Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nam Định: Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.

10/10/2022 | 08:41

Xây dựng và thực hiện các quy định về nếp sống văn minh (NSVM) trong sinh hoạt cộng đồng nói chung, trong việc cưới, việc tang nói riêng, có ý nghĩa quan trọng để xây dựng môi trường văn hóa cộng đồng lành mạnh gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Những điểm sáng từ cơ sở

Hiển Khánh là xã vùng chiêm trũng, nằm ở phía bắc huyện Vụ Bản. Thực hiện chương trình xây dựng NTM, bên cạnh việc đầu tư để hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn, công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở luôn được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện. Hàng năm, Ban chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xã xây dựng kế hoạch đôn đốc các thôn thực hiện tốt NSVM trong việc cưới, việc tang; nâng cao ý thức, trách nhiệm, phát huy vai trò tiên phong của cán bộ, đảng viên, bí thư chi bộ, trưởng thôn trong tuyên truyền, vận động tổ chức các lễ cưới, lễ tang theo quy định NSVH, phù hợp điều kiện kinh tế từng gia đình. Công tác tuyên truyền được Mặt trận Tổ quốc xã, Ban Văn hóa, Thông tin và Thể thao xã triển khai thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức như: Trên hệ thống đài truyền thanh, cổ động trực quan bằng pa-nô, áp-phích, băng-rôn, khẩu hiệu... Vào dịp Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11) hàng năm, xã tổ chức bình xét, công nhận các danh hiệu thôn, xóm, gia đình văn hóa đều xét đến tiêu chí thực hiện tốt NSVM trong việc cưới, việc tang. Do vậy, việc thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang tại xã Hiển Khánh những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực. Tình trạng gả ép “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, lệ “thách cưới” không còn; thanh niên nam nữ được tự do tìm hiểu, kết hôn trên nguyên tắc tự nguyện và làm thủ tục đăng ký kết hôn tại UBND xã trước khi tổ chức đám cưới. Mỗi đám cưới chỉ tổ chức rút gọn trên tinh thần văn minh, trang trọng, tiết kiệm với 2 lễ chính là lễ ăn hỏi và lễ cưới. Việc tang được tổ chức theo nghi thức truyền thống cơ bản của địa phương và loại bỏ những hủ tục rườm rà, lạc hậu. Tỷ lệ gia đình chọn hình thức hỏa táng tăng cao. Các lễ tiết sau đám tang đã được cắt giảm hoặc tổ chức gọn nhẹ trong phạm vi gia đình. Nghĩa trang nhân dân xã được xây dựng theo đúng quy hoạch, cách xa khu dân cư, khu hung táng và cát táng riêng biệt, đảm bảo tiện lợi cho việc chôn cất, bảo vệ môi trường.

Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang - Ảnh 1.

Một đám cưới ở xã Nam Phong (thành phố Nam Định) được tổ chức theo nếp sống văn minh.

Hải Hậu là địa phương đi đầu trong tỉnh vè thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang. Đối với việc cưới, lễ đăng ký kết hôn ở hầu hết các địa phương trong huyện được tổ chức trang trọng, đúng luật; nam nữ đăng ký kết hôn được tặng tài liệu tuyên truyền, tư vấn về kế hoạch hóa gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện phối hợp với Huyện Đoàn tổ chức phát động các phong trào, cuộc vận động “Cưới văn minh, cưới tiết kiệm”, “CLB gia đình trẻ hạnh phúc”, vận động đoàn viên thanh niên thực hiện mô hình “Đám cưới 5 không” (không rượu, bia; không thuốc lá; không cờ bạc; không cãi vã, đánh nhau; không mở loa, đài quá to, quá sớm, quá khuya). Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ các cấp trên địa bàn huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên và gia đình tích cực hưởng ứng, gương mẫu chấp hành và thực hiện tốt việc tổ chức lễ cưới theo NSVM. Mỗi năm toàn huyện có trên 1.000 đám cưới; qua theo dõi có trên 90% số đám cưới được tổ chức theo NSVM, trong đó 10% tổ chức tiệc ngọt, 20% đám cưới không mời khách thuốc lá... Nhiều thủ tục rườm rà trong tổ chức lễ cưới đã được giảm bớt, rút ngắn thời gian tổ chức, đảm bảo tiết kiệm nhưng vẫn trang trọng, đầm ấm, phù hợp thuần phong mỹ tục, điều kiện kinh tế - xã hội của gia đình, địa phương và sự tiến bộ của xã hội. Trong việc tang, hầu hết các xã, thị trấn trong huyện đã xây dựng được quy chế thực hiện NSVM trong việc tang và phổ biến trong các khu dân cư để tham vấn cộng đồng, sau đó trình HĐND xã, thị trấn phê chuẩn để tổ chức thực hiện. Một trong những đơn vị tiêu biểu của huyện là xã Hải Phương. Thực hiện Hướng dẫn số 34/HD-UBND ngày 5-5-2017 của UBND huyện Hải Hậu về “Thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội”, các chi hội, đoàn thể xóm đã tổ chức ký cam kết thực hiện quy ước nếp sống văn hóa mới theo hướng dẫn của UBND huyện, nhất là việc làm cỗ không chia phần và ăn cỗ không lấy phần.

