Nam Định: Đẩy mạnh xã hội hóa phong trào thể dục - thể thao
07/06/2021 | 14:41Những năm gần đây, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, các địa phương trong tỉnh đã huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động thể dục - thể thao (TDTT), đáp ứng nhu cầu luyện tập, thi đấu TDTT của các tầng lớp nhân dân, góp phần phát triển phong trào TDTT và thành tích thể thao chung của tỉnh.
Thực hiện Đề án “Phát triển TDTT tỉnh giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020” và chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh công tác thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch quỹ đất xây dựng cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động TDTT trên địa bàn. Nhiều địa phương, đơn vị đã khắc phục khó khăn về diện tích sân chơi, bãi tập, chủ động đầu tư trang thiết bị, tận dụng khoảng không gian trống trong khuôn viên các trụ sở cơ quan, đơn vị, khu dân cư (KDC) để làm sân TDTT. Hải Hậu là địa phương có phong trào TDTT phát triển mạnh của tỉnh. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã huy động các nguồn lực xã hội phát triển phong trào TDTT. Các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trong huyện đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ tập luyện, thi đấu TDTT; tổ chức các giải thể thao cơ sở; thành lập các đội tuyển tham dự các giải thể thao các cấp. Huyện đã xây dựng 2 nhà thi đấu đa năng, 1 sân vận động (SVĐ) trung tâm, 2 bể bơi hiện đại để tổ chức các giải thể thao quy mô lớn. Một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã tài trợ kinh phí xây dựng 2 sân quần vợt hiện đại trị giá 1,5 tỷ đồng. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn “Tiếp tục đầu tư nâng cấp các thiết chế văn hóa khu dân cư”, triển khai Đề án xây dựng thí điểm NTM kiểu mẫu “sáng - xanh - sạch - đẹp” phát triển bền vững giai đoạn 2019-2025, huy động đầu tư lắp đặt các thiết bị thể thao ngoài trời ở các địa điểm công cộng như: nhà văn hóa (NVH) các KDC, vườn hoa, công viên… Đến nay, toàn huyện có 183 khu thể thao xóm, tổ dân phố lắp đặt hơn 1.200 dụng cụ, trang thiết bị TDTT ngoài trời với tổng giá trị trên 10 tỷ đồng; trong đó 90% kinh phí lắp đặt từ nguồn huy động xã hội hóa. Tại huyện Xuân Trường, các thiết chế thể thao được các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng với kinh phí đầu tư lên đến hàng tỷ đồng như: bể bơi, sân cỏ nhân tạo, nhà thi đấu đa năng tại các xã Xuân Thượng, Xuân Hồng, Xuân Kiên, thị trấn Xuân Trường… Toàn huyện có 20 SVĐ cấp xã, 6 sân cỏ nhân tạo, 10 nhà luyện tập thể thao đơn môn, 4 nhà đa năng, 1 bể bơi cố định, 2 bể bơi lắp ghép và 312 sân TDTT đơn giản gồm các sân: bóng chuyền, cầu lông, bóng đá mi ni, bàn bóng bàn… Bằng nguồn lực huy động xã hội hóa huyện Xuân Trường duy trì tổ chức được nhiều giải thể thao lớn trong năm như: giải bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn… nhân các dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2-9); giải bóng đá thanh, thiếu niên dịp hè; các giải cầu lông, giải chạy “Olympic vì sức khoẻ toàn dân” do Trung tâm VH, TT và TT huyện, Huyện Đoàn phối hợp với các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp tổ chức… Ở huyện Ý Yên, dù nguồn ngân sách của nhiều xã còn hạn hẹp nhưng phong trào TDTT quần chúng đang ngày càng khởi sắc. Nhiều xã có 100% KDC thành lập được các đội bóng đá, cầu lông, bóng bàn, dưỡng sinh, đi bộ. Các NVH thôn, xóm, tổ dân phố đều có sân thể thao mi ni. Hàng năm, các địa phương đều tổ chức các giải thể thao quần chúng nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn (26-3), hội làng truyền thống…. Trung bình mỗi KDC dành từ 5-10 triệu đồng/năm cho phát triển phong trào TDTT; nhờ đó đã tạo được sân chơi lành mạnh, nâng cao thể chất cho người dân, tạo sự gắn bó, đoàn kết trong cộng đồng.
