Nam Định: Để phong trào văn nghệ quần chúng ngày càng lan tỏa
01/03/2024 | 10:48Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở thông qua việc phát triển phong trào văn nghệ quần chúng (VNQC) là một trong những nội dung quan trọng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (ĐSVH) cơ sở”. Qua phong trào VNQC đã đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ mới.
Từ sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, các địa phương, giai đoạn 2018-2023, phong trào VNQC trên địa bàn tỉnh phát triển rộng khắp cả bề rộng và chiều sâu, trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, từ tỉnh đến các huyện, thành phố, thôn, xóm, tổ dân phố. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 11-8-2023 thực hiện “Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa, văn nghệ giai đoạn 2023-2025”; chỉ đạo Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các chương trình VNQC sôi nổi, phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhân các ngày lễ, tết, ngày kỉ niệm lớn của quê hương, đất nước. Các địa phương trong tỉnh đã xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng ĐSVH cơ sở như: BCH Đảng bộ huyện Vụ Bản ban hành Nghị quyết 04-NQ/HU ngày 5-5-2021 về “Xây dựng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đất Thiên Bản gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo”; UBND huyện Mỹ Lộc ban hành Kế hoạch 1667/KH-UBND ngày 28-4-2022 về thực hiện “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn huyện”; UBND huyện Hải Hậu ban hành Kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 22-9-2023 về thực hiện “Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn huyện”...
Hàng năm, các huyện, thành phố Nam Định đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Nhiều tốp, tổ, đội, nhóm, câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ đa dạng các bộ môn nghệ thuật được thành lập, như: hát chèo, hát văn, hát chầu văn, ca trù, hát xẩm, cải lương, kịch, hát ca khúc cách mạng, thơ ca, múa hát dân gian, ca - múa - nhạc hiện đại, nhảy dân vũ, biểu diễn nhạc cụ, trống hội…, nội dung sinh hoạt phong phú, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Theo số liệu thống kê của ngành, toàn tỉnh hiện có hơn 900 đội, CLB VNQC; trong đó, cấp huyện, thành phố có hơn 20 đội, CLB; cấp xã, phường, thị trấn có gần 200 đội, CLB; cấp thôn, xóm, tổ dân phố có hơn 700 đội, CLB cùng hàng trăm tổ, đội, CLB văn hóa, văn nghệ ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học. Các mô hình đội, CLB VNQC được duy trì, nhân rộng ở nhiều địa phương, đảm bảo phát triển cả về số lượng và chất lượng. Mỗi CLB VNQC có từ 10-30 thành viên ở mọi lứa tuổi, thành phần xã hội tham gia, trong đó có những thành viên đam mê văn nghệ, am hiểu về các loại hình nghệ thuật, nhạc cụ dân tộc và bản sắc văn hóa địa phương làm hạt nhân. Mỗi năm, các đội, CLB VNQC trong tỉnh tổ chức từ 500-800 buổi sinh hoạt, biểu diễn. Các tiết mục, chương trình văn hóa, VNQC có nội dung phong phú, đa dạng, lồng ghép tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, xây dựng ĐSVH cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống bạo lực gia đình và phát triển kinh tế - xã hội... Qua đó, tạo sự đoàn kết trong các khu dân cư, gia đình, thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh trong cộng đồng. Các tiết mục, chương trình VNQC đã trở thành “món ăn” tinh thần đặc sắc, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong ĐSVH tinh thần của nhân dân.
Từ thực tế cho thấy, trong phong trào VNQC hiện nay, bên cạnh những tổ, tốp, đội văn nghệ xung kích; các đội, CLB VNQC gọn nhẹ ngày càng phát triển mạnh mẽ, làm nòng cốt cho phong trào ở cơ sở. Nguồn lực để hoạt động chủ yếu từ nguồn xã hội hóa (thành viên tự đóng góp và vận động) nên các đội, CLB VNQC đã chú trọng về chất lượng nội dung, chủ động mua sắm trang phục, đạo cụ, nhạc cụ phục vụ việc tập luyện và biểu diễn. Đặc biệt chú trọng đến việc bảo tồn, gìn giữ, kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống như các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc luôn được cộng đồng yêu thích. Tại các huyện: Hải Hậu, Giao Thủy, Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực… có phong trào VNQC phát triển mạnh thì thôn, làng nào cũng có tổ, đội, CLB VNQC. Ở đó, các tổ chức VNQC gắn với các đoàn thể được sự ủng hộ về kinh phí từ chính quyền địa phương và các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp nên phần nào đã tháo gỡ những khó khăn về kinh phí hoạt động, chế độ bồi dưỡng, động viên các diễn viên không chuyên tập luyện.
Để các loại hình văn hóa, nghệ thuật quần chúng từ tỉnh đến cơ sở duy trì và phát triển đảm bảo yêu cầu, Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các huyện, thành phố Nam Định hướng dẫn nghiệp vụ cho các CLB văn hóa, văn nghệ tại các địa phương tổ chức sinh hoạt, tập luyện và biểu diễn; dàn dựng chương trình nghệ thuật cho các đội, CLB VNQC khi tham gia hội thi, hội diễn, liên hoan VNQC; tổ chức các lớp đào tạo năng khiếu, phát hiện và bồi dưỡng những hạt nhân văn nghệ, đặc biệt là các lớp nghệ thuật dành cho thiếu nhi, thanh, thiếu niên trong dịp hè. Giai đoạn 2018-2023, tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình VNQC như: Liên hoan nghệ thuật quần chúng tỉnh; Liên hoan nghệ thuật quần chúng các huyện, thành phố; Ngày hội văn hóa - thể thao huyện; hội diễn VNQC chúng các xã, phường, thị trấn; giao lưu, biểu diễn VNQC tại các khu dân cư, trường học…
Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế văn hóa và thiết chế văn hóa cơ sở được Sở VH, TT và DL, các cấp, các ngành, địa phương luôn quan tâm. Thực hiện Quyết định 2164/QĐ-TTg ngày 11-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030”, nhiều địa phương trong tỉnh đã tích cực vận động xây dựng thiết chế văn hóa các cấp. Đặc biệt, từ khi phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, tỉnh đã huy động được nhiều nguồn lực để hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn, làng, thôn, xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa, địa điểm sinh hoạt cộng đồng. Hệ thống thiết chế văn hoá từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sáng tạo văn hoá của quần chúng nhân dân.
Để phong trào VNQC ngày càng phát triển, lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng, thời gian tới, ngành VH, TT và DL, các địa phương trong tỉnh tiếp tục củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ văn hoá, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho chủ nhiệm các CLB, đáp ứng nhu cầu quản lý, hướng dẫn, tổ chức các hoạt động. Đẩy mạnh xã hội hóa tổ chức các hoạt động văn hóa, VNQC, phát huy vai trò hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Chú trọng bồi dưỡng, đào tạo hạt nhân văn nghệ tại chỗ; khuyến khích, khơi dậy niềm tự hào, sự sáng tạo, say mê nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, phát triển các di sản văn hóa dân tộc của các nghệ sĩ, nghệ nhân, ca sĩ, diễn viên quần chúng. Sưu tầm, phục dựng, bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa dân gian, bộ môn nghệ thuật dân tộc, các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống. Nâng cao chất lượng các tiết mục, chương trình biểu diễn, diễn xướng trong cộng đồng, hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ, tạo sự phát triển đa dạng, bền vững của phong trào VNQC./.