Nam Trung Bộ nỗ lực thu hút khách du lịch quốc tế
28/10/2022 | 08:07Dịch Covid-19 làm đứt gãy hoàn toàn chuỗi hoạt động đón khách quốc tế của các địa phương duyên hải Nam Trung Bộ. Sau đại dịch, nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của các tỉnh trong khu vực, du lịch nội địa đã trở lại, du lịch quốc tế cũng dần khởi sắc.
Ca dao có câu: Ai về Bình Định thăm cha/Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em. Ba địa phương Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa có mối liên hệ đặc biệt với nhiều nét tương đồng về vị trí địa lý, văn hóa, kinh tế-xã hội. Vẻ đẹp và nét hấp dẫn của biển, đảo trên dải đất duyên hải Nam Trung Bộ nhiều nắng gió đã ngày càng thu hút du khách quốc tế đến nhiều hơn, lưu trú dài ngày hơn. Các địa phương đang nỗ lực khôi phục đứt gãy chuỗi hoạt động đón khách quốc tế do dịch Covid-19 gây ra.
Khách quốc tế trở lại
Mở cửa hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, các địa phương Nam Trung Bộ tập trung các giải pháp khôi phục và phát triển du lịch gắn với "sống thích ứng an toàn với Covid-19". Nhờ đó, cùng với sự nhộn nhịp của du lịch trong nước, du lịch quốc tế cũng dần khởi sắc.
Theo thống kê của ngành du lịch các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay, số lượt khách đến, trong đó có khách du lịch quốc tế, tăng mạnh. Tổng lượt khách đến Bình Định trong chín tháng qua đạt 3,5 triệu lượt, tăng 200,3% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế gần 400 nghìn lượt, tăng gần 500%.
Ở Phú Yên, trong 10 tháng, tổng lượt khách đến hơn 1,8 triệu, tăng 444,7%; trong đó, khách quốc tế 5.900 lượt, tăng 263%. Còn ở Khánh Hòa, tổng lượt khách lưu trú đạt 2.116.093 lượt, tăng 342,4%; trong đó, khách quốc tế 155.548 lượt, tăng 673,52%.
Đạt được kết quả nêu trên là nhờ các tỉnh đã thực hiện những chương trình hợp tác phát triển du lịch; liên kết phát triển sản phẩm du lịch; mở rộng và phát triển thị trường; cải thiện năng lực cạnh tranh; nâng cao sức hấp dẫn điểm đến thu hút khách quốc tế; khôi phục, thúc đẩy phát triển các đường bay quốc tế trực tiếp; mở rộng, đa dạng thị trường khách quốc tế; phối hợp xúc tiến, quảng bá; thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp đón khách quốc tế…
Có thể thấy, sự dịch chuyển trong xu hướng du lịch nghỉ dưỡng của du khách đã mở ra lối đi riêng cho Quy Nhơn-Bình Định. Du khách lựa chọn các thị trường du lịch mới như Quy Nhơn, bởi sự mới mẻ, nhiều trải nghiệm độc đáo. Vùng đất này được đánh giá sẽ có bước tăng trưởng mới, khi Bình Định ký hợp tác với bốn hãng hàng không Viettravel Airlines, Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways.
Theo đó, Quy Nhơn mở thêm các tuyến bay trong nước, đồng thời triển khai lại các đường bay tới Cheongju (Hàn Quốc) và thời gian tới là Nhật Bản. Cảng hàng không Phù Cát cũng đã được định hướng phát triển thành sân bay quốc tế.
Nhằm nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch, Phú Yên tập trung xây dựng các khu nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại kết hợp du lịch như Grand Sala Tuy Hòa, Steria beach resort, Trung tâm hội nghị Pytopia, Apec Mandala Wyndham Phú Yên, The Light Phú Yên…; dịch vụ vui chơi, giải trí được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới khang trang tại các huyện, thị xã; xây dựng Công viên địa chất Phú Yên hướng tới danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu… Du lịch Phú Yên đã có diện mạo mới, từng bước khẳng định thương hiệu "Phú Yên - Điểm đến hấp dẫn và thân thiện".
Theo đồng chí Hoàng Quốc Hòa, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch), Khánh Hòa đã năng động, tích cực trong việc chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh.
Ngành du lịch Khánh Hòa sớm thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin; triển khai nhiệm vụ số hóa dữ liệu quản lý nhà nước, đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng số; đầu tư dự án Trung tâm Điều hành thông tin, hỗ trợ khách du lịch… Thời gian tới, Khánh Hòa tiếp tục đẩy mạnh số hóa các khu, điểm du lịch, sản phẩm, dịch vụ; tăng cường quảng bá du lịch trên các nền tảng số.
