Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Năm 2020, tỉnh Quảng Nam dự kiến sẽ đón hơn 8 triệu lượt khách

24/01/2020 | 08:58

2019 - Một năm có thể nói là thành công trong lĩnh vực du lịch của tỉnh Quảng Nam. Dự báo đến năm 2020, tỉnh Quảng Nam sẽ đón khoảng hơn 8 triệu lượt khách. Con số này sẽ tiếp tục tăng mạnh khi hạ tầng kinh tế - xã hội, du lịch của tỉnh được hoàn thiện...

Phát triển du lịch bền vững - Ảnh 1.

Quảng Nam vừa tổ chức đón vị khách quốc tế thứ 4,6 triệu đến thăm quan. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Khép lại một năm nhiều thành công trong lĩnh vực du lịch của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Quảng Nam, chúng tôi đã có những trao đổi với ông Nguyễn Thanh Hồng- Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam về những thắng lợi của năm 2019 và những phương hướng trọng tâm phát triển du lịch năm 2020 trên địa bàn.

Thưa ông, khép lại một năm nhiều thành công đối với lĩnh vực du lịch, ông có thể cho biết một số hoạt động nổi bật trong năm 2019?

Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam: Để có được những thành quả đột phá, hoàn thành xuất sắc kế hoạch đề ra là nhờ công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch được thực hiện đảm bảo, đúng quy định; ban hành và triển khai nhiều văn bản, chính sách, đề án nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cộng đồng phát triển. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến quảng bá, liên kết phát triển du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch được đẩy mạnh.

Trong năm, ngành du lịch tham gia 11 sự kiện, hội chợ trong và ngoài nước; đón 38 đoàn famtrip, presstrip quốc tế đến khảo sát du lịch Quảng Nam, 07 đoàn làm phim, famtrip, presstrip trong nước. Thành phố Hội An và nhiều sản phẩm du lịch của tỉnh nhận được nhiều giải thưởng lớn do các tạp chí, trang du lịch uy tín nổi tiếng thế giới bình chọn như: Hội An được công nhận là "Thành phố văn hóa hàng đầu châu Á" tại Lễ trao giải thưởng Du lịch thế giới 2019; dẫn đầu bảng xếp hạng thành phố quyến rũ nhất thế giới năm 2019 và top 50 điểm đến tốt nhất năm 2019 do tạp chí Travel Leisure bình chọn; là một trong những đô thị cổ đẹp nhất Đông Nam Á do CNN travel bình chọn; 10 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á – Thái Bình Dương năm 2019 do tạp chí Lonely Planet bình chọn… Bãi biển An Bàng vào top 25 bãi biển đẹp nhất Châu Á do Tripadvisor bình chọn; Ký ức Hội an là Show biểu diễn thực cảnh đẹp nhất thế giới do Reuters bình chọn. Tổ chức trao Giải thưởng Du lịch Quảng Nam cho 11 đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh….

Cùng với đó, Sở VHTTDL Quảng Nam phối hợp với Sở DL: thành phố Đà Nẵng, thành phố Hà Nội và Sở VHTTDL tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị liên kết, hợp tác phát triển du lịch của 04 địa phương Thừa Thiên Huế-Đà Nẵng-Quảng Nam-Hà Nội, qua đó đã có định hướng liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong thời gian tiếp theo.

Công tác quản lý nhà nước về môi trường du lịch cũng được lãnh đạo tỉnh quan tâm tập trung chỉ đạo. Năm 2019, ngành du lịch đã tổ chức 10 cuộc thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực lưu trú, lữ hành, hướng dẫn viên, môi trường du lịch; Trung tâm Hỗ trợ Du khách tỉnh Quảng Nam đã tiếp cận, hỗ trợ thông tin cho gần 12.000 lượt khách, giải đáp trên 350 cuộc gọi đường dây nóng; hỗ trợ xử lý cho 170 trường hợp mất đồ đạc, bị chặt chém dịch vụ, tìm kiếm đồ thất lạc cho khách. 

