Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nam Định: Hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật "bắt nhịp" cảm xúc cộng đồng

06/08/2021 | 14:07

Dịch COVID-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội; trong đó ảnh hưởng đến các lĩnh vực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VH, TT và DL), đặc biệt là các hoạt động sáng tác, biểu diễn nghệ thuật của các nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn.

Nam Định: Hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật "bắt nhịp" cảm xúc cộng đồng  - Ảnh 1.

Các ca sĩ Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh luyện tập, thu âm ca khúc mới.

Hàng năm, trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều lễ hội và hoạt động biểu diễn, giao lưu văn hóa, văn nghệ, triển lãm nghệ thuật vào dịp Tết Nguyên đán, các ngày kỷ niệm, sự kiện chính trị của địa phương, đất nước. Các đơn vị nghệ thuật của tỉnh như: Nhà hát Nghệ thuật truyền thống, Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm (Sở VH, TT và DL) thường dàn dựng tổ chức các chương trình ca múa nhạc phục vụ nhân dân như: Chào năm mới, Tết quê hương, kỷ niệm Ngày thành lập Đảng (3-2), Ngày Giải phóng miền Nam (30-4), Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5), Ngày Quốc khánh (2-9) tại tiền sảnh Nhà văn hóa 3-2 tỉnh và các lễ hội lớn quy mô vùng như lễ hội Khai ấn Đền Trần, lễ hội Đền Trần, lễ hội Phủ Dầy… Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19, các hoạt động tập trung đông người phải hạn chế, tạm dừng. Đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công và những người làm công tác văn hóa từ tỉnh đến cơ sở đang gặp khó khăn trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn cũng như trong sáng tác, biểu diễn nghệ thuật. Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh có 84 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, nhân viên. Nếu không có dịch, để chuẩn bị cho các cuộc thi sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc và công diễn các vở mới trong năm, các đoàn nghệ thuật chèo, cải lương, kịch nói sẽ lên kế hoạch và chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất để tập luyện, dựng vở phục vụ khán giả. NSƯT Thanh Hằng, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh cho biết: “Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến công việc của các nghệ sĩ, diễn viên hoàn toàn “đóng băng”, các đoàn nghệ thuật không có đất diễn và gặp nhiều khó khăn về nguồn thu. Toàn bộ các hợp đồng biểu diễn tại các lễ hội trong tỉnh cũng như các chuyến lưu diễn tại nhiều tỉnh, thành phố đều phải hủy bỏ. Việc dừng biểu diễn đồng nghĩa với nỗi lo không đạt chỉ tiêu về số buổi diễn, doanh thu của đơn vị trong năm. Tuy vậy, các đơn vị cũng phải tìm giải pháp khắc phục khó khăn duy trì luyện tập tại gia đình, luôn trong tâm thế chuẩn bị sẵn sàng biểu diễn phục vụ khán giả khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát”. Một số ca sĩ, nghệ sĩ, nhạc công của Nhà hát đã khai thác, phát huy nền tảng công nghệ số như: các mạng xã hội, phần mềm ứng dụng Bigo, Facebook biểu diễn trực tuyến (livestream) để đưa lời ca, tiếng hát của mình đến công chúng yêu âm nhạc, vừa duy trì kết nối với khán giả, vừa nuôi dưỡng tình yêu nghề. NSƯT Kiều Dư, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các nghệ sĩ, diễn viên, các câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật của Trung tâm phải tạm dừng hoạt động biểu diễn và sinh hoạt tập trung, chuyển sang luyện tập tại gia đình”. Ca sĩ Minh Hoàng (Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh) chia sẻ: “Gia đình tôi cũng đang “lao đao” vì dịch COVID-19. Cả tôi và vợ đều làm nghệ thuật. Nếu không có dịch, ngoài việc biểu diễn phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị của địa phương, cả hai vợ chồng còn nhận nhiều show diễn trong các sự kiện cưới hỏi, khai trương cửa hàng… để có thêm thu nhập. Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát trở lại, tất cả các hoạt động này đều phải tạm dừng, đảm bảo giãn cách, tránh tập trung đông người. Không đi biểu diễn, tôi cùng các ca sĩ, nhạc sĩ của Trung tâm có nhiều thời gian sáng tác, thu âm, luyện tập thanh nhạc để cho “ra đời” những ca khúc mới, nội dung ý nghĩa động viên, sẻ chia với đội ngũ y, bác sĩ, vinh danh những người làm công tác y tế, lực lượng vũ trang như một món quà tinh thần tiếp thêm sức cho những người trên tuyến đầu chống dịch”.

Đối với các văn nghệ sĩ ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh dịch COVID-19 khiến cho việc tập hợp các hội viên để mở trại sáng tác, tổ chức những chuyến đi xa để giao lưu, học hỏi, trải nghiệm đều tạm hoãn. Để làm “nóng” cảm xúc, các văn nghệ sĩ đã chủ động hoạt động độc lập để thu thập tư liệu và tìm kiếm đề tài mới. Chủ đề COVID-19 tiếp tục được các tác giả khai thác để sáng tác và quảng bá trên nền tảng ứng dụng mạng xã hội. Các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, văn xuôi, thơ được các tác giả giới thiệu thông qua mạng xã hội thu hút nhiều lượt người xem, theo dõi, bình luận, chia sẻ. Đây là cách giúp các văn nghệ sĩ tiếp cận nhiều hơn với công nghệ thông tin; đồng thời quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật đến công chúng, góp phần lan tỏa thông điệp cùng chung tay phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh trong cộng đồng.

Ngày 1-7-2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó có các nghệ sĩ hoạt động tại các đơn vị nghệ thuật công lập. Cụ thể, hỗ trợ một lần 3 triệu 710 nghìn đồng/người đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-12-2021. Tổng số nghệ sĩ được hưởng chính sách này ở tỉnh ta là trên 30 người thuộc hai đơn vị nghệ thuật công lập: Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh và Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh.

Dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế và tinh thần của toàn xã hội, trong đó có những người làm văn hóa, nghệ thuật. Đời sống nghệ sĩ gặp khó khăn nhưng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật chỉ đang tạm “lắng” chứ không “trầm” đi vì họ đã kịp bắt nhịp các xúc cảm của cộng đồng, thời cuộc; có thời gian nuôi dưỡng, trau dồi cảm xúc cho những sáng tác mới về các vấn đề của đời sống xã hội trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc”, niềm tin về một ngày quê hương, đất nước không còn dịch bệnh./.

Theo Báo Nam Định

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×