Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nam Định: Xã hội hóa TDTT tạo nhiều dấu ấn

27/08/2024 | 14:42

Xác định xã hội hóa là giải pháp phát triển bền vững cho hoạt động thể dục thể thao (TDTT), góp phần giảm chi cho ngân sách nhà nước và làm phong phú, sôi nổi các hoạt động thể thao, thời gian qua Nam Định đã tích cực vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia tài trợ và hỗ trợ kinh phí tổ chức các hoạt động TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao và thể thao giải trí.

Dấu ấn xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, những năm qua, tỉnh Nam Định đã đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, khơi dậy tinh thần tự giác của mỗi người dân trong việc đóng góp sức người, sức của tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Bên cạnh đó, các cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã chỉ đạo, tiến hành khảo sát lại quy hoạch đất dành cho hoạt động TDTT; huy động các nguồn lực xã hội đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị tập luyện, tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư cung ứng các dịch vụ TDTT...

Việc này được cụ thể hóa thông qua triển khai, thực hiện những dự án, chương trình nâng cấp, tu sửa các công trình TDTT lớn của tỉnh như: Sân vận động Thiên Trường, bể bơi Trần Khánh Dư; khu liên hợp thể thao (Cung Thể thao tỉnh, bể bơi mái che, sân bóng đá) được khai thác sử dụng hiệu quả. Ngoài việc phục vụ nhu cầu tập luyện của các VĐV thể thao thành tích cao và tổ chức thi đấu các sự kiện, giải đấu thể thao, các công trình thể thao đã phục vụ tốt nhu cầu tập luyện của người dân trên địa bàn thành phố Nam Định cũng như các vùng lân cận.

Nam Định: Xã hội hóa TDTT tạo nhiều dấu ấn - Ảnh 1.

Thép Xanh Nam Định, điên hình hiệu quả cho công tác XHHH TDTT khi đăng quang ngôi vô địch V.League 1 - 2023/2024. (Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền từ tỉnh đến các địa phương đã xây dựng những hành lang pháp lý, cơ chế ưu đãi, tạo mọi điều kiện để phát triển các loại hình dịch vụ TDTT, góp phần phát triển kinh tế của địa phương, từ đó có những đóng góp tích cực vào hoạt động TDTT của tỉnh. Nhờ huy động rộng rãi các nguồn lực xã hội và sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hạ tầng TDTT, hoạt động TDTT của tỉnh có sự chuyển biến rõ rệt, trong đó có sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng, đa dạng về loại hình kinh doanh dịch vụ của các cơ sở TDTT ngoài công lập, chủ yếu dưới hình thức các câu lạc bộ, địa điểm giải trí, thu hút ngày càng nhiều người tham gia tập luyện TDTT.

Nhiều giải thi đấu TDTT của tỉnh có sự tham gia tài trợ của các đơn vị, doanh nghiệp được tổ chức với quy mô lớn, giải thưởng cao, góp phần tăng tính hấp dẫn của giải, giảm đáng kể chi phí của Nhà nước, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Cũng chính từ nguồn xã hội hóa, nhiều địa phương đã đầu tư mua sắm, trang bị cơ sở vật chất như trang thiết bị, dụng cụ tập luyện phục vụ tập luyện tại các địa điểm công cộng nhằm đáp ứng tốt trước nhu cầu tập luyện TDTT của người dân.

Theo số liệu thống kê từ Sở VHTTDL Nam Định, hiện nay các địa phương trong tỉnh đều có các thiết chế thể thao như: bể bơi,  trung tâm văn hóa - thể thao, nhà tập luyện đa năng… Tại trung tâm các xã, thị trấn, khu dân cư đã xây dựng nhà văn hóa tích hợp sân thể thao theo quy định và đầu tư các trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, bộ dụng cụ tập luyện TDTT ngoài trời, bàn bóng bàn, các sân cầu lông, bóng đá mini, bóng chuyền, khuôn viên tập luyện thể dục dưỡng sinh, nhảy dân vũ; một số nơi còn xây dựng được sân tennis, sân bóng đá cỏ nhân tạo, bể bơi cố định, bể bơi lắp ghép hay các phòng tập thể hình, thẩm mỹ của các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh TDTT tư nhân.

Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển thể thao

Để đạt được những kết quả nổi bật trong thời gian qua, công tác xã hội hóa các hoạt động TDTT trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn. Nhiều địa phương vẫn tồn tại tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước, dẫn tới thiếu chủ động, sáng tạo trong việc triển khai chủ trương xã hội hóa; trang thiết bị, dụng cụ tập luyện TDTT ở các nhà văn hóa đã được trang bị nhưng chưa đồng bộ, đầy đủ; kinh phí dành cho phát triển văn hóa, thể thao ở cơ sở còn hạn hẹp…

Nam Định: Xã hội hóa TDTT tạo nhiều dấu ấn - Ảnh 2.

