Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nam Định: Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang

19/10/2021 | 08:00

Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 9-2-2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh (NSVM) trong việc cưới, việc tang”, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã xây dựng hương ước, quy ước nếp sống văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố (TDP) và đưa việc thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, lễ hội vào hương ước, quy ước coi đó là một trong những tiêu chí để đánh giá, bình xét, xếp loại, công nhận các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng (thôn, xóm, TDP) văn hóa”. Đến nay, việc thực hiện NSVM trong các hoạt động này ở tỉnh ta đã đi vào nền nếp, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng theo hướng lành mạnh, tiến bộ.

Nam Định: Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang - Ảnh 1.

Những chuyển biến tích cực trong việc cưới, việc tang đã góp phần xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ. Ảnh minh họa.

Ở huyện Xuân Trường, UBND huyện đã ban hành Đề án “Đẩy mạnh vận động thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội trên địa bàn”. Xã Xuân Kiên là một trong những điểm sáng về thực hiện NSVM gắn với xây dựng NTM nâng cao giai đoạn 2018-2020. Để việc thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang đạt hiệu quả, xã Xuân Kiên đã xây dựng 2 mô hình điểm về đám cưới và lễ tang. Đối tượng thực hiện là gia đình cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên ở cơ sở. Việc thực hiện có sự hướng dẫn, giám sát của thành viên tổ công tác của xã. Ở các xóm, khi có việc cưới, việc tang, mừng thọ diễn ra, trưởng xóm mời tổ công tác của xã, Ban chi uỷ, Ban công tác Mặt trận xóm hội ý thống nhất, tuyên truyền, giúp đỡ các gia đình thực hiện các quy định NSVM trong hương ước, quy ước. Các đám tang diễn ra trên địa bàn đã hạn chế số lượng vòng hoa, lẵng hoa, bức trướng phúng viếng, các nghi lễ rườm rà được cắt bỏ. Các tang gia không để linh cữu người quá cố trong nhà quá 48 giờ, việc rải vàng mã trên đường đưa tang giảm đáng kể; tỉ lệ đám hỏa táng ngày một cao. Các nghi lễ sau đám tang như: cúng 3, 7, 49, 100 ngày được tổ chức đơn giản, tiết kiệm, trong phạm vi gia đình. Trong các đám cưới, lượng khách mời, tổ chức ăn uống, cỗ bàn giảm hẳn; đặc biệt không còn hiện tượng tiếp mời thuốc lá. Việc tổ chức đưa, đón dâu chấp hành đúng quy định của pháp luật về an toàn giao thông và trật tự công cộng. Mô hình “Cưới văn minh, tiết kiệm” ở các xóm nhận được sự hưởng ứng của đông đảo đoàn viên, thanh niên. Việc phát động phong trào “Làm cỗ đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần” nhận được sự hưởng ứng của người dân, góp phần tiết kiệm chi phí tổ chức đám cưới, xây dựng NSVM, lịch sự.