Khi các gia đình chuẩn bị tổ chức lễ cưới đều có sự tham gia của Ban công tác Mặt trận xóm cùng gia đình bàn cách thức tổ chức sao cho phù hợp NSVM; vận động thống nhất thực hiện làm cỗ không chia phần và ăn cỗ không lấy phần. Các gia đình nhà đám thực hiện nghiêm các quy định về an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy nổ trong quá trình tổ chức. Trong việc tang, Ban chỉ đạo nếp sống văn hóa xã, xóm đến các gia đình có tang để động viên, chia buồn; đồng thời nhắc nhở gia đình tang quyến tuân thủ quy ước nếp sống văn hóa của địa phương như: các đoàn viếng sử dụng vòng hoa luân chuyển; không mở nhạc tang trước 5 giờ sáng và sau 22 giờ đêm, không để linh cữu người quá cố trong nhà quá 48 giờ…

Ở huyện Xuân Trường, từ năm 2019, Huyện ủy, UBND huyện đã xây dựng, ban hành Đề án “Tiếp tục đẩy mạnh vận động thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội trên địa bàn”, qua đó tạo động lực thúc đẩy xây dựng NTM nâng cao, hướng đến NTM kiểu mẫu giai đoạn 2020-2025. Đề án được huyện chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, kịp thời nêu gương, khen thưởng, nhân rộng mô hình hay, thiết thực của các cá nhân, tập thể tiêu biểu; đồng thời đề ra những giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, xóa bỏ triệt để những hiện tượng tiêu cực, vi phạm quy chế về thực hiện NSVM. Ở các xã, thị trấn, mỗi xóm, tổ dân phố đều đã xây dựng điểm từ 2-3 mô hình đám cưới và đám tang tổ chức theo NSVM và chọn gia đình cán bộ, đảng viên  để vận động gương mẫu thực hiện. Việc thực hiện mô hình điểm có sự hướng dẫn, giúp đỡ và giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương, sau đó họp bàn đánh giá, rút kinh nghiệm và phổ biến nhân rộng trên địa bàn. Đặc biệt, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức bỏ trống công sở đi dự lễ cưới trong giờ làm việc hầu như không còn. Trong các đám tang, việc sử dụng vòng hoa luân chuyển khi phúng viếng đã phổ biến; các tục lệ cũ như đưa tang quanh làng, rắc, rải tiền thật, vàng mã trên đường đưa tang giảm đáng kể.

Chuyển biến tích cực

Năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Sở VH, TT và DL đã ban hành Hướng dẫn số 796/HD-SVHTTDL ngày 29-7-2021 về việc “Tổ chức tang lễ, đám cưới trên địa bàn tỉnh trong điều kiện tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, góp phần vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội”. Hàng trăm gia đình trên địa bàn tỉnh đã tự hoãn tổ chức đám cưới tập trung đông người hoặc chỉ thực hiện báo hỷ; các đám tang được tổ chức gọn trong phạm vi họ tộc và được rút ngắn thời gian, tiết giảm các nghi lễ, hạn chế tập trung đông người để phòng, chống dịch COVID-19. Có thể nói, quá trình tuyên truyền, vận động và thực thi nghiêm chỉnh các quy định, quy ước cộng đồng về NSVM trong việc cưới, việc tang đã phát huy hiệu quả tích cực, làm chuyển biến nhận thức, ý thức trách nhiệm của mọi người trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, phù hợp yêu cầu tình hình mới. Mỗi năm, toàn tỉnh có hơn 13 nghìn đám cưới, gần 10 nghìn đám tang được tổ chức theo NSVM (chiếm 95-97% số đám được tổ chức). Tuy nhiên, một số tình trạng như tổ chức ăn uống nhiều ngày, mời khách tràn lan, mắc rạp cưới lấn chiếm lòng, lề đường... ảnh hưởng giao thông, đi lại của người dân và không đảm bảo an toàn giao thông vẫn còn diễn ra.

Thời gian tới, ngành VH, TT và DL tập trung đổi mới, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang và các sinh hoạt cộng đồng. Các sở, ban, ngành của tỉnh thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; cụ thể hóa quy định về nếp sống văn hóa theo chức năng, nhiệm vụ, ngành nghề của cơ quan, đơn vị mình và đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị. Các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh Báo Nam Định, Đài PT và TH tỉnh tăng cường các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, biểu dương kịp thời các điển hình thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang trên địa bàn. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh”; góp phần làm chuyển biến sâu sắc từ nhận thức đến hành động của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên thanh niên về thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang và lễ hội; từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn xã hội, xóa bỏ hủ tục lạc hậu trên địa bàn./.

Theo Báo Nam Định

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×