Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nam Định: Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược "Phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030"

12/10/2021 | 15:57

Trong các loại hình nghệ thuật - giải trí, điện ảnh có tính đại chúng, phổ cập cao, tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm và đời sống tinh thần trong xã hội. Những năm qua, việc thực hiện Chiến lược “Phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (Chiến lược phát triển điện ảnh) theo Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 11-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ được đẩy mạnh qua đó ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động điện ảnh ở địa phương, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nam Định: Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược "Phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" - Ảnh 1.

Trung tâm Điện ảnh sinh viên (thành phố Nam Định) được đầu tư mới với cơ sở vật chất hiện đại đáp ứng nhu cầu thưởng thức môn "nghệ thuật thứ bảy".

Để thực hiện Chiến lược phát triển điện ảnh, Sở VH, TT và DL đã chỉ đạo Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ phát triển điện ảnh theo Quyết định số 199/QĐ-TTg ngày 25-1-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch “Phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Kế hoạch của Bộ VH, TT và DL thực hiện Chiến lược phát triển điện ảnh. Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở VH, TT và DL đã có những giải pháp thiết thực, từng bước đầu tư thực hiện các chính sách đối với hoạt động điện ảnh, phổ biến phim trên địa bàn. Các rạp chiếu phim của tỉnh được đầu tư bổ sung, sửa chữa cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị. Hiện nay, Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh có 2 rạp chiếu phim là Rạp Tháng Tám và Rạp Sinh viên. Ngoài ra, Trung tâm đã khai trương Phòng chiếu phim kỹ thuật số công nghệ cao, thường xuyên cập nhật các bộ phim mới trong nước, quốc tế phù hợp với sự phát triển chung của thị trường điện ảnh và thị hiếu của công chúng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân. Bên cạnh đó, Trung tâm có 3 đội chiếu phim lưu động phục vụ tại các huyện, thành phố trong tỉnh; được cấp máy chiếu phim nhựa, máy chiếu phim 35mm, máy chiếu video, xe ô tô lưu động chuyên dụng nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển điện ảnh của Bộ VH, TT và DL. Đội ngũ cán bộ, nhân viên, kỹ thuật viên của Trung tâm được đào tạo nâng cao tay nghề, đảm bảo 100% buổi chiếu phim diễn ra an toàn, chất lượng.

Thực hiện sự chỉ đạo của Sở VH, TT và DL, Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh đã chú trọng công tác xây dựng, phát triển, đa dạng các nguồn cung cấp phim từ Cục Điện ảnh và các đơn vị sản xuất phim trong nước; liên hệ các điểm chiếu bóng lưu động; tăng cường tổ chức chiếu phim theo các chủ đề: mừng Đảng - mừng Xuân, tuyên truyền chủ quyền biển đảo, phòng chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, giáo dục truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc… cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên. Cùng với đó, Trung tâm tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, trường học đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ văn hoá, giáo dục để tăng nguồn thu. Hoạt động điện ảnh ở tỉnh ta đã đem lại cho nhân dân, nhất là người dân các vùng nông thôn, vùng ven biển không khí vui tươi, phấn khởi trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Tính đến năm 2020, số lượt chiếu phim của Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh đạt 1.400 lượt chiếu/năm; duy trì chiếu phim lưu động tại mỗi xã, phường, thị trấn bình quân 1 lượt chiếu/năm. Tỷ lệ chiếu phim truyện Việt Nam, phim tài liệu khoa học, phim tư liệu lịch sử, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị đạt 100% số buổi chiếu lưu động. Số lượng người xem đạt từ 300-400 người/buổi chiếu. Tỷ lệ chiếu phim chuyên đề về lịch sử, văn học cho học sinh, sinh viên các trường học 1 lần/năm. Đẩy mạnh xã hội hóa, năm 2020, Sở VH, TT và DL đã phối hợp với Chi hội Điện ảnh Nam đồng bằng sông Hồng sản xuất 2 phim tài liệu giới thiệu về lịch sử, văn hóa, tiềm năng du lịch quê hương Nam Định. Nhiều năm qua, Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh thường xuyên tổ chức các đợt phim, tuần phim tuyên truyền, giáo dục lịch sử, cách mạng nhân các sự kiện chính trị, xã hội của tỉnh, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước như: Tết Nguyên đán, Ngày thành lập Đảng (3-2), Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4) và Ngày Quốc tế Lao động (1-5), Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5), Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2-9), Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12), tuyên truyền Đại hội Đảng các cấp, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp…; các đợt tổng kết phong trào, cuộc vận động: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh.

