Nam Định: Nâng cao hiệu quả công tác sưu tầm, trưng bày tài liệu, hiện vật
09/08/2022 | 09:00Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của vùng đất, con người Nam Định, thời gian qua, Bảo tàng tỉnh đã không ngừng nâng cao hiệu quả công tác sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày tài liệu, hiện vật có giá trị, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, học tập, giáo dục truyền thống cho nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Bảo tàng tỉnh hiện đang lưu giữ, bảo quản hơn 21 nghìn tài liệu, hiện vật; trên 3.000 tư liệu và hàng vạn di vật khảo cổ học. Để lưu giữ những giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật và làm phong phú thêm nhiều loại hình chất liệu hiện vật, Bảo tàng tỉnh đã đổi mới phương thức sưu tầm với các nội dung: sưu tầm theo chuyên đề; sưu tầm về các sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội; tiếp nhận từ nguồn khai quật khảo cổ; các tổ chức, cá nhân hiến tặng. Những năm gần đây, công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật theo chuyên đề được Bảo tàng tỉnh đặt lên hàng đầu. Các chuyên đề sau khi sưu tầm đều được nghiên cứu, trưng bày, triển lãm phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa của tỉnh. Hiện nay, các gian trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng tỉnh gồm: “Bác Hồ với Đảng bộ và nhân dân Nam Định”; “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự quan tâm của Bác với Đảng bộ và nhân dân Nam Định”; “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Bản sắc và giá trị”; “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”; “Những kỷ vật đi cùng năm tháng”. Đối với các tài liệu, hiện vật tiếp nhận từ nguồn khai quật khảo cổ, Bảo tàng đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành thực hiện nhiều dự án đào thám sát, khai quật tại các di tích; trong đó quan trọng nhất là Dự án khai quật Khảo cổ học thời Trần, giai đoạn 2005-2015 tại các di tích thời Trần trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra còn tổ chức nhiều đợt khai quật tại các di tích khác như: Phủ Vân Cát, Chùa Vạn Diệp, núi Phương Nhi… Qua đó đã thu thập được hàng nghìn di vật, cổ vật.
Hoạt động xã hội hóa hiến tặng tài liệu, hiện vật cho Bảo tàng tỉnh được nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm. 10 năm qua, Bảo tàng tỉnh đã tiếp nhận hơn 20 đợt hiến tặng từ các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài tỉnh. Tiêu biểu như: 500 tài liệu, hiện vật liên quan tới Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Phủ Dầy; sưu tập gốm Óc Eo do CLB Cổ vật Nam Bộ hiến tặng; sưu tập gốm Lý - Trần do Hội Cổ vật Thiên Trường - Nam Định và CLB UNESCO nghiên cứu, sưu tầm cổ vật tỉnh Nam Định hiến tặng; nhóm hiện vật của Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nam, nhà sưu tầm cổ vật Trần Cao Tường hiến tặng; 1.000 tài liệu sách do Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Nam Định trao tặng... Năm 2017, sau khi tiếp nhận 1.400 tài liệu, hiện vật do ông Vũ Đình Lưu - chủ sở hữu Bảo tàng Kỷ vật chiến tranh hiến tặng, Bảo tàng tỉnh đã tư liệu hóa hồ sơ khoa học pháp lý hiện vật để lưu giữ, bảo quản, trưng bày. Gần đây nhất, vào tháng 4-2022, Bảo tàng tỉnh đã tiếp nhận một số tài liệu tổng hợp về kết quả công cuộc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ tại tỉnh Nam Hà, giai đoạn 1965-1972 do Đại tá Nguyễn Xuân Bê (Hải Hậu), nguyên Trưởng Ban tác chiến, Bộ CHQS tỉnh Nam Hà hiến tặng gồm 2 tấm bản đồ và 1 cuốn sổ ghi chép về: hoạt động của máy bay không quân, hải quân Mỹ trong chiến tranh phá hoại; số lượng bom đạn địch bắn phá các mục tiêu ở tỉnh Nam Hà; các loại vũ khí quân dân Nam Hà sử dụng; thành tích bắn rơi máy bay, bắt giặc lái và bắn chìm tàu chiến của địch; tổn thất của quân dân Nam Hà (con người, tài sản, công, nông, lâm nghiệp)… Cuốn sổ ghi chép này được gia đình ông Mai Quý (tỉnh Ninh Bình) tặng ông vào năm 2013. Hai tấm bản đồ: “Hệ thống phòng không tỉnh Nam Định trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; “Thế trận phòng không bảo vệ thành phố Nam Định trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, giai đoạn 1965-1972” do chính Đại tá Nguyễn Xuân Bê dày công tập hợp, xây dựng.
