Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Nam Định: Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa

27/12/2021 | 09:37

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) đã phối hợp với các sở, ngành, các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị hệ thống di sản, di tích; trong đó, đẩy mạnh các hoạt động kiểm kê, nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Nam Định: Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa - Ảnh 1.

Khách tham quan gian trưng bày đồ cổ trong không gian Chợ Tết “Một thoáng Thành Nam” tại Bảo tàng tỉnh.

Từ năm 2016, Sở VH, TT và DL chỉ đạo Phòng Quản lý di sản, Bảo tàng tỉnh phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ khoa học trình các cấp có thẩm quyền xem xét xếp hạng 66 di tích; trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt (Chùa Keo Hành Thiện), 6 di tích cấp quốc gia và 59 di tích cấp tỉnh; đồng thời thực hiện kế hoạch tổng kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành Quy định về phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn tỉnh; Quyết định công bố danh mục kiểm kê di tích theo Luật Di sản văn hóa. Theo kết quả kiểm kê, hiện toàn tỉnh có 1.345 di tích lịch sử - văn hóa; trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 83 di tích cấp quốc gia, 299 di tích cấp tỉnh và 961 di tích trong danh mục kiểm kê. UBND tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng 1 di tích quốc gia đặc biệt Đền Xám, xã Hồng Quang (Nam Trực); đề nghị Bộ VH, TT và DL xếp hạng 2 di tích quốc gia: Đền Tây - Chùa Vân Đồn, xã Nghĩa An (Nam Trực), Từ đường Thủy tổ Vũ Chi, xã Hải Anh (Hải Hậu). Sở VH, TT và DL đang lập hồ sơ trình Hội đồng khoa học xét duyệt 15 di tích đề nghị UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Lĩnh vực văn hóa phi vật thể, ngoài di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt và 9 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; năm 2017, Bộ VH, TT và DL và các tỉnh: Nam Định, Bình Dương và thành phố Hà Nội phối hợp với Tổng cục Du lịch quốc gia Hàn Quốc xây dựng hồ sơ đa quốc gia “Nghệ thuật sơn mài” trình UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bảo tàng tỉnh là đơn vị sự nghiệp của Sở VH, TT và DL có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày, tuyên truyền giá trị di sản văn hóa. Năm 2017, sau khi tiếp nhận 1.400 tài liệu, hiện vật do ông Vũ Đình Lưu - chủ sở hữu Bảo tàng Kỷ vật chiến tranh hiến tặng, Bảo tàng tỉnh đã tư liệu hóa hồ sơ khoa học pháp lý hiện vật để lưu giữ, bảo quản, trưng bày. Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức tiếp nhận 214 tư liệu sách do Chi hội văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Nam Định, 133 hiện vật niên đại từ thời đồ đá, văn hóa Đông Sơn đến thời Trần, Lê - Nguyễn của Luật gia, PGS, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nam (Hà Nội) và 22 hiện vật đồ trang sức văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu của Tiến sĩ Phạm Quốc Quân hiến tặng. 5 năm qua, Bảo tàng tỉnh đã làm tốt công tác xã hội hóa, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hiến tặng hiện vật; tổ chức sưu tầm được hơn 500 tài liệu, hiện vật, hình ảnh các sự kiện chính trị, văn hoá, xã hội của tỉnh và hàng trăm tài liệu, hiện vật liên quan đến kết quả xây dựng NTM trong tỉnh. Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh còn tư vấn chuyên môn giúp các tổ chức, cá nhân trong việc nghiên cứu, tư liệu hóa, dịch thuật, bồi dán hàng trăm tư liệu sắc phong, gia phả, thần tích, tài liệu giấy tại các di tích trên địa bàn để lưu giữ, bảo quản, khai thác phát huy giá trị. Thực hiện chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, từ năm 2016 đến nay, Bảo tàng tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị thi công tiến hành trùng tu 16 di tích cấp quốc gia; đồng thời hướng dẫn quy trình, thủ tục tu bổ hơn 50 di tích trên địa bàn tỉnh từ nguồn xã hội hóa. Nguồn vốn đầu tư xây dựng, phục hồi di tích được các cấp chính quyền, các địa phương quản lý chặt chẽ. Các di tích được tôn tạo đảm bảo chất lượng, giữ nguyên giá trị gốc theo đúng quy định về quản lý, bảo tồn di tích. Năm 2020, Bảo tàng tỉnh tổ chức sưu tầm hàng trăm hiện vật nông, ngư cụ truyền thống phục vụ trưng bày chuyên đề “Không gian bếp Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ” cho học sinh và du khách tham gia trải nghiệm các hoạt động: xay thóc, giã gạo, thổi cơm thi và mặc các trang phục truyền thống của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Để di sản văn hóa phát huy giá trị trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, 5 năm qua, ngành VH, TT và DL đã phối hợp với các sở, ngành: Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Công an, Quân sự, Tỉnh Đoàn, các huyện, thành phố tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm như: “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý”; “Đất học Nam Định xưa và nay”, “Bác Hồ với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định” tại các địa điểm: Bảo tàng tỉnh, Nhà Văn hóa 3-2, Nhà văn hóa huyện Giao Thủy, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định. Thông qua các tư liệu, hình ảnh, hiện vật được trưng bày giúp công chúng hiểu rõ hơn về các bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cuộc đời và chặng đường hoạt động cách mạng của Bác và sự quan tâm của Bác với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định; truyền thống hiếu học của vùng đất Thiên Trường xưa - Nam Định nay. Sở VH, TT và DL phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức trưng bày chuyên đề: “Những kỷ vật đi cùng năm tháng” nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12). Từ năm 2018 đến nay, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở VH, TT và DL đã duy trì tổ chức hoạt động “phiên” Chợ Tết “Một thoáng Thành Nam” dịp đầu xuân mới tại Bảo tàng tỉnh với nhiều nội dung phong phú như: triển lãm ảnh về Thành Nam xưa; trưng bày, giới thiệu sinh vật cảnh, chim cảnh; giao lưu cổ vật và chợ bán đồ xưa; trình diễn di sản văn hóa phi vật thể (múa rối nước, hát xẩm, hát văn); giới thiệu đặc sản văn hóa ẩm thực (phở bò Nam Định, bánh cuốn làng Kênh, bánh xíu páo, bánh gai, bánh khúc, bánh đúc…) và tham quan trưng bày nội, ngoại thất Bảo tàng. Chợ Tết “Một thoáng Thành Nam” góp phần tái hiện không gian văn hóa truyền thống, tiến tới hình thành tuyến phố đi bộ trong không gian Thành cổ Nam Định để phục vụ nhu cầu tham quan của người dân địa phương và du khách trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, tạo nên sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc mới, tháng 11-2021, tại Triển lãm “Không gian di sản văn hóa Việt Nam” tổ chức tại Hà Nội nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11) do Bộ VH, TT và DL chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, Bảo tàng tỉnh và Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nam Định đã tham gia 2 nội dung trưng bày “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Bản sắc và giá trị” và giới thiệu văn hóa ẩm thực, sản vật của quê hương Nam Định. Đây là dịp giúp công chúng nhận diện đúng, đầy đủ bản chất và giá trị cốt lõi của di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, ngăn chặn sự lạm dụng, biến tướng làm sai lệch giá trị thực chất của di sản.

Qua công tác nghiên cứu, sưu tầm, quản lý, bảo vệ di sản văn hóa của tỉnh đã góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất, con người quê hương Nam Định, tạo điều kiện thu hút du khách tham quan, học tập, nghiên cứu, thúc đẩy phát triển du lịch địa phương./.

Theo Báo Nam Định

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×