Nam Định: Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược "Phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" - Ảnh 2.

Một buổi chiếu phim theo chủ đề cho học sinh tại Trung tâm Điện ảnh sinh viên.

Bên cạnh những thành tựu khích lệ, điện ảnh Nam Định đang đứng trước những thách thức không nhỏ trong thời đại công nghệ số hiện nay; đặc biệt là khó khăn trong phát triển thị trường phát hành và phổ biến phim gắn với mục tiêu tăng doanh thu từ phòng vé và xã hội hóa liên kết sản xuất phim. Nguyên nhân là thị trường phim điện ảnh ngày nay chủ yếu do các doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp nước ngoài điều tiết, chi phối, phổ biến phim chiếu rạp tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn dẫn đến tình trạng hoạt động của các rạp Nhà nước gặp nhiều khó khăn khi vừa phải tạo nguồn thu vừa thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Việc chuyển đổi từ công nghệ sản xuất, phổ biến, lưu trữ phim nhựa 35mm sang công nghệ số phù hợp với xu hướng phát triển của điện ảnh thế giới còn chậm. Hệ thống rạp của Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh quản lý, được đưa vào hoạt động đã lâu vẫn chưa có đối tác đầu tư; nhiều thiết bị âm thanh, ánh sáng và cơ sở vật chất lạc hậu, xuống cấp, thường xuyên bị hư hỏng gây tốn kém kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng dẫn đến không đảm bảo chất lượng, thiếu về số lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu của khán giả trẻ hiện nay. Kinh phí phục vụ chiếu phim lưu động không có nên chưa đáp ứng được nhu cầu công việc và phục vụ nhân dân…

Để thực hiện các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển điện ảnh nói riêng, Chiến lược “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” nói chung, thời gian tới, ngành VH, TT và DL tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khai thác các tiềm lực để phát triển điện ảnh. Tăng cường quảng bá, giới thiệu các tác phẩm điện ảnh có giá trị tư tưởng cao, đặc biệt là các tác phẩm ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, các sự kiện, nhân vật lịch sử đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực điện ảnh. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình thiết chế văn hóa tổng hợp từ 1-3 chức năng (rạp, cụm rạp chiếu phim, rạp hát, nhà triển lãm). Quy mô thiết chế văn hóa tổng hợp có trên 600 ghế (phục vụ chức năng nhà hát hoặc rạp chiếu phim hoặc kết hợp cả chức năng nhà hát và rạp chiếu phim). Nâng cấp, cải tạo nhà văn hóa cấp huyện trở thành nhà văn hóa đa chức năng để phục vụ hoạt động biểu diễn nghệ thuật và chiếu phim. Hợp tác, liên doanh, liên kết sản xuất từ 1-2 phim truyện/năm (kinh phí từ nguồn xã hội hóa); 3-5 phim tài liệu khoa học, văn hóa, lịch sử, du lịch/năm (sản xuất theo đơn đặt hàng của tỉnh hoặc từ nguồn xã hội hóa). Tăng số buổi chiếu phim lưu động phục vụ các địa phương với số lượng 1.800 lượt chiếu/năm; số lượng người xem đạt từ 400-500 người/buổi chiếu. Tăng cường mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ từ tỉnh đến cơ sở về công tác chuyên môn, chuyên ngành điện ảnh (biên kịch, đạo diễn, quay phim, lý luận phê bình phim, tuyên truyền thuyết minh phim, kỹ thuật chiếu phim và ứng dụng vận hành máy kỹ thuật số...); khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tham gia đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh. Tăng cường đầu tư bổ sung trang thiết bị, phương tiện vận chuyển chuyên dùng hiện đại, nâng cấp cơ sở vật chất tại các rạp chiếu phim; nâng cao chất lượng hoạt động các đội chiếu phim lưu động đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân./.

Theo Báo Nam Định

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×