Sưu tầm tài liệu, hiện vật về các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh, của đất nước là nhiệm vụ thường xuyên, được Bảo tàng tỉnh triển khai thực hiện theo từng tháng, từng quý. Đặc biệt thông qua việc giúp đỡ chuyên môn, chỉnh lý trưng bày hơn 40 nhà truyền thống các cấp, 4 bảo tàng cấp huyện và 2 bảo tàng tư nhân đã giúp cán bộ Bảo tàng tỉnh có cơ hội tiếp xúc, giao lưu, khảo sát, sưu tầm được nhiều tài liệu, hiện vật ở trong và ngoài tỉnh. Hàng năm, Bảo tàng tỉnh sưu tầm được từ 400-500 tài liệu, hiện vật về các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội. Nhiều năm qua việc sưu tầm tài liệu, hiện vật liên quan đến hoạt động bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp được Bảo tàng tỉnh chú trọng, quan tâm. Hơn 2 năm qua, dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát trên địa bàn cả nước. Bảo tàng tỉnh đã xây dựng kế hoạch, tổ chức sưu tầm được 52 tài liệu, 18 hình ảnh, 4 hiện vật, phản ánh đầy đủ các nội dung, hoạt động về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Ngoài các gian trưng bày theo chuyên đề, Bảo tàng tỉnh đã bố trí, phân chia, sắp xếp các tài liệu, hiện vật trưng bày cố định theo các chủ đề, niên đại lịch sử Nam Định như: thời Tiền sơ sử (cách ngày nay từ 2.000-5.000 năm); thời Bắc thuộc (thế kỷ I-X); thời Lý (thế kỷ XI-XII); thời Trần (thế kỷ XIII-XIV); thời Lê - Mạc - Hậu Lê (thế kỷ XV-XVIII); thời Nguyễn - Pháp thuộc (thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX); thời kỳ Cách mạng kháng chiến (1930-1975) và không gian trưng bày ngoại thất (các tác phẩm điêu khắc đá phản ánh nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt, thế kỷ XIII-XX; nhóm vũ khí, khí tài của quân đội tham gia chiến đấu bảo vệ bầu trời Hà Nam Ninh trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ). Trong số các hiện vật trưng bày cố định, có 4 Bảo vật quốc gia và 17 sưu tập hiện vật quý hiếm mang đặc trưng của vùng đất Nam Định giàu giá trị văn hóa truyền thống. Cùng với sưu tầm, trưng bày tài liệu, hiện vật, công tác tổ chức thẩm định, bổ sung thông tin cho hiện vật được Bảo tàng tỉnh tổ chức hiệu quả, tháo gỡ được nhiều vấn đề bỏ ngỏ do lịch sử để lại. Bảo tàng tỉnh đã phối hợp các chuyên gia của Bộ VH, TT và DL, Viện Khảo cổ học Việt Nam về giám định niên đại bổ sung thông tin cho nhiều nhóm hiện vật. Đến nay, đã có 1.029 hiện vật trong kho được xác định bổ sung niên đại lịch sử; xử lý kho hiện vật tạm thời với các hiện vật thiếu thông tin trở thành kho tư liệu nghiên cứu khoa học, lựa chọn bổ sung nhiều hiện vật có giá trị chuyển sang kho hiện vật của bảo tàng.
Các tài liệu, hiện vật được sưu tầm, bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh đang ngày càng phát huy giá trị, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tham quan, học tập của nhân dân. Nhiều năm qua, Sở VH, TT và DL đã phối hợp với Sở GD và ĐT, Tỉnh Đoàn tổ chức chương trình giáo dục truyền thống tại Bảo tàng tỉnh như: tham quan trưng bày nội thất, ngoại thất, di tích Cột Cờ Nam Định; tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống, đương đại, các hoạt động trải nghiệm, khám phá, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể; tổ chức các tiết học, cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của địa phương; tổ chức các tuyến điểm tham quan hệ thống bảo tàng và di tích tiêu biểu trong tỉnh…, góp phần bồi đắp kiến thức lịch sử, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ./.