Ngành VHTTDL Nam Định mở rộng liên kết, phối hợp để tổ chức thành công nhiều sự kiện thể thao lớn. (Ảnh: NamĐinh)

Trước những hạn chế đó, nhằm tạo những bước chuyển biến mang tính đột phát về công tác xã hội hóa TDTT, thời gian qua ngành VHTTDL tỉnh đã ký kết các chương trình phối hợp với các ngành, địa phương, các trường học trên toàn tỉnh đẩy mạnh liên kết phát hiện, tuyển chọn, đào tạo VĐV năng khiếu thể thao. Đồng thời, mở rộng liên kết đào tạo VĐV với các trung tâm đào tạo VĐV quốc gia như: Trung tâm HLTTQG Hà Nội, Trường Đại học TDTT Bắc Ninh… để tận dụng thế mạnh về trang thiết bị, cơ sở vật chất tập luyện, kinh nghiệm huấn luyện của các trung tâm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo VĐV của tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh luôn chú trọng tới công tác nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, đào tạo TDTT như: ứng dụng khoa học công nghệ phát triển TDTT cho mọi người và tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao; thực hiện giám định khoa học đối với công tác huấn luyện TDTT, đối với VĐV năng khiếu, VĐV trình độ cao, đặc biệt là VĐV các môn thể thao trọng điểm quốc gia. Đặc biệt, tỉnh cho áp dụng công thức tính độ tăng trưởng, tố chất thể lực, nhân trắc học, sinh lý, phân loại về đặc điểm thần kinh để ấn định môn chuyên sâu, qua đó đã phát huy năng lực sở trường của từng VĐV. Ngoài ra, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ đối với VĐV, công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV thành tích cao và phòng, chống doping đạt chuẩn quốc tế cũng được tỉnh quan tâm thực hiện tốt.

Ngoài ra, ngành VHTTDL tỉnh đã cử nhiều lượt cán bộ, huấn luyện viên, trọng tài tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ do Cục TDTT, các liên đoàn thể thao tổ chức. Qua đó hình thành được đội ngũ cán bộ quản lý, huấn luyện viên thể thao có kiến thức, chuyên môn tốt để tham gia công tác tại các đơn vị quản lý, đào tạo thể thao thành tích cao của tỉnh và các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp.

Đối với công tác tổ chức, điều hành các giải đấu lớn tỉnh Nam Định đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ về sự chuyên nghiệp, chu đáo khi cùng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thành công các trận thi đấu trong khuôn khổ Giải Bóng đá vô địch quốc gia V-League, các giải cờ tướng, vật, vovinam, võ cổ truyền, các trận giao hữu bóng đá quốc tế, các trận bóng đá trong chương trình SEA Games 31… Từ mối quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế, trình độ của các VĐV Nam Định ngày càng được nâng lên và giành được nhiều thành tích rất đáng biểu dương, nhiều môn thể thao thế mạnh của tỉnh như Bơi – Lặn, Điền kinh, Vật và các môn Võ đã được khẳng định được vị thế ở sân chơi toàn quốc và quốc tế.

Để công tác phát triển TDTT tỉnh Nam Định tiếp tục đi đúng định hướng, tiếp tục gặt hái được nhiều thành tích cao, trong chiến lược phát triển TDTT tỉnh Nam Định  đã nêu rõ, thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, chính quyền đối với sự nghiệp phát triển TDTT trong giai đoạn mới. Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác phát triển TDTT. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong triển khai nhiệm vụ phát triển TDTT; lồng ghép mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về TDTT trong nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị. 

Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa phát triển sự nghiệp TDTT từ phong trào quần chúng đến thể thao chuyên nghiệp, thành tích cao; tăng cường mối quan hệ hợp tác, liên kết phát triển TDTT trong nước và quốc tế. Tập trung các nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực, bổ sung trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo TDTT các cấp; nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong các hoạt động chuyên môn của ngành; nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ quản lý, huấn luyện viên; tuyển chọn, huấn luyện, đào tạo, tập huấn VĐV; tổ chức các sự kiện, giải đấu thể thao lớn, các chương trình giao lưu, thi đấu TDTT… góp phần đưa thể thao Nam Định ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Theo Cục Thể dục thể thao

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×