Theo số liệu tổng hợp của Phòng Quản lý TDTT (Sở VH, TT và DL), tính đến hết năm 2020, tỉnh ta đã dành được quỹ đất cho các hoạt động TDTT bình quân 2,5m2/người. Toàn tỉnh có các công trình TDTT đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế gồm: Nhà thi đấu Trần Quốc Toản, Cung Thể thao tỉnh, Nhà thi đấu huyện Hải Hậu, Nhà thi đấu huyện Giao Thủy, Nhà thi đấu Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Nhà thi đấu Trường CĐ Công nghiệp Nam Định, Bể bơi có mái che Cung Thể thao tỉnh, Bể bơi Trần Khánh Dư, SVĐ Thiên Trường… Hệ thống các nhà thi đấu, SVĐ, nhà tập luyện cầu lông, các điểm nhóm tập luyện ngoài trời… của các ngành, địa phương đã đáp ứng nhu cầu tập luyện, thi đấu TDTT và tổ chức các giải thể thao các cấp với gần 40 nhà tập luyện đa năng, trên 500 nhà tập luyện, thi đấu đơn môn, gần 30 bể bơi các loại, gần 800 SVĐ có khán đài, gần 3.000 sân bóng chuyền, bóng rổ, quần vợt, cầu lông ngoài trời…; 12 NVH đa năng của các ngành; 10 NVH cấp huyện; 158 NVH xã độc lập; 2.641/3.634 thôn, xóm, tổ dân phố có sân thể thao.
Bên cạnh đó, thời gian qua, số lượng các cơ sở TDTT ngoài công lập tăng nhanh, với nhiều loại hình phong phú, đa dạng. Nhiều địa phương đã bước đầu thực hiện chuyển giao các cơ sở TDTT công lập sang loại hình bán công, đơn vị cổ phần hoặc giao khoán cho tư nhân quản lý, khai thác. Các CLB TDTT ngoài công lập đóng vai trò tích cực trong việc duy trì, tổ chức các hoạt động TDTT phục vụ quần chúng nhân dân, kịp thời phát hiện và đào tạo các VĐV năng khiếu, chủ yếu ở các môn: võ thuật, điền kinh, bơi lội, bóng bàn, cờ tướng, cờ vua... Các cơ quan quản lý Nhà nước về TDTT và chính quyền các cấp đã khai thác tiềm năng trong nhân dân để phát triển đa dạng các loại hình TDTT quần chúng; kinh phí huy động từ xã hội hóa cho các hoạt động TDTT phong trào tăng nhanh theo từng năm, lớn hơn nhiều lần so với kinh phí Nhà nước. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 liên đoàn thể thao đang hoạt động gồm: quần vợt, cầu lông, võ thuật cổ truyền, bóng đá. Các liên đoàn đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao; đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, hội viên tham gia tập luyện, thi đấu các môn thể thao quần chúng, tạo sự gắn kết giữa quần chúng nhân dân với các tổ chức liên đoàn.
Hàng năm, toàn tỉnh tổ chức trên 1.300 giải thể thao cấp cơ sở, từ 80-100 giải thể thao cấp ngành, huyện, thành phố, từ 15-20 giải thể thao cấp tỉnh. Cùng với việc tuyên truyền, vận động, khuyến khích nhân dân tham gia luyện tập và thi đấu thể thao, các địa phương còn phát động phong trào xây dựng “gia đình thể thao”. Nhờ vậy phong trào cả gia đình thường xuyên tham gia luyện tập TDTT ngày càng được nâng lên. Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 1.670 CLB TDTT các cấp (tăng 500 CLB so với năm 2010); tỷ lệ người dân thường xuyên tập luyện TDTT chiếm 36,5% dân số (tăng trên 8% so với năm 2010); số gia đình thể thao đạt 19,2%. Kết quả này cho thấy, mặc dù một số địa phương trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất TDTT nhưng nhờ đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT mà phong trào tập luyện ở tỉnh ta đã có những chuyển tích cực góp phần thúc đẩy cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, thu hút đông đảo nhân dân hăng hái luyện tập TDTT, tạo động lực để phong trào TDTT ngày càng phát triển./.