Nam Định: Gìn giữ giá trị lịch sử - văn hóa qua các sắc phong
22/09/2023 | 16:33Bảo tàng tỉnh hiện đang lưu trữ và bảo quản nguồn tư liệu Hán - Nôm phong phú, trong đó có 34 đạo sắc phong thuộc niên đại các thời: Lê, Tây Sơn, Nguyễn. Các sắc phong góp phần bổ sung tư liệu về công lao của các nhân vật lịch sử và là nguồn tư liệu quan trọng để nghiên cứu về tín ngưỡng dân gian.
Đồng chí Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Sắc phong là loại văn bản pháp quy chính thống của Nhà nước phong kiến xác nhận bằng ấn triện của nhà vua. Về cơ bản, sắc phong gồm hai loại: Sắc phong chức tước dùng để phong cấp, tưởng thưởng chức tước cho các công thần và sắc phong thần cho các thần linh hoặc những bậc hiển thánh được thờ cúng trong đình, đền, miếu, từ đường... Ở mỗi triều đại các sắc phong cũng khác nhau về kiểu chữ. Sắc phong thời Lê thường có chữ mềm mại theo các kỹ thuật của thư pháp; sắc phong thời Nguyễn thường chữ nhỏ hơn, nét bút cứng hơn… Hiện nay, có nhiều sắc phong cho các vị vua Trần được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. Sắc phong Vua Trần Thái Tông có niên đại từ thời Lê Trung Hưng (1710) chất liệu giấy. Theo đánh giá của các nhà khoa học, đây là một trong những sắc phong có giá trị cao về mỹ thuật, văn hóa, lịch sử. Sắc phong được làm từ giấy màu vàng, trang trí hoa văn hình rồng lớn ẩn trong mây xen kẽ các hoa văn chấm; có 13 dòng với 153 chữ, kích thước chữ tương đối lớn theo kiểu nghệ thuật thư pháp. Dấu triện đỏ “Sắc mệnh chi bảo” nằm trên dòng ghi niên đại của sắc phong. Nội dung của sắc phong phong cho Thái Tông Hoàng đế là vị Hoàng đế văn võ toàn tài, lòng nhân sáng tỏ, đức nghĩa rạng ngời, ban huệ cho dân, rạng ngời tài trí; trước nối nghiệp cha ông, sau rộng ơn ban khắp, dựng xây cơ nghiệp, nhân đức thấm nhuần, thịnh trị dài lâu, lộc ân ban phát, giúp đời, giúp nước… Qua nội dung sắc phong đã góp phần bổ sung tư liệu trung thực về tên, tuổi và công lao của vị vua đầu tiên nhà Trần - Vua Trần Thái Tông, tên thật là Trần Cảnh. Sau khi lên ngôi vua, ông đã có những đóng góp nổi bật mang nhiều ý nghĩa lịch sử trong việc củng cố chế độ Trung ương tập quyền. Về lĩnh vực kinh tế, ông quan tâm mở rộng sản xuất nông nghiệp, khai khẩn đắp đê. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ nhất, quân dân Đại Việt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trần Thái Tông đã giành chiến thắng vang dội, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần quật cường của dân tộc, đứng lên đồng lòng đoàn kết, đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc.
Sắc phong cho Thánh Tông hoàng đế được Bảo tàng tỉnh sưu tầm có niên đại năm Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710) thời Lê Trung Hưng. Hiện nay, sắc phong này được bảo quản trong tình trạng khá nguyên vẹn. Sắc phong có tổng cộng 13 dòng với 165 chữ; kiểu chữ viết thư pháp nội dung ca ngợi Vua Trần Thánh Tông với nhiều mỹ tự như: “… thuần tuý, khiêm nhường, hoà mục, dốc lòng vun đắp phúc lành thịnh trị; lòng nhân hiển hiện, mở mang nghiệp lớn; oanh liệt vẻ vang, huân cao rộng mở; thịnh trị dài lâu; cứu nước cứu dân, rộng ban ân trạch, giúp nền hưng bình thịnh trị…”. Qua sắc phong, thêm minh chứng Trần Thánh Tông là vị hoàng đế hiền tài. Trong vai trò Thái thượng hoàng, ông đã cùng Vua Trần Nhân Tông lãnh đạo quân, dân Đại Việt giành chiến thắng trong hai cuộc chiến cuối cùng chống lại quân đội nhà Nguyên sang thôn tính nước ta lần thứ hai năm 1285 và lần thứ ba năm 1287; nước Đại Việt trong thời gian Trần Thánh Tông làm vua và làm Thái Thượng hoàng đã phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, văn hóa, giáo dục.