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch được quan tâm, đã tổ chức 22 lớp tập huấn đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ với 950 người tham gia; cấp giấy chứng nhận 352 học viên là lái xe và nhân viên phục vụ trên xe ô tô vận tải khách du lịch, lái tàu và nhân viên phục vụ trên phương tiện thủy nội địa.

Hoạt động lữ hành, vận chuyển, hướng dẫn viên, lưu trú được quản lý chặt chẽ, đi vào nề nếp. Tính đến nay, toàn tỉnh có 88 đơn vị kinh doanh lữ hành (trong đó: 60 công ty lữ hành quốc tế; 14 công ty lữ hành nội địa; 10 chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp trong nước; 03 đại lý lữ hành; 01 văn phòng đại diện của doanh nghiệp du lịch nước ngoài); có 731 cơ sở lưu trú du lịch hoạt động với 13.860 phòng.

Ngoài ra, trong năm ngành Du lịch đã tổ chức thành công các hoạt động: Hội nghị doanh nghiệp năm 2019 và đón vị khách quốc tế thứ 4,6 triệu đến Quảng Nam; Hội thảo phát triển du lịch bền vững tỉnh Quảng Nam thời cơ và thách thức; tổ chức và trao giải thưởng du lịch lần thứ I năm 2019 cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

Phát triển du lịch bền vững - Ảnh 2.

Khách tham quan Chùa Cầu, Hội An. Ảnh: Nam Nguyễn

Trong năm 2019, ngành du lịch có đạt được mục tiêu về số lượt khách du lịch đã đề ra? Để đạt được mục tiêu đó, ngành đã có những giải pháp gì?

- Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam: Năm 2019, ngành du lịch đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu đề ra: tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch năm 2019 đạt 7.790.000 lượt khách, tăng 19,48% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó: khách quốc tế đạt 4.666.000 lượt khách, tăng 22,79% so với cùng kỳ năm 2018; khách nội địa đạt 3.124.000 lượt khách, tăng 14,85% so với cùng kỳ năm 2018. Doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch năm 2019 đạt 6.200 tỷ đồng, tăng 31,91% so với cùng kỳ năm 2018, thu nhập xã hội đạt 14.570 tỷ đồng.

Đến nay, toàn tỉnh có 731 cơ sở lưu trú du lịch với 13.860 phòng vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 27/12/2016 của Tỉnh ủy (Đến năm 2020: 600 cơ sở lưu trú với 12.000 phòng).

Để đạt được những kết quả và mục tiêu đề ra, ngành du lịch tỉnh đã thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp, cụ thể:

Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí của ngành du lịch: Xác định rõ vai trò, vị trí của ngành du lịch với tư cách là ngành kinh tế dịch vụ, có khả năng đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh quốc phòng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân về ý nghĩa tầm quan trọng của phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay; coi nhiệm vụ phát triển du lịch là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Thực hiện tốt công tác đầu tư phát triển du lịch: Tập trung thu hút các dự án động lực vào các khu vực: ven biển từ phía Nam Hội An đến giáp Quảng Ngãi; ven sông Cổ Cò, Thu Bồn và Trường Giang...; Tăng cường đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, thông tin truyền thông, năng lượng, cấp thoát nước, môi trường và các lĩnh vực liên quan đảm bảo đồng bộ để phục vụ phát triển du lịch.

Phát triển sản phẩm du lịch và xây dựng môi trường du lịch lành mạnh: Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch gắn với thế mạnh nổi trội và hấp dẫn về tài nguyên du lịch như: du lịch văn hoá, lịch sử, sinh thái và nghỉ dưỡng biển, làng nghề, làng quê, làng dân tộc đồng bào thiểu số... Đẩy mạnh phát triển văn hóa nghệ thuật đa dạng, mang đặc trưng địa phương phục vụ khách. Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có, xây dựng sản phẩm du lịch mới thu hút khách. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch gắn với thực hiện bình chọn, xếp hạng chất lượng các dịch vụ như lưu trú, lữ hành, cơ sở ăn uống và mua sắm... theo chuẩn quốc tế và trong nước.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra về môi trường du lịch, bảo đảm an ninh an toàn cho khách du lịch trên địa bàn tỉnh. Xây dựng tỉnh Quảng Nam là điểm đến an toàn thân thiện. Phát động chương trình tuyên truyền, vận động xã hội thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch trên địa bàn tỉnh.

