ghế, máy tính đều có đầy đủ.
Đối với lực lượng CAND, văn hóa đọc góp phần rất nhiều trong công tác chuyên môn. Việc đọc sách, nghiên cứu tài liệu đã thực sự là một "kênh" hữu ích giúp cán bộ, chiến sỹ tích lũy kiến thức, nâng cao trình độ về mọi mặt, qua đó góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sỹ Công an vừa hồng, vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ ANTT của đất nước trong thời kỳ mới. Nhờ đam mê văn hóa đọc, cán bộ, chiến sỹ đã rèn cho mình phương pháp tìm, đọc những cuốn sách, nguồn tài liệu cần thiết để thực sự giúp ích cho công việc.
Chính vì vậy, trong suốt thời gian qua, Đảng ủy, lãnh đạo CATP đã luôn quan tâm, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, trong đó có thiết chế thư viện nhằm đảm bảo nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, thông tin, nghiên cứu, nâng cao kiến thức toàn diện cho cán bộ, chiến sỹ Công an. Văn hóa đọc hiện nay ở Công an Hải Phòng được duy trì và lan tỏa trong toàn lực lượng, mỗi cán bộ, chiến sỹ đã coi việc đọc sách như là một món ăn tinh thần không thể thiếu.