Sắc phong cho đức Vua Trần Nhân Tông thời Lê Trung Hưng được tiếp nhận về Bảo tàng tỉnh năm 2009. Sắc ban ngày 10-8 niên hiệu Vĩnh Thịnh 6 (1710) có nhiều đặc trưng tiêu biểu. Mặt trước sắc phong làm từ giấy dó màu trắng vẽ rồng đao mác lá hỏa, hoa văn chấm với 18 dòng chữ Hán ca ngợi Ngài là vị Hoàng đế: Huyền vi tinh tế, là vị thần tiên, còn ban điều phúc, mọi sự tốt lành, cứu giúp muôn dân, trấn yên cơ nghiệp, sáng suốt quả cảm, giáo hóa rộng khắp… Nội dung sắc phong đã giúp các nhà nghiên cứu lịch sử có thêm nguồn tư liệu để khẳng định: Trần Nhân Tông là vị vua anh minh, có công trong sự nghiệp trấn hưng đất nước, góp phần quan trọng vào việc lãnh đạo dân tộc trong hai lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên - Mông; là người sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm.
Bên cạnh sắc phong các vị vua Trần, một số sắc phong về các nhân vật tướng lĩnh, hoàng thái hậu thời Trần là một trong những tư liệu quý mà Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ. Sắc phong ngày 18-3 năm Khải Định thứ 2 (1917) cho Tuyên Triết Hoàng thái hậu tôn thần, tương truyền là vợ Vua Trần Thái Tông. Hiện vật được Bảo tàng tỉnh sưu tầm ở nhà thờ Mẫu, thôn Đệ Nhì, xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc). Sắc phong trang trí hoa văn rồng, hình chấm được phủ nhũ bạc, có 7 dòng với 74 chữ, chữ viết chân phương, nét nhỏ, đều và đẹp. Sắc có nội dung ca ngợi Tuyên Triết Hoàng thái hậu tôn thần có công giúp nước giúp dân, nhiều lần linh ứng; phong bà làm Trai Tĩnh Dực Bảo Trung Hưng bậc Trung đẳng thần. Hiện nay, sắc phong được bảo quản nguyên vẹn tại kho hiện vật Bảo tàng tỉnh.
Sắc phong là một loại hình di sản văn hóa, là nguồn tài liệu quý hiếm có giá trị về nhiều mặt. Để gìn giữ và phát huy giá trị các sắc phong cổ, nhiều năm nay Bảo tàng tỉnh đã làm tốt công tác nghiên cứu sưu tầm, bảo quản, trưng bày phát huy giá trị các sắc phong. Các sắc phong sau khi được Bảo tàng tỉnh tiếp nhận đều được tư liệu hóa, dịch thuật, phiên âm, số hóa và bảo quản theo các quy trình nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh thường xuyên cử cán bộ chuyên môn tập huấn để làm tốt công tác bảo quản. Hàng năm xây dựng kế hoạch bảo quản và khám nghiệm, phân tích, đánh giá nguyên nhân tác động, làm hư hại ảnh hưởng đến hiện vật để đưa ra phương pháp trị liệu, bảo quản phù hợp. Với các sắc phong có dấu hiệu mục, rách, cán bộ Bảo tàng có chuyên môn nghiệp vụ sẽ tiến hành các khâu xử lý ẩm mốc, bồi dán, bọc giấy chuyên dùng để bảo vệ sắc phong. Vào dịp đầu xuân hàng năm, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Hội Cổ vật Thiên Trường tổ chức triển lãm trưng bày cổ vật, trong đó có các sắc phong ở Bảo tàng tỉnh qua đó giới thiệu với độc giả những giá trị quý giá của các sắc phong cần bảo tồn./.