Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nam Định: Giữ gìn và phát triển các câu lạc bộ chèo truyền thống

21/06/2024 | 09:30

Những năm qua, cùng với sự phát triển của sân khấu chèo chuyên nghiệp, phong trào hát chèo trong quần chúng nhân dân cũng diễn ra sôi nổi tại các địa phương trong tỉnh. Hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) chèo đã góp phần tích cực trong việc gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật chèo truyền thống.

Nam Định: Giữ gìn và phát triển các câu lạc bộ chèo truyền thống - Ảnh 1.

Một buổi biểu diễn chèo của Câu lạc bộ thơ ca xã Mỹ Hà.

Huyện Mỹ Lộc trước đây có 3 làng chèo nổi tiếng là làng Đặng, xã Mỹ Hưng; làng Quang Sán, xã Mỹ Hà; làng Nhân Nhuế, xã Mỹ Thuận. Trong đó, chèo làng Đặng là nổi tiếng hơn cả và được coi là cái nôi của nghệ thuật chèo truyền thống ở Nam Định. Ban đầu khi mới thành lập, chèo Đặng Xá được gọi là gánh chèo làng Đặng bởi người trong thôn hầu hết là người họ Đặng. Trong những năm gian khó của đất nước, gánh chèo đã mang những vở chèo như: Lưu Bình - Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính… với những lời ca, tiếng hát phục vụ người dân trong và ngoài tỉnh, cổ vũ tinh thần lao động của nhân dân… Thời điểm phong trào ca hát ở địa phương phát triển, đặc biệt là những năm đầu hòa bình, đội chèo có thời điểm lên tới hơn 30 thành viên. Đội chèo đi diễn ở đâu, nơi đó như có hội, người người, nhà nhà đi xem hát chèo. Ngoài phục vụ nhân dân trong tỉnh, đội văn nghệ làng Đặng còn đi phục vụ nhân dân các tỉnh khác. Từ những vở chèo cổ đến những vở mới được cải biên dần ra đời để phù hợp với hoàn cảnh đất nước từng thời kỳ, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa văn nghệ của nhân dân. Có thời gian, chèo Đặng Xá nức tiếng gần xa, từng vang danh trong các cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh, những người nghệ sĩ nông dân đã mang tiếng hát chèo đi biểu diễn khắp xóm, ngoài thôn. Tiếng chèo luôn rộn rã trong mọi hoạt động, trở thành món ăn tinh thần và nét văn hóa độc đáo của vùng quê thanh bình này. Trải qua thời gian, ngày nay, gánh chèo làng Đặng giờ chỉ còn lại một đội chèo hầu hết là những người cao tuổi song vẫn tâm huyết, nặng lòng gìn giữ nghệ thuật truyền thống quê hương. Đội chèo vẫn cùng nhau luyện tập những lúc nông nhàn, trau chuốt lời ca, tiếng hát, điệu múa để có những tiết mục đặc sắc phục vụ các dịp hội làng và những sự kiện lớn của địa phương. Bà Đặng Thị Phương, thành viên đội chèo làng Đặng cho biết: “Ngày nay đời sống phát triển, nhiều hình thức giải trí mới ra đời nhưng chúng tôi vẫn ý thức rằng phải giữ gìn truyền thống của quê hương, trao truyền loại hình nghệ thuật này cho lớp trẻ để nét đẹp văn hóa không bị mai một”. Hiện chỉ còn làng Thượng ở xã Mỹ Hưng là giữ được tiếng chèo ngày nào. Đội chèo làng Thượng có khoảng 20 hội viên, người cao tuổi nhất đã gần 90 tuổi, người trẻ nhất cũng hơn 50 tuổi nhưng vẫn giữ được thần thái, “chất lửa” của chiếu chèo Đặng Xá xưa. Đội chèo vẫn cùng luyện tập, trau chuốt lời ca, tiếng hát, điệu múa để có những tiết mục đặc sắc phục vụ các dịp hội làng và những sự kiện lớn của đất nước. Những tiết mục đặc sắc được đội dàn dựng công phu thể hiện niềm tin vào Đảng, vào Bác Hồ kính yêu, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân trong và ngoài xã.

