Nâng cao chất lượng sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm Huế
06/06/2024 | 09:43Chuẩn bị cho mùa du lịch cao điểm và Festival Huế 2024, nhiều cơ sở sản xuất và kinh doanh hàng lưu niệm, quà tặng ở thành phố Huế nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung tăng cường sản xuất các sản phẩm mới và nhập hàng số lượng lớn phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của du khách.
Điểm tham quan khu vực chùa Thiên Mụ, phường Hương Long, TP. Huế là một trong những địa điểm thu hút khá nhiều du khách đến tham quan, mua sắm hàng lưu niệm, quà tặng, đặc biệt là du khách quốc tế. Tại đây, hơn 10 cơ sở kinh doanh đang tất bật đặt hàng từ các cơ sở trong và ngoài tỉnh, chỉnh trang lại mặt bằng và tăng cường đội ngũ bán hàng để đáp ứng nhu cầu của khách.
Chị Trần Thị Lý, kinh doanh hàng lưu niệm chia sẻ: “Từ đầu tháng 5/2024 đến nay lượng khách du lịch đến tham quan, mua sắm tại đây khá đông, trong đó tập trung các sản phẩm lưu niệm, quà tặng “made in Huế”, như: áo dài, nón lá, hàng mây tre đan, túi xách, tranh thêu… Vì vậy, cơ sở liên tục đặt hàng, đồng thời thực hiện việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết nhằm tạo niềm tin, uy tín để thu hút khách”.
Tại HTX Mây tre đan Bao La, xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền) những ngày này không khí sản xuất và thiết kế mẫu cũng diễn ra khẩn trương, tất bật bởi festival vừa là dịp để HTX quảng bá, giới thiệu sản phẩm, vừa là nơi tiêu thụ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ số lượng lớn, đồng thời nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các đối tác trong và ngoài nước.
Theo Giám đốc HTX, ông Võ Văn Dinh, Festival là dịp mà cơ sở tiêu thụ hàng hóa nhiều nhất trong năm với gần 100 triệu đồng/đợt. Để chuẩn bị cho Festival Huế 2024 và lễ hội Sóng nước Tam Giang tổ chức trên địa bàn huyện Quảng Điền vào đầu tháng 6 tới, cơ sở đang huy động nhân lực, chuẩn bị nguyên, vật liệu sản xuất sản phẩm. Ngoài những mẫu thiết kế có sẵn, năm nay HTX thiết kế và sản xuất thêm khoảng 30 mẫu mới, trong đó tập trung các sản phẩm đèn trang trí, các danh lam thắng cảnh thu nhỏ, rổ rá nhuộm màu và khắc hoa văn nhằm tạo sự phong phú, đa dạng cho dòng sản phẩm mây tre đan để thu hút khách.
Thị trường các sản phẩm lưu niệm, quà tặng năm nay khá phong phú và đa dạng khi các cơ sở sản xuất và kinh doanh trên địa bàn chú trọng đầu tư thiết kế mẫu, bao bì đóng gói và tăng thêm chủng loại, số lượng hàng. Trong đó, sản phẩm “made in Huế” chiếm ưu thế hơn các sản phẩm được nhập về từ các tỉnh, thành trong nước và hàng “made in China”, tạo động lực cho các nghệ nhân và thợ thủ công tiếp tục đầu tư công sức, thời gian để thiết kế mẫu, tạo ra nhiều mẫu mã mới phục vụ du khách.
Theo Lãnh đạo UBND thành phố Huế, để kết nối các sản phẩm nghề nói chung, hàng lưu niệm, quà tặng nói riêng đến với du khách, thành phố đã đưa vào hoạt động không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm và trình diễn nghề truyền thống Huế tại 15 Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh. Đây là nơi quảng bá văn hóa truyền thống Huế, hỗ trợ các sản phẩm truyền thống địa phương tiếp cận người tiêu dùng, du khách trong nước và quốc tế; đồng thời tạo không gian tham quan, trải nghiệm, vui chơi giải trí dành cho người dân và du khách. Ngoài việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm, thành phố đang giới thiệu các hình ảnh, hiện vật và tổ chức thao diễn một số nghề truyền thống như chằm nón, làm diều, lồng đèn, hoa giấy Thanh Tiên, mây tre đan… phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của du khách.