Nam Định: Nâng cao chất lượng sáng tác văn học - nghệ thuật trong thời kỳ mới
15/02/2022 | 15:16Thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học - nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới”, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển VHNT; phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ; tăng cường đầu tư cho lĩnh vực VHNT, tạo điều kiện cho các hoạt động sáng tác, biểu diễn, quảng bá các tác phẩm VHNT phù hợp với sự phát triển chung của xã hội, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kịp thời các nghị quyết, kết luận của Trung ương về lĩnh vực VHNT gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của BCH Trung ương Đảng về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Nghị quyết 22-NQ/TU ngày 11-7-2013 của BCH Đảng bộ tỉnh về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng trong tình hình hiện nay”… Công tác giáo dục tư tưởng chính trị được Sở VH, TT và DL, Hội VHNT tỉnh đặc biệt quan tâm; gắn hoạt động VHNT với các sự kiện chính trị lịch sử quan trọng của tỉnh, của đất nước... Hàng năm, Hội VHNT tỉnh giới thiệu nhiều tác phẩm của văn nghệ sĩ trên báo, đài của Trung ương, của tỉnh, trên Tạp chí Văn nhân; trong đó có nhiều tác phẩm dự thi Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng). Hội VHNT tỉnh hiện có 265 hội viên sinh hoạt ở 7 bộ môn: văn xuôi, thơ, nghiên cứu - phê bình, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu. Đẩy mạnh công tác định hướng tư tưởng cho đội ngũ văn nghệ sĩ, động viên, khuyến khích các văn nghệ sĩ tích cực sáng tác, Hội VHNT tỉnh đã tổ chức nhiều đợt tập huấn nghiệp vụ cho hội viên, mở các trại sáng tác VHNT thường niên và theo chủ đề; tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác tạo cơ hội cho các văn nghệ sĩ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực và chất lượng sáng tác các tác phẩm VHNT. Bên cạnh đó, Hội VHNT tỉnh tổ chức thành công các cuộc liên hoan, triển lãm, trưng bày các tác phẩm của hội viên như: Triển lãm Mỹ thuật lần thứ XIX khu vực đồng bằng sông Hồng, Cuộc thi ảnh nghệ thuật lần thứ IV “Đất và người Nam Định”; phối hợp với Chi hội Nghệ sĩ sân khấu tỉnh dàn dựng thành công vở “Thành hoàng làng” tham dự Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc “Hình tượng Người chiến sĩ Công an nhân dân”; tổ chức kỷ niệm ngày sinh các văn nghệ sĩ lớn của tỉnh như: nhạc sĩ, họa sĩ Văn Cao, nhà thơ Nguyễn Bính, nhà thơ Đoàn Văn Cừ; tham dự Ngày thơ Việt Nam... Công tác xuất bản, quảng bá sáng tác được Hội VHNT tỉnh đẩy mạnh; duy trì xuất bản Tạp chí Văn nhân đảm bảo chất lượng quảng bá, giới thiệu các tác phẩm VHNT giá trị đến đông đảo độc giả trong và ngoài tỉnh. Trong thời gian qua đã có 80 đầu sách của 7 bộ môn VHNT chuyên ngành được xuất bản, gần 40 nghìn cuốn Tạp chí Văn nhân được phát hành tới các hội viên và bạn đọc trên cả nước. Quan tâm đến công tác tác đào tạo, bồi dưỡng, khuyến khích tài năng VHNT trẻ, Hội VHNT tỉnh đã cử nhiều hội viên tham dự trại sáng tác VHNT do Trung ương tổ chức; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo mở trại sáng tác VHNT thanh, thiếu niên.
Công tác quản lý Nhà nước về hoạt động VHNT được Sở VH, TT và DL đưa vào nội dung chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ chính trị của ngành, góp phần tạo môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy hoạt động VHNT của tỉnh ngày càng phát triển. Nhiều tác phẩm được ghi nhận bằng các giải thưởng chuyên ngành của Trung ương và của tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy đã trao tặng 10 giải thưởng VHNT về cuộc thi sáng tác với chủ đề “Tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; các hội chuyên ngành Trung ương, các bộ, ngành, các địa phương đã trao tặng 67 giải thưởng cho các loại hình VHNT; gần 600 tác phẩm được nhận hỗ trợ sáng tạo VHNT; 50 tác giả, tác phẩm đạt HCV, HCB trong các cuộc thi chuyên ngành khu vực và toàn quốc… Duy trì tổ chức Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh tổ chức 5 năm một lần. Trong đó Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh lần thứ VIII (2016-2020), UBND tỉnh trao tặng 64 giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh cho các văn nghệ sĩ có tác phẩm xuất sắc. Chất lượng sáng tác của đội ngũ văn nghệ sĩ Nam Định thời gian gần đây đã đồng hành với mặt bằng sáng tác chung của văn nghệ sĩ cả nước. Các tác giả đạt giải có sự kế tiếp 3 độ tuổi từ tác giả trẻ tuổi đầy nhiệt huyết đến trung tuổi đang ở thời kỳ đỉnh cao sáng tạo đến các tác giả kỳ cựu, có tên tuổi, giàu kinh nghiệm, được nhiều người biết đến.
Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, các hoạt động sáng tác, biểu diễn và quảng bá các tác phẩm VHNT của tỉnh có những lúc trầm lắng. Các văn nghệ sĩ Nam Định đã khắc phục khó khăn, nhanh chóng nắm bắt các vấn đề thời sự cho ra đời nhiều tác phẩm về đề tài phòng, chống dịch COVID-19. Ở bộ môn mỹ thuật, họa sĩ Vũ Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh đã sáng tác chùm tranh vui chủ đề COVID-19 đăng trên Tạp chí Văn nhân và bức tranh “Giãn cách thời COVID-19”; tác phẩm “Tránh dịch” của họa sĩ Trần Hậu được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng (khu vực II) lần thứ XXV năm 2020. Ở các bộ môn: thơ, sân khấu, nghiên cứu - phê bình, nhiếp ảnh, các hội viên cũng có nhiều sáng tác, biểu diễn các tác phẩm về chủ đề COVID-19. Tiêu biểu là các tác phẩm thơ: “Chỉ lo”, “Sài Gòn là quê”, “Lại về với phố”, “Thầm thì dõi theo”, “Đời thêm một cuộc khai sinh”… của nhà thơ Trần Kế Hoàn. Tác giả Nguyễn Công Thành, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh có 2 bài viết nghiên cứu: “Phòng chống đại dịch COVID-19 - Cuộc kiểm định xã hội toàn diện và nghiệt ngã” đăng trên Thời báo VHNT và “Trong phòng, chống đại dịch COVID-19, làm người tử tế và việc tử tế quan trọng biết nhường nào”. Tác phẩm nhiếp ảnh “Bộ đội Biên phòng tham gia phòng chống dịch COVID-19” của tác giả Đỗ Ngọc Hà được trưng bày tại Cuộc thi “Việt Nam phòng chống dịch COVID-19 qua ống kính nhiếp ảnh” do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức. Ở bộ môn sân khấu, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các hoạt động biểu diễn tập trung trên sân khấu trực tiếp của các nghệ sĩ đều tạm dừng, thay vào đó, nhiều nghệ sĩ chèo, cải lương đã triển khai mô hình “Sân khấu trực tuyến” thông qua mạng xã hội như: Youtube, Facebook, Zalo… để giới thiệu các tác phẩm mới tới công chúng; đặc biệt có nhiều tiết mục nội dung tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch COVID-19 được khán giả yêu mến, ủng hộ. NSƯT Diệu Hằng thể hiện thành công bài hát “Biết ơn thầy thuốc Việt Nam” (soạn lời Trần Quang Đẩu) có hơn 20 nghìn lượt xem trên Youtube. NSƯT Thanh Hằng với 2 bài hát cải lương: “Mẹ cứu thế đại dịch COVID”, “Chung tay chống dịch” thu hút hàng nghìn lượt xem trên Youtube, Facebook. Ở bộ môn âm nhạc, các cuộc vận động sáng tác ca khúc về phòng, chống dịch COVID-19 do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phát động luôn được đông đảo nghệ sĩ, nhạc sĩ Nam Định hưởng ứng. Các nhạc sĩ Nam Định đã sáng tác nhiều ca khúc nội dung ca ngợi lực lượng tuyến đầu chống dịch, thông cảm, sẻ chia về cuộc sống của người dân trong thời kỳ dịch bệnh. Tiêu biểu là các ca khúc của nhạc sĩ Kiều Dư: “Bão tan mặt trời bừng sáng”, “Thương lắm Sài Gòn ơi” (thơ doanh nhân Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Công ty CP Dệt may Sơn Nam), “Lời với con trong mùa dịch” (thơ Nguyễn Anh Trí), “COVID tan anh chiến thắng trở về” (thơ Lê Hà Ngân)... Các tác phẩm VHNT đã góp phần truyền cảm hứng tích cực đến với xã hội trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Để nâng cao chất lượng sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT trong thời kỳ mới, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ sáng tác, nghiên cứu, phê bình VHNT phát huy khả năng sáng tạo; các văn nghệ sĩ tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa để tập trung sáng tác các tác phẩm, công trình VHNT có giá trị về nghệ thuật, nội dung, tư tưởng, động viên tinh thần cho nhân dân thi đua lao động, sản xuất, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn cuộc sống, gắn bó với nhân dân, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Xây dựng chế độ chính sách đối với văn nghệ sĩ, tăng cường đầu tư kinh phí cho hoạt động chuyên môn. Huy động nguồn lực xã hội hóa trong hoạt động VHNT; xây dựng quy chế quản lý Quỹ hỗ trợ sáng tạo VHNT trong từng giai đoạn để đầu tư cho các tác phẩm chiều sâu, đỉnh cao. Thường xuyên quan tâm công tác bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng để văn nghệ sĩ nắm bắt kịp thời quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách mới của Đảng và Nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung, về VHNT nói riêng; tạo nền tảng cho tư duy, cảm xúc trong sáng tác các tác phẩm VHNT góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân./.