Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nam Định: Đẩy mạnh du lịch để phát triển bền vững kinh tế biển

05/09/2022 | 09:00

Nam Định có 72km bờ biển chạy dài qua 3 huyện: Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng; nối cửa Ba Lạt (sông Hồng) với cửa Đáy (sông Đáy). Bờ biển Nam Định thoải, nhiều bãi ngang có thể xây dựng thành các bãi tắm biển và một số vùng đất ngập nước có hệ sinh thái đa dạng thuộc Khu dự trữ sinh quyển liên tỉnh Nam đồng bằng sông Hồng.

Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”, những năm qua, khai thác phát triển các khu du lịch sinh thái, du lịch biển là một trong những trọng tâm được tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhằm phát triển bền vững kinh tế biển.

Nam Định: Đẩy mạnh du lịch để phát triển bền vững kinh tế biển - Ảnh 1.

Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Ảnh: Lại Đăng Khoa

Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch biển

Từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã triển khai nhiều dự án đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, hệ thống cấp, thoát nước, điện lưới, bưu chính viễn thông, xử lý môi trường…) và cơ sở vật chất chuyên ngành Du lịch (khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí...). Tại 2 khu du lịch biển Thịnh Long (Hải Hậu) và Quất Lâm (Giao Thủy), hệ thống kết cấu hạ tầng được xây dựng khá đồng bộ gồm: đường kè, đường dạo ven biển, đường giao thông dân sinh, hệ thống cấp, thoát nước, đèn điện chiếu sáng, dịch vụ bưu chính viễn thông. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu phát triển du lịch của Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác của địa phương, diện mạo các khu du lịch biển Thịnh Long, Quất Lâm, khu sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy đã có nhiều thay đổi... Việc đầu tư xây dựng, cải tạo hạ tầng du lịch, trong đó có việc nâng cấp các tuyến đường, đã giúp du khách tiếp cận các điểm tham quan du lịch dễ dàng hơn, rút ngắn quãng đường, thời gian di chuyển. Từ đó thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí phục vụ khách du lịch. Hiện, ở các khu du lịch biển của tỉnh có gần 200 khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở dịch vụ ăn uống được đầu tư xây dựng với các trang thiết bị hiện đại, phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, lưu trú của du khách.

Thực hiện Quy hoạch chung đô thị thị trấn Quất Lâm, huyện Giao Thủy đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2983 ngày 31/12/2015; huyện Giao Thủy và thị trấn Quất Lâm đang tiến hành giải tỏa các ki-ốt xây dựng ven biển tại Khu du lịch biển Quất Lâm sau khi các chủ đầu tư hết hạn thuê đất. Nam Định là một trong những địa phương chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, triều cường và các hình thái thiên tai cực đoan, nhất là các công trình hạ tầng ven biển ở các khu du lịch biển, vừa gây thiệt hại cho các hộ kinh doanh khi hàng năm phải tốn kém chi phí sửa sang cải tạo khắc phục hậu quả thiên tai, vừa ảnh hưởng đến không gian cảnh quan khu du lịch. Theo quy hoạch, khu vực này sẽ được cải tạo thành công viên cây xanh ven bờ, tạo cảnh quan sinh thái, hiện đại, văn minh cho khu du lịch, xây dựng thị trấn sớm trở thành đô thị loại IV.

Ngoài ra, hạ tầng du lịch trải nghiệm cộng đồng cũng được quan tâm đầu tư với những kết quả đáng kể bước đầu. Hiện tại, Vườn quốc gia Xuân Thủy có 2 ca-nô để phục vụ các đoàn khách du lịch ngắn ngày; 7 tàu thủy do tư nhân đầu tư đóng mới, mỗi tàu phục vụ các đoàn khách từ 30-50 người. Tại đây, du khách có cơ hội được khám phá 4 chương trình tham quan du lịch chính, gồm: du thuyền cửa Ba Lạt; xem chim di trú; trải nghiệm điền dã; du khảo đồng quê (khám phá, trải nghiệm đời sống của người dân địa phương). Du khách đến tham quan Vườn quốc gia Xuân Thủy có thể lựa chọn đường bộ hoặc đường thủy để di chuyển. Hệ thống cơ sở lưu trú khu vực trung tâm Vườn quốc gia Xuân Thủy có 18 phòng nghỉ, 2 phòng ăn; 2 nhà nghỉ tư nhân. Ngoài ra khu vực xã Giao Xuân có 15 hộ gia đình đầu tư xây dựng mô hình nhà nghỉ cộng đồng (homestay) có sức chứa khoảng 40 khách du lịch. Giao thông nông thôn các làng quê ven biển thời gian qua đều được đầu tư trong chương trình xây dựng nông thôn mới bảo đảm kết nối liên hoàn các cấp đường, chất lượng đường tốt, rộng, phẳng, đi lại êm thuận, dễ dàng đối với các loại phương tiện từ xe đạp, xe máy đến ô tô; cảnh quan nông thôn khang trang mà vẫn giữ được các nét đặc trưng truyền thống. Khu vực bãi biển Rạng Đông cũng đang được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tắm biển. Sinh cảnh rừng ngập mặn cùng với môi trường trong lành lại gần khu nghỉ dưỡng sinh thái Rạng Đông tương lai sẽ trở thành điểm tham quan du lịch sinh thái hấp dẫn.

Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch biển

Thời gian qua, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch biển được ngành Du lịch tỉnh quan tâm thông qua việc tổ chức các hoạt động: Tổ chức các cuộc thi ảnh, thi thiết kế logo du lịch Nam Định, xuất bản ấn phẩm sách ảnh du lịch Nam Định, bản đồ du lịch Nam Định; tổ chức Hội chợ Du lịch thương mại Nam Định, tham gia các Hội chợ quảng bá xúc tiến Du lịch tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua đó tuyên truyền tiềm năng, thế mạnh, cơ chế chính sách đầu tư của tỉnh, thu hút đông đảo lượng khách đến tham quan và các đối tác hợp tác kinh doanh, phát triển du lịch biển tại địa phương. Nhằm quảng bá các sản phẩm du lịch biển và liên kết các tour, tuyến du lịch, ngành Du lịch tỉnh đã tổ chức các đoàn Famtrip khảo sát tuyến, điểm du lịch tỉnh và triển khai các chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Nam Định với các địa phương để khai thác phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng vùng; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương, của tỉnh và các địa phương khác tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch Nam Định. Tỉnh cũng hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn quảng bá sản phẩm du lịch, dịch vụ, khảo sát cung cấp thông tin về thị trường du lịch trong nước và quốc tế. Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh đã tăng cường quảng cáo các sản phẩm dịch vụ thông qua nhiều hình thức như: tờ rơi, tập gấp, website doanh nghiệp, các nền tảng ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội...

Đến với các huyện ven biển, du khách có thể tham quan các làng quê đặc trưng của vùng nông thôn gắn với văn hóa mở đất của người dân các miền biển Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng (nơi tiếp cận, giao thoa với văn hóa phương Tây cùng với sự xuất hiện sớm của Đạo Thiên chúa và hệ thống các công trình kiến trúc nhà thờ đặc sắc). Du lịch sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy là điểm RAMSAR quốc tế đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, nơi dừng chân của các loài chim di trú. Vùng rừng ngập mặn Nghĩa Hưng thuộc Khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng, là vùng đất ngập nước nằm giữa 2 cửa sông Đáy và sông Ninh Cơ, có hệ sinh thái đa dạng, phong phú. Ngoài tài nguyên du lịch tự nhiên, vùng ven biển của tỉnh còn có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa lịch sử đa dạng với hàng trăm di tích đã được Nhà nước xếp hạng, nhiều làng nghề, lễ hội truyền thống, những cánh đồng muối, các đặc sản nông nghiệp của địa phương... có khả năng khai thác phát triển thành các sản phẩm du lịch cộng đồng, du khảo đồng quê kết hợp với du lịch biển đáp ứng đa dạng nhu cầu của du khách.

Phát triển nguồn nhân lực và sự tham gia của cộng đồng

Hiện nay, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch biển đã thu hút hàng nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Lực lượng lao động nghiệp vụ (lễ tân, buồng, bàn, bar, bếp, hướng dẫn viên) tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch biển chiếm phần lớn trong tổng số lao động du lịch của tỉnh. Đội ngũ này bao gồm lao động toàn thời gian và lao động mùa vụ, tập trung tại các khu du lịch biển Quất Lâm, Thịnh Long. Tại các khu, điểm du lịch, số lao động mùa vụ thường là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nghiệp vụ du lịch. Đây là một trong những hạn chế về chất lượng của lao động ngành Du lịch tỉnh, ảnh hưởng tới hình ảnh, thương hiệu của ngành. Hoạt động du lịch tắm biển và các loại hình du lịch mới đã góp phần tạo thêm những sinh kế mới cho người dân địa phương. Mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại các xã vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy nằm trong khuôn khổ Dự án “Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại khu vực vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy” được triển khai từ năm 2006 với sự hỗ trợ của Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD). Mục tiêu của dự án là giảm thiểu mức độ xâm hại của cộng đồng trong quá trình khai thác tài nguyên thiên nhiên của Khu dự trữ sinh quyển Nam đồng bằng sông Hồng thông qua việc tạo ra sinh kế phát triển bền vững cho một bộ phận người dân, đặc biệt là phụ nữ. Thời gian qua, mô hình này được một số hộ dân tại xã Giao Xuân áp dụng đạt được những kết quả đáng khích lệ, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài. Khi tham gia vào tổ chức hoạt động du lịch biển, người dân đã chuyển đổi ý thức, thực hiện nếp sống văn minh du lịch, sẵn sàng hướng dẫn và đồng hành với khách du lịch để khách du lịch có những trải nghiệm và cảm nhận tốt nhất trong chuyến đi, tạo sức hấp dẫn đối với du khách. Thông qua hoạt động du lịch, người dân địa phương đã nâng cao ý thức về bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch, trở thành những tuyên truyền viên bảo vệ môi trường.

Đồng chí Đỗ Quang Trung, Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Hiện nay, các khu du lịch biển của tỉnh có hệ thống khách sạn, nhà nghỉ và cơ sở ăn uống được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ, hiện đại với các trang thiết bị đáp ứng nhu cầu ăn nghỉ của khách du lịch. Lượng khách đến các khu du lịch sinh thái biển chiếm trên 20% tổng lượng khách đến các điểm tham quan du lịch của tỉnh, trong đó 50% số khách lưu trú qua đêm. Doanh thu dịch vụ từ hoạt động du lịch biển chiếm tỷ trọng ngày càng cao (khoảng 15-20% tổng doanh thu du lịch của cả tỉnh). Với sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành và người dân các huyện ven biển trong phát triển du lịch, hiện nay, các vùng ven biển đang dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; các địa phương Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng luôn đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư góp phần làm nên diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng biển ngày càng được nâng cao./.

Theo Báo Nam Định

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×