CLB hát chèo thôn Phú Văn Nam, xã Hải Châu (Hải Hậu) ra đời từ khoảng năm 1960. Vốn là vùng quê có truyền thống hát chèo, những người nông dân chung niềm yêu nghệ thuật chèo đã tụ hội và thành lập chiếu chèo phục vụ nhu cầu thưởng thức văn nghệ của nhân dân. Ông Đinh Thạch Biên, Chủ nhiệm CLB hát chèo thôn Phú Văn Nam chia sẻ: CLB có đầy đủ thành phần từ người hát, múa đến người chơi nhạc cụ đàn bầu, trống, nhị… Mọi người đều tự học, tự tập luyện, người vào trước dạy người đến sau. Cứ như vậy, các vở chèo không chỉ được CLB biểu diễn, phục vụ nhân dân mà còn là những bài diễn tại các hội thi của huyện, tỉnh. Nhiều tiết mục chèo khi CLB biểu diễn đã mang lại cảm xúc đặc biệt cho người xem như “Quê hương và nỗi nhớ” theo điệu chèo cổ “Luyện năm cung” và “Khúc hát tình yêu” theo điệu “Đường trường bán thước” biểu diễn tại Hội diễn văn nghệ quần chúng dịp 2/9 ở huyện Hải Hậu. Không chỉ diễn lại các vở chèo cổ, thành viên của CLB còn tự sáng tác, dàn dựng những tác phẩm mới mang nội dung ngợi ca truyền thống quê hương, thành tựu xây dựng nông thôn mới, cổ vũ tinh thần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Không thể phủ nhận giá trị của nghệ thuật chèo với những làn điệu mượt mà phản ánh tâm tư, nguyện vọng trong đời sống, giúp đời sống tinh thần người dân trở nên phong phú. Tuy nhiên, hiện nay, việc lưu giữ và lan tỏa môn nghệ thuật này trong quần chúng đang gặp phải không ít khó khăn, đòi hỏi sự quan tâm của chính quyền địa phương và các cơ quan văn hóa. Bên cạnh đó, kinh phí để duy trì hoạt động của các CLB còn rất hạn hẹp, chế độ đãi ngộ với các nghệ nhân chèo gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, nhiều CLB không có kinh phí để duy trì hoạt động. Mọi chi phí từ mua trang phục, đạo cụ... đều do các thành viên tự đóng góp nên rất hạn chế. Bà Phạm Thị Hạnh, thành viên CLB hát chèo thôn Phú Văn Nam tâm sự “Do đặc thù công việc làm nông nghiệp, đội chèo không có thời gian luyện tập cố định. Tuy vậy, hễ khi có thông báo tập hợp là ai nấy đều cố gắng thu xếp việc nhà đến sinh hoạt CLB. Đây là sân chơi bổ ích của những người đam mê làn điệu chèo, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là những thành viên “cứng” trong CLB đã cao tuổi, lớp kế cận lại chưa có nhiều. Thế hệ trẻ có nhiều hình thức giải trí, nên các loại hình văn hóa văn nghệ truyền thống trong đó có hát chèo đang dần ít được quan tâm hơn. CLB hiện đang dạy một cháu 7 tuổi hát chèo với mong muốn truyền tình yêu chèo tới thế hệ trẻ, hy vọng gìn giữ và phát huy vốn quý của nghệ thuật hát chèo của ông cha”.

Công tác phát triển các loại hình sân khấu truyền thống nói chung, nghệ thuật chèo nói riêng đang đứng trước nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, người dân vẫn nỗ lực gìn giữ nghệ thuật chèo thông qua việc sinh hoạt tổ đội, thành lập CLB và sáng tác, cải biên lời dựa trên những điệu chèo cổ, qua đó giúp các sân khấu truyền thống vẫn luôn ngân lên những làn điệu chèo truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo Báo Nam Định

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×