Nam Định: Hướng tới mục tiêu phát triển văn hóa đến năm 2030
14/09/2021 | 09:15Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa, giai đoạn 2010-2020, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người ở tỉnh Nam Định đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức về văn hóa của các cấp, các ngành và toàn dân được nâng lên; đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú.
Các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, kế thừa, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành. Nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được bảo tồn, phát huy; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng được quan tâm. Giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa có nhiều khởi sắc.
Tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển văn hóa của Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (Nghị quyết 33) và Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 9-6-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIX) về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định” (Nghị quyết 07); trong đó, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã xác định xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa; tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự bùng nổ của công nghệ thông tin, truyền thông. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) của tỉnh đã cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về văn hóa; tăng cường thanh tra, kiểm tra lĩnh vực văn hóa. Sở VH, TT và DL đã xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, định hướng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở, Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng nhiều hình thức: cổ động trực quan, qua hệ thống truyền thanh cơ sở, cổng thông tin điện tử…; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của địa phương, đất nước.
Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 33 và Nghị quyết 07, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung của các nghị quyết và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở VH, TT và DL về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của các cấp uỷ Đảng, chính quyền về phát triển văn hóa; tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tại các địa phương, các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư đã phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội trong việc tổ chức, quản lý các hoạt động văn hóa; chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa… Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được đưa vào quy ước, hương ước thôn, xóm, tổ dân phố (TDP); đề cao vai trò của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với mục tiêu “Xây dựng cộng đồng dân cư có đời sống kinh tế phát triển, đời sống tinh thần phong phú, củng cố, gắn kết mối quan hệ giữa các thành viên trong mỗi gia đình, dòng họ và làng xóm”. Đến nay, toàn tỉnh có 534.369/604.175 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” (đạt tỷ lệ 86,79%); 3.553/3.634 làng, thôn, xóm, TDP được công nhận danh hiệu “Khu dân cư văn hóa” (đạt tỷ lệ 97,8%); 84,9% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn “Nếp sống văn hóa”. Nhiều địa phương đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc huy động các nguồn lực phát triển đời sống văn hóa cộng đồng như các huyện: Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Trực Ninh… Phong trào xây dựng “Khu dân cư văn hóa” đã phát huy tốt vai trò tự quản, đoàn kết cộng đồng cùng chung tay giúp đỡ các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Các mô hình: “Gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “Gia đình vượt khó đi lên”, “Gia đình nhiều thế hệ chung sống mẫu mực” đã góp phần đắc lực cho hiệu quả của phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”.
Việc thực hiện chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa đã tăng cường vai trò trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng, bảo đảm mức hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của người dân; đồng thời tạo điều kiện cho người dân tham gia sáng tạo các giá trị văn hóa. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), nguồn ngân sách các cấp và nguồn xã hội hóa, hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Toàn tỉnh có 12 nhà văn hóa (NVH) của các ngành: Công an, Quân đội, Thanh niên; 10 NVH cấp huyện, thành phố, 100% xã (phường, thị trấn), 3.005/3.634 làng (thôn, xóm, TDP) có NVH, địa điểm sinh hoạt văn hóa, 2.641/3.634 làng (thôn, xóm, TDP) có sân thể thao… Phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng tại các địa phương phát triển ngày càng lớn mạnh, thu hút đông đảo người dân có năng khiếu tham gia. Toàn tỉnh hiện có 60 câu lạc bộ văn hóa - nghệ thuật; 866 đội văn nghệ quần chúng; trong đó cấp huyện, thành phố có 24 đội, cấp xã, phường, thị trấn có 186 đội, cấp thôn, xóm, TDP có 657 đội; hơn 1.500 câu lạc bộ thể thao cơ sở, thu hút 35,05% dân số, 19,05% số gia đình luyện tập thể thao thường xuyên. Để nâng cao chất lượng hoạt động, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các huyện, thành phố thường xuyên quan tâm bồi dưỡng các hạt nhân văn nghệ cơ sở, xã hội hoá tổ chức các hoạt động, giao lưu, biểu diễn tạo điều kiện để các đội văn nghệ quần chúng tham gia.
Công tác quản lý, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp, đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của nhân dân, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc cho thế hệ trẻ. Các hình thức sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng trong tỉnh phong phú gắn với những lễ hội truyền thống quy mô lớn như: Hội chợ Viềng Xuân, Lễ hội Khai ấn Đền Trần, Lễ hội Phủ Dầy... Công tác quản lý và tổ chức lễ hội luôn được chính quyền các địa phương quan tâm chỉ đạo. Nhiều công trình văn hoá tâm linh được đầu tư, xây dựng, nâng cấp đã góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, con người Nam Định đến với du khách trong và ngoài nước. Các dự án như: Dự án xây dựng Khu trung tâm lễ hội Trần (thành phố Nam Định), Quy hoạch phân khu Quần thể di tích Phủ Dầy (Vụ Bản), Dự án cải tạo, nâng cấp Quần thể lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh (Xuân Trường) được triển khai thực hiện với kinh phí hàng trăm tỷ đồng.
Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 do Bộ VH, TT và DL trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được xác định phải thể hiện khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường. Thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tăng cường công tác quản lý Nhà nước về văn hoá, tạo cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể với các tổ chức xã hội, tạo điều kiện cho sự phát triển văn hoá đồng đều trên các lĩnh vực. Tăng cường công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao quần chúng. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các dịch vụ văn hoá; chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trên lĩnh vực văn hoá; ngăn chặn kịp thời các sản phẩm văn hoá độc hại tác động xấu đến đời sống xã hội. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, gìn giữ phong tục tập quán tốt đẹp trong cộng đồng. Xây dựng kế hoạch đầu tư và thực hiện quy hoạch về cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch tâm linh. Các địa phương, đơn vị trong tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện các nội dung cụ thể của phong trào góp phần phát triển văn hóa nói chung, gắn với công cuộc xây dựng NTM nâng cao, hướng tới NTM kiểu mẫu, giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo./.