Về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch: Đẩy mạnh liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch tự tổ chức đào tạo, hoặc đặt hàng liên kết với cơ sở đào tạo nhằm đảm bảo nguồn lao động phục vụ du lịch.

Về xúc tiến quảng bá du lịch: Lựa chọn các thị trường chất lượng cao và lưu trú dài ngày để tập trung xúc tiến quảng bá với nhiều hình thức, nội dung phù hợp như tổ chức sự kiện, phim truyền hình du lịch, tổ chức roadshow, famtrip, tham gia hội chợ trong và ngoài nước... Đẩy mạnh quảng bá tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, trên các ấn phẩm trên các phương tiện trực quan, tại các sân bay, bến cảng, thông qua tổ chức các sự kiện văn hóa - du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, quảng bá và giao dịch thương mại du lịch. Nâng cấp website du lịch Quảng Nam bằng nhiều ngôn ngữ, liên tục cập nhật thông tin mới, chủ động kết nối với các website du lịch trên cả nước và tích hợp các trang mạng xã hội: Facebook, Twitter, Youtube, Instagram... để nâng cao hiệu quả quảng bá.

Về liên kết, hợp tác phát triển du lịch: Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về du lịch, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước góp phần đẩy mạnh phát triển và hội nhập của du lịch Quảng Nam. Đẩy mạnh liên kết vùng Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, miền Trung - Tây Nguyên, liên kết với các trung tâm du lịch lớn trong cả nước; liên kết các ngành, lĩnh vực như hàng không, thương mại, thông tin truyền thông để xúc tiến quảng bá.

Về chính sách phát triển du lịch: Xây dựng các chính sách thúc đẩy du lịch khu vực phía Tây và phía Nam của tỉnh, khuyến khích doanh nghiệp, cộng đồng đầu tư phát triển du lịch.

Phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của Hiệp hội Du lịch và doanh nghiệp du lịch: Đổi mới phương thức và nội dung hoạt động của Hiệp hội du lịch, Hiệp hội làm tốt công tác quy tụ, tập hợp, đoàn kết, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Tăng cường liên kết hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp du lịch, giữa các doanh nghiệp với nhau trong việc quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng môi trường du lịch, hình ảnh và thương hiệu du lịch Quảng Nam. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cộng đồng hoạt động kinh doanh du lịch.

Phát triển du lịch bền vững - Ảnh 3.

Du khách quốc tế trải nghiệm cuốc đất trồng rau tại Làng rau Trà Quế. Ảnh: Đức Hoàng

Đối lập với sự phát triển của du lịch là sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường như "vấn nạn" rác thải nhựa, Ngành đã có hành động cụ thể nào nhằm giải quyết vấn đề này tại các điểm du lịch trên địa bàn?

- Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam: Trong năm 2019, Ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 5970/KH-UBND ngày 07/10/2019 về Nâng cao chất lượng môi trường du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019 – 2025; ban hành nhiều văn bản quản lý môi trường du lịch như: Tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch; Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa; Bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon, ống hút nhựa, túi nhựa dùng một lần....

Tổ chức thành công nhiều Hội nghị, Hội thảo có liên quan đến môi trường du lịch, du lịch bền vững như Hội nghị sơ kết 05 năm (2014-2018) thực hiện Chỉ thị số Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 21/11/2013 của UBND tỉnh Quảng Nam về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch trên địa bàn tỉnh; Hội thảo Phát triển du lịch bền vững Quảng Nam 2019 - "Du lịch không rác thải nhựa"; Hội thảo phát triển du lịch bền vững tỉnh Quảng Nam - Thời cơ và thách thức.

Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về du lịch, du lịch cộng đồng cho cán bộ quản lý cấp huyện, xã, đại diện Ban quản lý các khu, điểm du lịch, các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh, trong đó nhấn mạnh tuyên truyền cộng đồng tham gia hoạt động du lịch phải thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường xã hội phục vụ phát triển du lịch.