Thị trấn Quất Lâm là một trong 3 địa phương của huyện Giao Thủy triển khai thí điểm cuộc vận động “Làm cỗ đủ ăn, không làm cỗ lấy phần”, tiến tới xóa bỏ tục lệ “Ăn cỗ lấy phần” trong các đám cưới, đám tang tồn tại nhiều năm nay tại địa phương. Hướng dẫn thực hiện quy chế nếp sống văn hóa mới (sửa đổi) trong việc cưới của thị trấn quy định: Khi đôi nam nữ đến UBND thị trấn đăng ký kết hôn và xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải mời đại diện gia đình nhà trai hoặc nhà gái (có hộ khẩu tại thị trấn) ký cam kết không vi phạm các quy định chung; đặc biệt không làm cỗ lấy phần, không để sẵn túi ni lông sạch trong mâm cỗ, không dùng thuốc lá để tiếp khách. Nghiêm cấm việc tiếp âm, phóng loa to, thuê nhạc sống, hát karaoke, làm cỗ tiếp khách trong lễ đặt trầu… Đến nay, các đám cưới trên địa bàn thị trấn được tổ chức theo phương châm “trang trọng - tiết kiệm - văn minh”, đúng quy định Luật Hôn nhân và Gia đình, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa của địa phương. Các đám cưới được điều chỉnh bằng quy ước văn hóa - NTM, tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, không phô trương hình thức, không rườm rà, không nặng nề về đòi hỏi lễ vật… Nhiều đám cưới được tổ chức theo hình thức tiệc ngọt, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia. Nếu như trước đây, các đám tang ở Quất Lâm còn khá phổ biến các hủ tục: khóc thuê, lăn đường, rải vàng mã, gia chủ và khách viếng tổ chức ăn uống linh đình, cúng viếng nhiều vòng hoa... thì từ sau khi UBND thị trấn ban hành quy chế nếp sống văn hóa trong việc tang, các gia đình đều nghiêm chỉnh chấp hành quy định. Các gia đình tổ chức khâm liệm và nhập quan cho người quá cố không quá 24 giờ và không để linh cữu trong nhà quá 48 giờ. Mỗi đám tang chỉ dùng từ 3-5 vòng hoa dành cho bên nội, bên ngoại, xóm đội và đại diện cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể địa phương.

Tại thị trấn Ninh Cường (Trực Ninh), việc tổ chức đám cưới, đám tang ngày càng tiến bộ. Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Ban chỉ đạo nếp sống văn hóa thị trấn Ninh Cường đã hướng dẫn, giúp đỡ các đám hiếu trên địa bàn thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh; vận động hạn chế tối đa người đến viếng, các đoàn, hội, tổ chức chỉ cử đại diện đến thăm hỏi, chia buồn, động viên gia đình tang hiếu. Địa phương cũng quy định mỗi đám tang chỉ được sử dụng một hội kèn nam, riêng hội kèn đồng chỉ phục vụ đám tang đối với người qua đời từ 60 tuổi trở lên. Những quy định về NSVM trong việc tang ở Ninh Cường được người dân đồng tình ủng hộ, thực hiện nghiêm túc đã góp phần giảm thiểu chi phí cho các gia đình, nhất là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, đến nay, việc thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang ở tỉnh ta có nhiều chuyển biến tích cực. Trong việc cưới, các phong trào, cuộc vận động “Câu lạc bộ gia đình trẻ hạnh phúc”, “Cưới theo nếp sống mới”; “Đám cưới 5 không” (không rượu, bia; không thuốc lá; không cờ bạc; không cãi vã, đánh nhau; không mở loa, đài quá to, quá sớm, quá khuya) tại các địa phương được nhân dân hưởng ứng. 5 năm qua, toàn tỉnh có 64.220/66.555 đám cưới thực hiện theo nếp sống văn hóa mới (đạt tỷ lệ 96,5%). Trong việc tang, bên cạnh các quy định về thực hiện NSVM, việc cải táng được thực hiện đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường. Việc xây dựng lăng, mộ được quy hoạch, quy định cụ thể về quy tập mộ, hạn chế tình trạng đua nhau xây dựng lăng mộ quy mô lớn gây tốn kém. Các nghĩa trang nhân dân được quy hoạch thành khu vực hung táng, cát táng riêng. Nhiều gia đình đã lựa chọn hoả táng cho thân nhân khi qua đời. 5 năm qua, toàn tỉnh có 44.265/45.362 đám tang thực hiện theo nếp sống văn hoá mới (đạt tỷ lệ 97,6%). Năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh, Sở VH, TT và DL đã ban hành Hướng dẫn số 796/HD-SVHTTDL ngày 29-7-2021 về việc tổ chức tang lễ, đám cưới trên địa bàn tỉnh trong điều kiện tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, góp phần vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội./.

Theo Báo Nam Định

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×