Có thể thấy, nỗ lực của các địa phương trong phục hồi phát triển du lịch, trong đó có du lịch quốc tế, bước đầu mang lại hiệu quả. Trên thực tế, các tỉnh đã có nhiều mô hình phối hợp hiệu quả trong xây dựng, khai thác các tua du lịch phục vụ khách quốc tế, các hãng lữ hành quốc tế.
Mở thị trường mới
Theo đồng chí Phạm Minh Nhựt, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang-Khánh Hòa, thị trường khách quốc tế phục hồi chậm hơn so với dự kiến. Đến thời điểm này, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 1,7 triệu lượt, thấp hơn nhiều so với thời điểm trước đại dịch Covid-19 và mới đạt 33% kế hoạch năm 2022.
Hiện nay, Hàn Quốc trở thành thị trường khách quốc tế lớn nhất của du lịch Khánh Hòa. Hai thị trường lớn, truyền thống của Khánh Hòa là Trung Quốc và Nga đang tạm đóng băng. Ngành du lịch Khánh Hòa đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn khách, khai mở các thị trường mới. Thời gian qua, tỉnh tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại Ấn Độ, quốc gia có dân số tới hơn 1,4 tỷ người. Đây là thị trường tiềm năng mà ngành du lịch Khánh Hòa đang hướng đến. Theo kế hoạch, giữa tháng 11 tới, Khánh Hòa đón đoàn famtrip của 15 hãng lữ hành Ấn Độ sang khảo sát, lên kế hoạch đưa khách đến Nha Trang.
Mới đây, trong buổi làm việc với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma cho rằng, tỉnh Khánh Hòa nói riêng và các tỉnh Nam Trung Bộ nói chung có tiềm năng lớn trong hợp tác phát triển du lịch với Ấn Độ. Hiện mối quan tâm hàng đầu của Ấn Độ chính là xúc tiến du lịch, thương mại. Vì vậy, trước mắt Khánh Hòa cần trao đổi, thảo luận các biện pháp cần thiết để tăng cường quan hệ hợp tác song phương trên hai lĩnh vực này. Thời gian tới, hai bên sẽ xúc tiến mở đường bay trực tiếp nối Sân bay quốc tế Cam Ranh với các địa phương của Ấn Độ…
Có một chi tiết đáng lưu ý là các tỉnh Nam Trung Bộ có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch, có cảnh quan đẹp, đời sống văn hóa phong phú, cơ sở lưu trú chất lượng cao nhưng hiện rất ít người dân Ấn Độ nắm bắt được những thông tin này. Do đó, du lịch các địa phương Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa cần có chiến lược phối hợp đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, xúc tiến dịch vụ, du lịch tại thị trường Ấn Độ.
Hiện nay, ba tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa đang phối hợp triển khai thực hiện chương trình "Tour du lịch một hành trình ba điểm đến Bình Định-Phú Yên-Khánh Hòa, phục vụ thị trường khách du lịch Đông Bắc Á", theo hướng bền vững, đa dạng sản phẩm và kéo dài thời gian lưu trú của du khách.
Để đạt hiệu quả, lãnh đạo các tỉnh xác định cần tập trung thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, phát huy các yếu tố truyền thống; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về du lịch; tăng cường xúc tiến, quảng bá phát triển du lịch, với quy mô lớn trong nước và nước ngoài, thông qua tổ chức các chương trình famtrip, presstrip giới thiệu các gói sản phẩm đặc thù; tổ chức các chương trình roadshow giới thiệu du lịch đến các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đông Nam Á…
Thời gian tới, thị trường khách du lịch quốc tế được dự báo tăng trưởng mạnh trở lại. Vì vậy, bên cạnh các phân khúc đã khai thác tốt, các tỉnh đang tập trung phát triển các phân khúc nghỉ dưỡng dài ngày, chăm sóc sức khỏe, du lịch gắn với hoạt động thể thao…, nhắm tới những thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Âu, Australia và thị trường mới nổi Trung Đông. Sự phối hợp du lịch giữa ba tỉnh khu vực Nam Trung Bộ được đánh giá là bước đệm để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh tài nguyên du lịch của các địa phương.
Xét về tiềm năng, Bình Ðịnh, Phú Yên và Khánh Hòa đều có chung thế mạnh về vị trí địa lý, về biển, đảo; song lại có những nét rất riêng, như Bình Ðịnh gắn du lịch với văn hóa, lịch sử; Phú Yên gắn du lịch với văn hóa, lễ hội, tham quan; Khánh Hòa gắn du lịch với môi trường sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp.
Ba địa phương hoàn toàn có thể nối kết nhiều mặt để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, có đẳng cấp cao, hấp dẫn. Có thể thấy, để phục hồi và phát triển thị trường khách quốc tế, nhiệm vụ quan trọng hiện nay của các tỉnh Nam Trung Bộ vẫn là phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch có chất lượng cao, phù hợp nhu cầu du khách, tạo sức hấp dẫn cho điểm đến.