Trong thời gian tới, Ngành sẽ đề ra những giải pháp gì nhằm thu hút ngày càng đông khách du lịch?. Mục tiêu trong năm 2020, du lịch Quảng Nam dự kiến sẽ đón bao nhiêu lượt khách?

- Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam: Năm 2020 là năm cột mốc hoàn thành các chỉ tiêu được Tỉnh ủy đề ra tại Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 27/12/2016 về phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; dự báo năm 2020, du lịch Quảng Nam đón 8.100.000 lượt khách (vượt chỉ tiêu đề ra là 8.000.000 lượt khách), doanh thu du lịch đạt 7.000 tỷ đồng; do đó ngành du lịch cần tập trung đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các giải pháp cụ thể sau:

Phát triển du lịch bền vững - Ảnh 4.

Chào đón những vị khách quốc tế đầu tiên tới Hội An năm 2020. Ảnh: Đức Hoàng

Về cơ chế, chính sách phát triển du lịch: Tập trung hoàn thành các Đề án, chương trình, kế hoạch đã ban hành theo lộ trình đến năm 2020, tổng kết, đánh giá và đề xuất các giải pháp cho giai đoạn tiếp theo: Đề án hỗ trợ đầu tư cấp thiết hạ tầng du lịch tại các khu điểm du lịch giai đoạn 2016 – 2020; Kế hoạch hành động số 5011/KH-UBND ngày 02/11/2015 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 24/12/2014 của Chính phủ; Kế hoạch số 2024/KH-UBND ngày 30/5/2014 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình hành động về du lịch tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2014 – 2020; Quyết định số 1117/QĐ-UBND ngày 30/3/2018 của UBND tỉnh về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ và Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 27/12/2016 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025….; Xây dựng ban hành các văn bản mới: Đề án hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Quảng Nam, Đề án quảng bá du lịch Quảng Nam đến năm 2025…

Về công tác đầu tư, phát triển sản phẩm: Tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, đặc biệt là khu vực miền núi của tỉnh. Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch phía Tây và phía Nam của tỉnh. Đầu tư phát triển loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng gắn với phát triển làng nghề và khu vực nông thôn.

Về công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch: Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch. Các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh cần tăng cường công tác đào tạo, chú trọng nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp cho lao động, đồng thời có chính sách giữ chân và thu hút lao động có tay nghề để đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của ngành du lịch.

Về môi trường du lịch: Tiếp tục tăng cường quản lý môi trường du lịch, đẩy mạnh hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực, chú trọng công tác bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng Quảng Nam là điểm đến an toàn và thân thiện. Tiếp tục phát huy vai trò hoạt động của Trung tâm hỗ trợ du khách Quảng Nam, xây dựng hình ảnh Trung tâm hỗ trợ du khách trở thành địa chỉ tin cậy trong việc cung cấp thông tin, giải quyết các vấn đề phát sinh của du khách khi đến Quảng Nam.

Về quảng bá, xúc tiến, liên kết hợp tác phát triển du lịch: Đổi mới cách thức, nội dung xúc tiến quảng bá du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong bá hình ảnh du lịch Quảng Nam trong và ngoài nước. Tăng cường kết hợp sử dụng nguồn lực nhà nước và huy động sự tham gia của doanh nghiệp và toàn xã hội trong hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch; Tiếp tục mở rộng và đẩy mạnh quan hệ hợp tác, liên kết phát triển với các địa phương trong nước và quốc tế.

Vai trò của Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp du lịch: Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp du lịch tiếp tục phát huy vai trò, đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quảng bá, xúc tiến, xây dựng môi trường, phát triển các sản phẩm du lịch, đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch…, ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường năng lực cạnh tranh trong khu vực và trên cả nước.

Công tác quản lý nhà nước về du lịch: Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước lĩnh vực du lịch, kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức bộ máy và cán bộ làm du lịch từ tỉnh đến cơ sở. Các sở, ban, ngành tăng cường công tác phối hợp, triển khai thực hiện có hiệu quả có nhiệm vụ liên quan đến phát triển du lịch; các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển tiềm năng du lịch. Các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.

Xin chân thành cảm ơn Ông!

Lan Anh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×